Uy lực sát thủ diệt hạm BrahMos

07/06/2016 07:00 GMT+7

Tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác chế tạo có khả năng lẩn tránh radar và khó bị đánh chặn bởi những hệ thống phòng thủ tiên tiến.

Hồi cuối tháng trước, phát ngôn viên Praveen Pathak của Công ty liên doanh BrahMos Aerospace xác nhận Ấn Độ và Nga vừa nhất trí về mặt nguyên tắc cho phép xuất khẩu tên lửa hành trình diệt hạm nhanh nhất thế giới BrahMos sang một số nước thứ ba, trong đó có Việt Nam.
Ông Pathak khẳng định với Hãng tin TASS rằng các cuộc đàm phán mua bán BrahMos với VN và một số nước khác đã tiến xa. Cũng chính ông Pathak cách đây 3 tháng cũng tiết lộ với Hãng tin Sputnik rằng hợp đồng xuất khẩu BrahMos đầu tiên với một quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ được ký vào cuối năm nay. Dù không nêu tên, nhưng ông Pathak khẳng định đó là quốc gia bạn bè mà cả Nga lẫn Ấn Độ đều không có mâu thuẫn.
Xuyên thủng mọi lá chắn
BrahMos được phát triển bởi Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cùng Cục Thiết kế tên lửa NPO Mashinostroyenia của Nga (NPOM), dựa trên tên lửa diệt hạm siêu thanh P-800 Oniks do Nga chế tạo. Hai bên đã lập Công ty liên doanh BrahMos Aerospace vào năm 1998. BrahMos là từ kết hợp hai tên của sông Brahmaputra ở Ấn Độ và sông Moskva ở Nga. Hai quốc gia này được cho là có kế hoạch chế tạo 2.000 tên lửa siêu thanh BrahMos và sẽ xuất khẩu phân nửa số đó cho các nước bạn bè và đối tác.
Theo chuyên san The National Interest, tên lửa BrahMos có hai tầng: tầng thứ nhất sử dụng nhiên liệu rắn, giúp tăng tốc lên tốc độ siêu âm, tức vượt qua 1.225 km/giờ. Tầng còn lại bao gồm một động cơ phản lực sử dụng nhiên liệu lỏng, cho phép đẩy tốc độ lên mức 2,8 Mach (hơn 3.430 km/giờ).
BrahMos có tầm bắn lên tới 290 km, bay với vận tốc siêu thanh trong toàn bộ quá trình bay nên mục tiêu không có thời gian phân tán và khó bị đánh chặn bởi bất kỳ hệ thống vũ khí hiện có nào trên thế giới, theo TASS dẫn thông tin từ BrahMos Aerospace. Ngoài ra, BrahMos vận hành theo nguyên tắc “bắn và quên”, tức là sau khi được phóng đi không cần thêm bất kỳ thao tác điều khiển nào khác mà vẫn có thể tấn công mục tiêu. Tên lửa này còn có khả năng đổi hướng trong lúc bay tới mục tiêu, tạo thành đường bay hình chữ “S”, giúp tránh bị radar phòng thủ tên lửa của đối phương phát hiện.
Vận tốc cao, thiết kế tàng hình cùng khả năng bay lướt trên mặt biển cũng chính là những yếu tố giúp BrahMos xuyên thủng hệ thống phòng thủ của đối phương. Cụ thể, BrahMos có tầm bay cao nhất là 15 km và tầm bay giai đoạn cuối dưới 10 m. Theo The National Interest, nếu radar của đối phương ở độ cao 20 m, “sát thủ diệt hạm” này chỉ bị phát hiện ở khoảng cách 27 km. Thế nên đối phương chỉ có 28 giây để theo dõi, định vị và bắn hạ BrahMos trước khi nó tấn công tàu.
Cũng theo The National Interest, tên lửa BrahMos có sức mạnh đáng gờm: những phiên bản phóng từ mặt đất và tàu chiến nặng 3 tấn, được trang bị đầu đạn 200 kg, còn phiên bản phóng từ chiến đấu cơ nặng 2,5 tấn có đầu đạn 300 kg. Ngay cả khi không mang đầu đạn, với vận tốc 2,8 Mach, BrahMos có thể truyền động năng cực lớn vào mục tiêu, khiến nó khó sống sót.
Hồi năm 1987, tàu hộ vệ USS Stark của hải quân Mỹ bị tên lửa diệt hạm Exocet (nặng 670 kg và vận tốc 1.134 km/giờ) phóng từ máy bay Iraq đánh trúng, tuy đầu đạn không nổ nhưng tàu Stark vẫn bị thiệt hại đáng kể do động năng lớn của tên lửa gây ra, theo tạp chí Popular Mechanics.
Với trọng lượng nặng gấp 2 lần và nhanh hơn gấp 3 tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ (nặng 1,3 tấn và vận tốc 890 km/giờ), BrahMos có động năng trong lúc bay mạnh hơn 32 lần, theo tờ Pravda. Hồi năm 2015, BrahMos được The National Interest xếp đứng đầu trong số 5 tên lửa diệt hạm “thần sầu quỷ khốc” của mọi thời đại.
Uy lực sát thủ diệt hạm BrahMos
Tên lửa BrahMos tại một cuộc triển lãm quốc phòng ở Nga Ảnh:AFP
Những phiên bản tương lai
BrahMos được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2001 và từ năm 2004, loại tên lửa này trải qua rất nhiều cuộc thử nghiệm trong các điều kiện thời tiết và địa hình khác nhau, có cả địa hình sa mạc, với những phiên bản dùng để diệt hạm hoặc tấn công mặt đất, có thể được phóng từ tàu chiến mặt nước hay từ đất liền.
Chưa dừng lại ở đó, Ấn Độ và Nga còn đang phát triển phiên bản BrahMos-NG và BrahMos-II, dự kiến hoàn tất sớm nhất vào năm 2017. BrahMos-NG được dựa trên những phiên bản tên lửa BrahMos hiện nay, cũng có tầm bắn 290 km, nhưng có vận tốc 3,5 Mach (hơn 4.287 km/giờ), nặng chỉ khoảng 1,5 tấn và dài 5 m, giúp nó nhẹ hơn 50% và ngắn hơn 3 m so với những phiên bản trước, theo website Brahmos.com. BrahMos-NG sẽ có những phiên bản phóng từ tàu, mặt đất và trên không. Nhờ nhỏ gọn hơn so với các loại tên lửa có cùng tính năng, BrahMos-NG có thể sẽ được trang bị cho chiến đấu cơ như Su-30MKI và MiG-29K.
Trong khi đó, BrahMos-II là tên lửa hành trình bội siêu thanh. Giống các phiên bản BrahMos khác, BrahMos-II có tầm bắn giới hạn ở mức 290 km nhưng có vận tốc lên tới 7 Mach (hơn 8.575 km/giờ). Với vận tốc này, BrahMos-II sẽ là tên lửa bội siêu thanh nhanh nhất thế giới, theo Hãng tin PTI. Dự kiến, BrahMos-II sẽ được giao cho không quân Ấn Độ vào năm 2017. 
Gặp gỡ doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng VN - Ấn Độ
Trong khuôn khổ chuyến thăm tại VN, ngày 6.6 tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrika và thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã tham dự cuộc gặp gỡ doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng VN - Ấn Độ. Cuộc gặp gỡ này có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng hai nước; thể hiện cam kết của Bộ Quốc phòng hai nước trong tăng cường đối thoại, xây dựng cơ chế và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp có cơ hội đóng góp nhiều hơn vào thúc đẩy hợp tác quốc phòng VN - Ấn Độ.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, cuộc gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược VN - Ấn Độ, trong đó có hợp tác quốc phòng, đang phát triển rất tốt đẹp. Quan hệ quốc phòng song phương giữa hai nước thời gian qua đã có những bước phát triển rất vững chắc, toàn diện, cả chiều rộng và chiều sâu. Trên con đường hội nhập quốc tế, VN mong muốn cùng Ấn Độ mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển, tạo môi trường thuận lợi để các tập đoàn, doanh nghiệp của hai nước nói chung, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng nói riêng, có cơ hội đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước.
Nhất trí với quan điểm của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Parrika khẳng định Ấn Độ sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với phía VN. Đây cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng giúp thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Tại cuộc gặp gỡ, các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng hai nước đã tìm hiểu nhu cầu và giới thiệu các thế mạnh của mình cho nhau.
Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.