Vắc xin ngừa ung thư phổi, ruột và tuyến tụy sẽ được thử nghiệm trên người

Thiên Lan
Thiên Lan
18/11/2020 00:05 GMT+7

Một loại vắc xin thử nghiệm, hoạt động bằng cách thúc đẩy hệ miễn dịch của cơ thể nhằm vào các tế bào ung thư , đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc điều trị và ngăn ngừa ung thư, theo Medical Express.

Vắc xin này được tạo ra để nhắm vào một gien gọi là KRAS có liên quan đến sự phát triển của nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, ruột và tuyến tụy.
Nghiên cứu vừa được trình bày tại Hội nghị chuyên đề lần thứ 32 về mục tiêu sinh học phân tử và phương pháp điều trị ung thư, được Tổ chức Nghiên cứu và Điều trị Ung thư Châu Âu (EORTC), Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI) và Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ (AACR) tổ chức.
Các nhà khoa học đã biết rằng, trong nhiều bệnh nhân bị ung thư, có một điểm đặc biệt là gien KRAS bị sai hoặc đột biến, theo Medical Express.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Rachel Ambler, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, từ Học viện Francis Crick, London (Anh), cho biết nếu gien KRAS gặp sự cố, nó sẽ cho phép các tế bào trong cơ thể bắt đầu nhân lên và biến thành tế bào ung thư.
Nhưng nếu có một sự hỗ trợ đủ mạnh, hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể làm chậm quá trình này.

Vắc xin ngừa ung thư phổi, ruột và tuyến tụy bước đầu có hiệu quả

Ảnh Shutterstock

Từ cơ sở này, tiến sĩ Ambler và các đồng nghiệp đặt mục tiêu tạo ra một loại vắc xin ung thư không chỉ có thể điều trị ung thư mà còn ngăn ngừa ung thư, với ít tác dụng phụ nhất.
Họ đã tạo ra một bộ vắc xin có khả năng kích thích phản ứng miễn dịch đối với các đột biến KRAS phổ biến nhất.
Vắc xin này được tạo thành từ hai yếu tố kết hợp với nhau:
Yếu tố thứ nhất là đoạn protein do tế bào ung thư có gen KRAS đột biến tạo ra.
Yếu tố thứ hai là kháng thể giúp cung cấp vắc-xin cho tế bào của hệ miễn dịch được gọi là tế bào đuôi gai. Các tế bào này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp hệ miễn dịch phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư, vắc-xin có nhiệm vụ tăng cường khả năng này.
Kết quả thử nghiệm trên chuột
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm vắc-xin này trên chuột đã có khối u phổi và chuột được kích thích để phát triển khối u.
Kết quả đã nhận thấy hệ miễn dịch của chuột phản ứng với vắc-xin và các khối u thu nhỏ lại hoặc thậm chí không hình thành khối u ngay từ đầu, theo Medical Express.
• Ở chuột đã có khối u:
65% số chuột được tiêm vắc xin có thể sống sót sau 75 ngày, so với chỉ 15% ở chuột không tiêm vắc xin.
• Ở chuột được kích thích để tạo khối u:
40% số chuột được tiêm chủng vẫn không hình thành khối u sau 150 ngày, so với chỉ 5% ở chuột không tiêm vắc xin.
Bằng cách tiêm vắc xin, sự xuất hiện của các khối u bị trì hoãn trung bình khoảng 40 ngày.
Tiến sĩ Ambler cho biết khi được sử dụng như thuốc điều trị, vắc xin làm chậm sự phát triển ung thư ở chuột đã bị ung thư.
Và khi được sử dụng như thuốc tiêm phòng, chuột không bị ung thư trong thời gian dài và trong nhiều trường hợp, không bao giờ bị ung thư.
Tiến sĩ Ambler nói, các thử nghiệm vắc xin ung thư trước đây đã thất bại vì không thể tạo ra phản ứng đủ mạnh để giúp hệ miễn dịch có thể tìm và tiêu diệt tế bào ung thư.
Hy vọng sẽ được áp dụng cho bệnh nhân
Nghiên cứu này vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư ở người, nhưng kết quả này cho thấy loại vắc xin này đã tạo ra phản ứng mạnh mẽ ở chuột với rất ít tác dụng phụ.
Tiến sĩ James L. Gulley là đồng chủ tịch của Hội nghị chuyên đề lần thứ 32 của trung tâm Nghiên cứu Ung thư Mỹ cho biết: "Những nghiên cứu này tập trung vào các loại ung thư, như ung thư phổi và tuyến tụy - là những loại ung thư rất khó điều trị. Tỷ lệ sống sót của những loại ung thư này vẫn rất thấp nên chúng tôi cần phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân”, theo Medical Express.
"Tăng cường hệ miễn dịch bằng các loại thuốc điều trị ung thư hoặc một loại vắc-xin để ngăn ngừa ung thư đều là những phương pháp tuyệt vời. Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó những phương pháp này sẽ được áp dụng cho bệnh nhân”, tiến sĩ James L. Gulley cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.