Vẫn chờ đợi một sự thay đổi

24/11/2007 21:55 GMT+7

Hôm qua, Liên hoan phim Việt Nam 15 đã kết thúc sau 4 ngày diễn ra ở TP Nam Định.

“Lời thề” của ban giám khảo

Ban giám khảo (BGK) phim truyện nhựa, thể loại phim quan trọng nhất đã có được một vị chủ tịch làm hài lòng đa số nghệ sĩ: NSND Đặng Nhật Minh, với năng lực sáng tạo không thể phủ nhận cộng cá tính thẳng thắn đã “làm sang” cho giải phim truyện rất nhiều. Ông cảm ơn PV Báo Thanh Niên qua bài viết Đổi mới và hội nhập cái gì? trước liên hoan phim (LHP) vì theo ông đó là sự cảnh tỉnh kịp thời, quan trọng đối với nhiều người trong đó có BGK mà ông là chủ tịch.
 
Ngay trong lễ khai mạc, thay mặt những người cầm cân nảy mực ông đã có 6 tuyên bố đáng nhớ, đáng để ghi thành nguyên tắc chấm giải không chỉ riêng LHP 15: “Trung thực với chính mình và lấy chất lượng nghệ thuật là trên hết, không bị áp lực từ bất kỳ phía nào; Tôn trọng ý kiến của nhau, không áp đặt lẫn nhau và tôn trọng ý kiến tập thể; Không có sự phân biệt giữa phim nhà nước và phim tư nhân, phim của đạo diễn nước ngoài hay VN, giải cá nhân không phân biệt quốc tịch; Tất cả các phim đưa vào danh sách phim tham gia LHP đều là phim có chất lượng; Vấn đề doanh thu, số lượng khán giả không là yếu tố xem xét tới việc chấm giải; Dư luận báo chí, các giải thưởng chỉ có ý nghĩa tham khảo; Không chấm giải theo ý nghĩa đề tài mà căn cứ vào chất lượng nghệ thuật của bộ phim”.
 
Tuy nhiên, nếu so với kỳ LHP 14 có nhạc sĩ Quốc Trung được coi là trẻ nhất trong BGK phim truyện nhựa thì năm nay, thật sự... tuyệt vọng khi muốn tìm một gương mặt trẻ ở đó!

3 năm mới có một lần nên số lượng giải thưởng chính thức, giải thưởng riêng của Cục Điện ảnh, giải cá nhân và nhiều giải thưởng của ngành có quá nhiều cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên sự phân loại phim tài liệu nhựa và phim tài liệu video mà không phân loại giải thưởng cho hai thể loại phim này đã ít nhiều làm nản lòng các nhà làm phim tài liệu dù ban tổ chức đã tách được riêng thể loại giải cho phim khoa học.

Khán giả nhí đến rạp

- Có 25 phim truyện nhựa, 9 phim truyện video, 19 phim tài liệu nhựa, 34 phim tài liệu video, 9 phim khoa học và 17 phim hoạt hình tham gia tranh giải tại LHP 15.
- Có 6 nữ đạo diễn trên tổng số 113 phim dự thi.
- Có 4 NSND và 8 NSƯT tham gia vào 4 BGK, có 13 vị khách quốc tế đại diện cho 7 quốc gia tham dự LHP 15.
- Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền - Điện ảnh Quân đội Nhân dân, sinh năm 1980 là đạo diễn trẻ nhất và NSND Nguyễn Khắc Lợi sinh năm 1932 là đạo diễn cao tuổi nhất LHP 15 có phim dự thi.

Trong tọa đàm ngày 22.11 với chủ đề “Để phim VN đến với khán giả” đã có một quan chức trong hệ thống phát hành phim của một tỉnh mạnh miệng tuyên bố: “Tôi có thể gọi điện thoại cho chủ tịch tỉnh để huy động một trường học đi xem phim”. Sự có mặt đông đảo khán giả đến rạp trong mấy ngày qua đã cho thấy điều đó không phải không khả thi. Buổi chiếu phim Dòng máu anh hùng tại rạp Tháng Tám sáng ngày 22.11, người xem hầu hết là học sinh lớp 6, 7 và  dù nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm đã rất thân thiện để nói trẻ em đầy rạp với họ cũng là khán giả nhiệt tình nhưng NSND Như Quỳnh thì phàn nàn rằng, các em làm ồn đến mức chị cũng thấy khó tập trung xem phim.

Sự thể chỉ trở nên không còn là thân thiện hay xã giao nữa khi cũng trong buổi chiều ngày ấy, chiếu phim Fishing season của Nga, người đại diện phim đã bỏ về và bật khóc nức nở bởi lẽ đó là một phim dành cho người lớn tuổi nhưng trong rạp lại toàn trẻ con lóc nhóc cấp 2 được “lùa” đi xem có lẽ cho “kín rạp”!

LHP hay liên hoan ca múa nhạc?

Các nam nữ diễn viên vốn luôn là những người được chờ đợi nhất ở bất kỳ LHP nào, thế nhưng dường như ở LHP 15 họ đã không được tôn vinh đúng giá trị. Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân trong đêm khai mạc đã luống cuống không biết đi cách nào vào khán phòng khi không có ai hướng dẫn, chỉ đường cho họ giữa một đám đông các nghệ sĩ khác. Và những buổi giao lưu trước khi chiếu phim thực sự cũng chưa đủ để làm cho các ngôi sao của điện ảnh VN cảm thấy có được một sự trọng thị xứng đáng. Mặt bằng phim của LHP năm nay với các phim truyện như Mùa len trâu, Dòng máu anh hùng, Sống trong sợ hãi hay Áo lụa Hà Đông cũng làm danh giá thêm cho giá trị giải thưởng của một LHP quốc gia. Nhưng có một điều hài hước là từ lễ khai mạc cho đến các buổi tiệc chiêu đãi, các buổi giao lưu và đêm bế mạc đều đầy ắp các tiết mục ca nhạc. Các nghệ sĩ cũng được yêu cầu hát rất nhiều cho thấy mảnh đất thành Nam có vẻ tương thích với các sự kiện như Sao Mai - Điểm hẹn hay Liên hoan tiếng hát dân ca... hơn là tầm của một LHP quốc gia.

Chờ một sự thay đổi

LHP 16 sẽ được tổ chức ở TP.HCM, khoảng cách về thời gian giữa các kỳ LHP có thể ngắn hơn, địa điểm tổ chức có thể cố định như ông Cục trưởng Cục Điện ảnh Lại Văn Sinh đang mong muốn. Công bằng mà nói, không thể phủ nhận sự cố gắng của BTC LHP 15 với không nhiều người cho một hoạt động khổng lồ của quá nhiều thành phần tham dự. Các nhân sự cao cấp chưa có thời gian gắn bó lâu với vị trí công tác, mà công việc chuẩn bị cho sự kiện tầm cỡ này cần ít nhất 2 năm. Điện ảnh VN lại đang ở lúc giao thời với sự thay đổi quá nhiều nên những thiếu sót ở đây cũng có thể thông cảm. Nhưng cũng cần hiểu một LHP thành công và làm hài lòng tất cả mọi người đi chăng nữa cũng chỉ nằm ở công tác tổ chức chứ điều đó không làm phim hay hơn. Quan trọng là chờ đợi sự thay đổi thực sự, những cú hích thực sự từ các nhà quản lý, các nhà làm phim để diện mạo điện ảnh VN sẽ đổi mới ra sao, hội nhập thế nào xứng với sự chờ đợi của khán giả.  

L.T.T.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.