Vẫn băn khoăn về chính sách ưu đãi cho đặc khu

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/04/2018 09:30 GMT+7

Tại hội nghị đại biểu chuyên trách của Quốc hội ngày 4.4, nhiều ý kiến băn khoăn đối với chính sách dành cho các đặc khu trong dự án luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu ).

Lo lắng ảnh hưởng chủ quyền quốc gia
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm thảo luận là quy định giao đất cho các dự án đầu tư tại đặc khu lên tới 99 năm trong các trường hợp đặc biệt. Đại biểu Hoàng Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, luật Đất đai 2013 chỉ quy định thời gian giao đất không quá 70 năm và cả Hiến pháp lẫn luật Đất đai đều không có quy định về trường hợp đặc biệt. Do đó, bà Trang đề nghị phải đặc biệt lưu ý và đánh giá tác động một cách thận trọng trước khi đưa quy định này vào luật.
ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội (QH) TP.HCM, nhấn mạnh cả 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều có vị trí nhạy cảm, dễ có vấn đề tổn thương quốc phòng, nhưng chưa nghe chuyên gia quốc phòng an ninh có ý kiến về vấn đề này. “Chúng ta cần được nghe và nghiên cứu kỹ hơn tác động của luật với việc bảo vệ chủ quyền và tương lai đất nước”, ông Khuê bày tỏ.
Bà Nguyễn Vân Chi, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của QH, nêu: Dự thảo quy định các dự án đầu tư được hưởng thuế suất ưu đãi với mức 10% trong 30 năm, đồng thời được miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. “Với những địa bàn có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, nhiều nhà đầu tư đã vào thì có cần ưu đãi cao như vậy hay không? Tôi nghĩ cần cân nhắc thêm”, bà Chi nói.
Tranh luận việc lập ban tư vấn để kiểm soát quyền lực
Một vấn đề khác cũng được nhiều ĐB thảo luận là mô hình tổ chức chính quyền đặc khu. Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự luật tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH, cho biết Bộ Chính trị đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này. Theo đó, mô hình chính quyền của đặc khu gồm HĐND và UBND, nhưng tổ chức gọn nhẹ, đổi mới cả chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu phù hợp với đặc thù của đặc khu. Bên cạnh đó, để tăng cường kiểm soát với cơ quan chính quyền địa phương đặc khu, dự thảo lần này bổ sung thêm quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của T.Ư đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu, do Thủ tướng thành lập.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất này. ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng nếu có thêm Ban tư vấn thì sẽ làm mất tính chủ động, thêm ràng buộc đối với chính quyền đặc khu.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, với quy định của dự luật, Ban tư vấn không phải là cấp trên nhưng thực tế như là cấp trên của chủ tịch HĐND và UBND đặc khu. Như thế sẽ tạo vòng kim cô trói buộc sự năng động, tự chịu trách nhiệm, đồng thời tạo ra khoảng trống cho sự trông chờ, đùn đẩy trách nhiệm của chính quyền đặc khu. Ông Thắng đề xuất bỏ quy định thành lập Ban tư vấn, hỗ trợ, thay vào đó bổ sung quy định về chế độ thỉnh thị ý kiến, báo cáo, chịu giám sát và kiểm soát của chính quyền đặc khu sẽ gọn gàng và thống nhất hơn.
Nhiều nội dung luật An ninh mạng còn trùng lắp, chồng chéo
Chiều 4.4, cho ý kiến dự án luật An ninh mạng, nhiều ĐB cho rằng dự thảo luật vẫn còn nhiều nội dung chồng chéo, trùng lắp với luật An toàn thông tin mạng. Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, nêu: Quy định về hệ thống thông tin quan trọng quốc gia tại luật An toàn thông tin mạng và hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia tại dự thảo luật An ninh mạng thực chất chỉ là một. Luật An toàn thông tin mạng quy định Thủ tướng sẽ ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, trong khi luật An ninh mạng cũng quy định Thủ tướng ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Theo báo cáo do ông Trần Ngọc Khánh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh trình bày tại hội nghị, sau khi tiếp thu ý kiến ĐBQH, cơ quan thẩm tra thống nhất chỉnh lý dự thảo theo hướng không quy định các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh các dịch vụ viễn thông, internet tại VN phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên tại VN. Tuy nhiên, ủy ban này giữ lại quy định yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kể trên phải đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng VN trên lãnh thổ VN.
Theo ông Khánh, việc giữ quy định này đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia; bảo đảm tính khả thi khi phối hợp, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của VN. "Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 1.2018, Google đã thuê 1.781 máy chủ, Facebook thuê 441 máy chủ của các doanh nghiệp VN để lưu trữ dữ liệu tại VN", ông Khánh cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.