Vài kỷ niệm về nhà thơ Chế Lan Viên

22/12/2005 14:46 GMT+7

Hồi kháng chiến chống Pháp, có lần dừng bước bên một quán ven đường, tôi lách từng trang chưa rọc của tờ Tạp chí Văn nghệ còn nguyên mùi tre nứa chiến khu Việt Bắc bỗng đọc thấy bài thơ “Nhớ lấy để trả thù”. Tôi xúc động vì những nhà thơ tả giống hệt như cảnh tôi thấy trước mặt:

“Những em bé lõa thân
Nát mình trong vuốt giặc
Thịt lùa ra mặt trận
Mẻ cá trong trận luồng
Mẹ bồng con tản cư
Vú nhay mòn tiếng khóc…”

Đây không phải là máu xương siêu hình nữa mà là máu xương cụ thể thấm thía nỗi đau đích thực của hàng triệu con người.

Sau ngày giải phóng thủ đô, hòa bình lập lại ở miền Bắc, tôi biết anh ở Hà Nội, nhưng chưa dám đến gặp anh ngay vì còn bị choáng ngợp trước anh như trước một thần tượng. Một lần tôi vào hiệu sách ở phố Huế thấy một người phụ nữ bảo chủ hiệu đưa tất cả những tập thơ “Gửi các anh” của Chế Lan Viên bày bán trên sạp sách để chị chữa một chữ  in lộn trong sách. Hỏi ra tôi mới biết đó là chị Giáo, bạn đời của anh. Thấy câu thơ in lộn đáng lẽ là “giết hết chúng nó để trả thù cho anh” lại in thành “giết hết chúng tôi” nên chị phải đi từng hiệu sách một để sửa từng cuốn cho đúng. Một thời gian sau nữa, nghe tin anh bệnh nặng, lại có chuyện buồn riêng trong gia đình, tôi mới dám mạo hiểm đến thăm anh. Tôi cứ ngỡ anh bí ẩn trầm mặc như một tòa tháp Chàm cô độc nhưng ngược lại tôi đã gặp một con người giản dị và thân tình. Đang ngồi ăn cơm ở bàn, anh ngừng lại tiếp tôi. Khi tôi ngỏ ý mời anh đến nói chuyện thơ ở Văn miếu Hà Nội, anh cám ơn nhưng thú thực là rất ngại nói trước công chúng. Tôi không dám ép anh vì biết lúc này anh đang có tâm sự riêng. Mấy bữa sau đến thăm anh, tôi đưa bản thảo một tập thơ nhờ anh đọc dùm. Chỉ một tuần sau anh đã đưa lại cho tôi tập bản thảo trang nào cũng có những chữ ghi ở bên lề cẩn thận như thầy giáo chấm bài. Trước đây tôi đã đọc bài Lưu Trọng Lư ca ngợi lối phê bình của Thánh Thán, có khi phê bình trường giang đại hải hàng mấy trang, có khi chỉ hạ độc một chữ “hay” mà thôi. Anh Chế Lan Viên đã từng đi dạy học ở Thanh Hóa và Huế nên không phê bình kiểu tài tử như thế mà rất mực thước nghiêm khắc trong lời phê, tiết kiệm từng chữ một, công tâm nhận xét thẳng thắn rạch ròi nói đúng ý mình, không ngại ai mếch lòng, nhưng cũng chân tình khích lệ, động viên khi thấy có câu, bài khá. Khi làm chủ biên hai tập thơ “Sức Mới” – Tập thơ đầu tiên giới thiệu đội ngũ trẻ trong thơ – Và tập Tuyển thơ chống Mỹ cứu nước, anh đưa một số bài thơ của tôi vào và nhắc đến trong lời tựa. Anh là người thầy thứ hai của tôi về thơ, sau nhà thơ Xuân Diệu. Anh không chỉ dạy dỗ, chỉ bảo cho tôi về nghề thơ mà còn tốt bụng, dũng cảm bênh vực bảo vệ cho tôi khi cần thiết.

Khi anh vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đến thăm anh ở ngôi nhà trên Tân Thái Sơn, quận Tân Bình. Anh đưa cho tôi xem một tập giai phẩm mang tên “Nắng Xuân” in năm 1936 ở Quy Nhơn và nói: “Vừa rồi thấy tôi chuẩn bị viết tập thơ Hàn Mặc Tử, các chị Mai Đình, Hoàng Cúc – hai người bạn gái của Hàn Mặc Tử – mới gửi cho tôi mượn tập Giai Phẩm này, thì ra trong đó có một bài thơ Hàn Mặc Tử tặng tôi – bài Thi Sĩ Chàm tặng Chế Bồng Hoan. Hồi đó Hàn Mặc Tử thấy tôi làm thơ về dân Chàm nên đùa ghép họ Chế Bồng vào tên thật của tôi là Hoan. Từ trước đó tôi đã lấy bút hiệu là Lan Viên vì ảnh hưởng tên người bạn thơ đầu tiên là Yến Lan, nhà ở An Nhơn cũng có vườn Lan. Lúc ấy tôi ghép luôn chữ Chế vào thành Chế Lan Viên. Té ra chuyện đùa mà hóa thật”.

Anh Chế Lan Viên ơi, ở đời có bao nhiêu chuyện đùa mà hóa thật! Nhớ Yến Lan xưa cũng có một mảnh vườn – Vườn lan ai ấy tưới thay con (Yếân Lan). Anh đang ở Hòa Hưng cũng cầy cục đi mua một mảnh vườn ở tuốt trên Bà Quẹo. Anh đặt tên vườn Viên Tĩnh Viên – ý nói vườn của sự tĩnh lặng tràn đầy. Nhưng nào có được tĩnh lặng đâu? Cái vườn ấy đất cằn cỗi, cây trồng mãi không ra trái. Anh phải đào giếng lấy nước tưới cây đến nổi ngã gãy tay phải bó bột hàng mấy tháng trời mới lành. Tưởng như chuyện đùa mà hóa thật có phải không anh! Còn bao nhiêu chuyện đùa mà hóa thật nữa!? Cái bệnh của anh lúc đầu cứ tưởng như  đùa khi đến khám bệnh lần đầu ở Bệnh viện Thống Nhất, bác sĩ chỉ bảo anh chỉ đau bụng thôi và hỏi anh đã uống thuốc tẩy giun chưa? Lần sau chị Anh Thơ giới thiệu anh đi khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ cắt một miếng thịt ở phổi anh đem thử và bảo không việc gì. Lần sau nữa đến khám, bác sĩ mới phát hiện ra anh bị ung thư phổi. Cắt phổi đi, cái u lại chạy lên não, nó đè lên não khiến anh bị mất trí nhớ. Một người trí tuệ cao mà bị tê liệt thần kinh não bộ có phải là chuyện thật mà cứ như đùa không? Có éo le ngang trái không?

Chỉ có một điều không phải là chuyện đùa mà là sự thật: Sự nghiệp văn học của anh sẽ ghi đậm dấu son trong sử như mơ ước của anh khi ngồi trên lầu cửa Đông thành Bình Định – lầu tư tưởng – từng mơ ước:

Ta lặng đếm thử bao nhiêu thế kỷ
Đã trôi trong một phút vội vàng qua
Ta lặng nghe những thế giới bao la
Tụ hợp lại trong lòng muôn hột cát
Từ hột cát đã đọng thành phù sa và ánh sáng, cũng như đi khỏi lòng tiếng hát hóa bài ca.

Hoài Anh

(Thanh Niên 2/7/1989)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.