Uống 'thảo dược' trộn thuốc cấm trị tiểu đường, bệnh nhân suýt mất mạng

06/12/2017 16:08 GMT+7

Không ít loại 'thảo dược' không rõ nguồn gốc được trà trộn thành phần thuốc tây đã bị cấm lưu hành, được người bệnh tiểu đường sử dụng, tiềm ẩn những nguy hại khôn lường.

Nhiều bệnh nhân tiểu đường ngán ngại dùng thuốc tây điều trị lâu dài đã tìm đến những bài thuốc thảo dược vì cho rằng “mát” hơn, “hợp” với thể trạng. Tuy nhiên, không ít loại “thảo dược” không rõ nguồn gốc được trà trộn thành phần thuốc tây đã bị cấm lưu hành, tiềm ẩn những nguy hại khôn lường.
Uống thuốc cấm mà không biết
Ông L.V.M (80 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) khám bệnh với triệu chứng nôn mửa kéo dài và mệt mỏi sau khi nôn, không hề có triệu chứng đáng lưu ý nào khác, kể cả chỉ số đường huyết cũng rất ổn định.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM), cho biết: Qua thông tin của gia đình bệnh nhân thì ông bị tiểu đường đã nhiều năm. Thời gian trước khi nhập viện, sức khỏe và đường huyết của ông rất ổn định, không cần dùng nhiều thuốc. Đặc biệt, ông chỉ uống ít thảo dược dạng viên hằng ngày.
Trước khi đi khám vài tuần, bệnh nhân bắt đầu có những triệu chứng mệt mỏi, ói mửa nhiều lần, không ăn uống được nhưng không hề đau bụng, sốt hay tiêu chảy.
Vì vậy, tại Bệnh viện Đại học Y dược, các bác sĩ đã cẩn trọng cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm để có thể chẩn đoán toàn diện và chính xác tình trạng của người bệnh.
Cuối cùng, các kết quả xét nghiệm có được đã đối nghịch hoàn toàn với biểu hiện bên ngoài của bệnh nhân.
Bệnh nhân bị suy thận cấp và toan máu nặng với pH = 6,8 (mức bình thường 7,35-7,45).
Theo bác sĩ Hậu: Toan máu là tình trạng pH máu giảm quá ngưỡng cho phép do quá trình chuyển hóa sinh ra a xít lactic. Độ pH trong máu nếu giảm xuống dưới 7,2 có thể gây ngưng tim đột ngột. Thuốc cũng ít có tác dụng ở độ pH này.
“Tình trạng toan máu nặng rất hiếm gặp, thường chỉ gặp ở người bệnh ngưng thở, ngưng tim từ rất lâu. Đây là trường hợp rất nặng, đe dọa tính mạng và có thể tử vong bất kỳ lúc nào”, bác sĩ Hậu đánh giá.
Bệnh nhân đã ngay lập tức được điều trị tích cực song song với việc lọc máu cấp cứu. May mắn vì được chẩn đoán sớm và chính xác bệnh lý, đồng thời điều trị cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân có thể qua khỏi. Hiện bệnh nhân vẫn được theo dõi và chăm sóc tích cực nhiều ngày với máy thở và lọc máu liên tục. Bác sĩ Hậu cho biết các trường hợp tương tự, tỉ lệ tử vong lên đến hơn 50%.
Khi đó, gia đình mới cho biết loại thuốc mà ông M. đang dùng là một loại “thảo dược” dạng viên, đựng trong các bao nhựa không nhãn mác. Thuốc được một người quen giới thiệu có tác dụng hạ đường tốt, rẻ tiền, dễ mua mà không cần khám bệnh hằng tháng. Bệnh nhân thấy bất tiện khi phải tiêm insulin mỗi ngày nên đã chuyển sang dùng thuốc “thảo dược” này.
Cẩn trọng với “thảo dược” trị tiểu đường
“Thảo dược” bệnh nhân dùng đã được phân tích thành phần chuyên sâu. Kết quả cho thấy, đây không phải là thảo mộc đơn thuần mà chính là Phenformin, một loại thuốc tây trị tiểu đường nổi tiếng ở thập niên 50-70 của thế kỷ trước. Thuốc đã bị cấm lưu hành quốc tế từ hơn 50 năm qua.
Theo bác sĩ Hậu, Phenformin là thuốc hàng đầu trị tiểu đường được lưu hành từ năm 1957 tại Mỹ. Ban đầu, thuốc được ưa chuộng vì tác dụng rất tốt. Tuy nhiên, đến năm 1973, thuốc bị cấm lưu hành quốc tế sau khi có ghi nhận hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm a xít lactic khi dùng thuốc này.
"Thảo dược" bột vo viên không rõ nguồn gốc được bệnh nhân sử dụng điều trị tiểu đường Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Hậu giải thích thêm: Tình trạng nhiễm toan a xít lactic rất dễ xảy ra khi người bệnh uống Phenformin kèm các thuốc giảm đau, kháng viêm trị đau nhức, lợi tiểu trị huyết áp cao hay người bệnh đã có bệnh thận mạn tính do tiểu đường lâu năm.
“Việc điều trị bằng thuốc Phenformin dễ xảy ra các tác dụng phụ, biến chứng gây tử vong, thậm chí ở người còn rất trẻ. Đôi khi diễn biến tử vong rất nhanh mà không tìm được nguyên nhân, thậm chí dẫn đến nghi ngờ bị đầu độc”, bác sĩ Hậu cho biết.
Theo nhiều bác sĩ khuyến cáo, mặc dù Phenformin đã bị cấm lưu hành nhưng không ít trường hợp trà trộn thành phần của thuốc vào các viên “thảo dược”, đông dược không nhãn mác, tạo sự nhầm lẫn trong cách suy nghĩ và sử dụng của người bệnh, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Trước đó, trong một hội nghị về đào tạo chuyên sâu các bác sĩ điều trị tiểu đường, giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, cũng cảnh báo, ông đã gặp trường hợp bệnh nhân dùng “thảo dược” dạng bột vo thành viên, không rõ nguồn gốc, để điều trị tiểu đường. Tuy nhiên, khi phân tích, có tình trạng, “thảo dược” thực chất đã bị trộn tây dược, có thành phần đã bị cấm lưu hành. Vì thế, khi sử dụng, bên ngoài, bệnh nhân có thể ổn định đường huyết nhưng “tiềm ẩn” nhiều tác dụng nguy hại.
Hiện nay, bệnh nhân tiểu đường được kiểm soát đường huyết bằng insulin theo Tây y. Tuy nhiên, qua ghi nhận, vì đây là căn bệnh mạn tính, không điều trị hết mà phải kiểm soát đường huyết gần như suốt đời nên nhiều người bệnh ngán ngại trong việc dùng thuốc. Nhiều bệnh nhân cũng tìm đến những bài thuốc thảo dược đông y vì cho rằng sẽ “mát” hơn, “hợp” với thể trạng.
“Không thể phủ nhận tác dụng của một số loại thảo mộc dân gian nếu được sử dụng đúng cách cũng giúp ổn dịnh đường huyết cho người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, tồn tại một bộ phận người bệnh tự ý sử dụng tràn lan các loại đông dược không rõ nguồn gốc để điều trị tiểu đường, khiến tình trạng bệnh không được cải thiện mà còn gây ra nhiều biến chứng nặng nề hơn”, bác sĩ Hậu đánh giá.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh tiểu đường dù có mong muốn điều trị bằng đông y hay tây y đều cần đến các cơ sở y tế có chuyên môn uy tín để được tư vấn điều trị và hướng dẫn sử dụng thuốc một cách khoa học, tránh việc tự ý dùng thuốc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.