Vẫn chưa có đánh giá môi trường chiến lược khu vực nhiệt điện Vĩnh Tân

Quế Hà
Quế Hà
02/05/2019 19:39 GMT+7

“Đáng lẽ đánh giá môi trường chiến lược trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân phải hoàn thành từ cuối năm 2018, nhưng đến nay là tháng 5.2019 rồi vẫn chưa hoàn thành, vậy là quá chậm”, Giám đốc Sở TN - MT Bình Thuận Hồ Lâm nói.

Chiều 2.5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong chủ trì buổi họp với các chủ đầu tư tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân để bàn giải pháp bảo vệ môi trường. Tham dự còn có đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN , Tổng Công ty phát điện 3 và các sở ngành của Bình Thuận. 

Chưa có giấy phép xả thải

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở TN - MT Bình Thuận Hồ Lâm cho biết việc đánh giá môi trường chiến lược (ĐCM) toàn Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và EVN thực hiện trong năm 2018. Nhưng cho đến nay, công tác ĐCM vẫn chưa hoàn thành. Do vậy, giấy phép xả thải của nhà máy Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 4 vẫn chưa được Bộ TN - MT cấp phép.
Tưới nước chống phát tán bụi tro xỉ tại các bãi xỉ Ảnh: QUẾ HÀ
Theo ông Hồ Lâm, hiện nay vẫn còn tình trạng xảy ra bụi đen ở Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, “dù chưa biết của nhà máy nào, nhưng chắc chắn bụi xuất phát từ khâu bốc dỡ than từ tàu lên cảng và đưa vào kho”.
Theo ông Hồ Lâm, EVN cần kiến nghị sớm hoàn thành đề án ĐCM để Bộ TN - MT cấp phép xả thải cho các nhà máy chưa có giấy phép xả thải, cũng như giấy phép sử dụng nguồn nước.
“Đáng lẽ ĐCM toàn trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân phải hoàn thành từ cuối năm 2018, nhưng đến nay là tháng 5.2019 rồi vẫn chưa hoàn thành, vậy là quá chậm”, ông Hồ Lâm nói.
Cuộc họp giải quyết khó khăn về công tác môi trường ở Vĩnh Tân chiều ngày 2.5 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong chủ trì- ảnh: QUẾ HÀ

Không thể "đổ" cho Bộ Công thương

Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Đỗ Minh Kính cho biết hiện nay vẫn chưa có ĐCM. Vì vậy, Sở này không thể tham mưu UBND tỉnh cho phép các nhà máy hoạt động vì thiếu giấy phép xả thải.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Minh Kính, việc Bộ TN - MT chưa cấp giấy phép xả thải cho nhà máy Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 4 do chưa có ĐCM toàn khu vực Vĩnh Tân là không phù hợp.
“Bộ TN - MT phải dựa vào các quy chuẩn, quy định để cấp phép cho các nhà máy. Còn nếu các nhà máy còn thiếu tiêu chuẩn nào phải công bố để họ bổ sung, chứ không thể 'đổ' cho chuyện này (chưa xong ĐCM - PV) mà không cấp giấy phép cho các nhà máy”, ông Kính nói.
Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong yêu cầu các nhà máy phải hoàn thành các thủ tục để được Bộ TN- MT cấp phép xả thải nguồn nước theo quy định của pháp luật.
Các nhà máy phải có giải pháp ngăn ngừa phát tán bụi phát tán vào khu dân cư. Sở NN - PTNT Bình Thuận khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan điều chỉnh ranh giới chồng lấn giữa Trung tâm Vĩnh Tân với Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Bụi than "tấn công" nhà dân ở đâu ra?

Theo ông Đoàn Văn Thái, Phó giám đốc Sở TN - MT Bình Thuận, Sở đã lấy mẫu phân tích bụi đen phát tán vào nhà dân và đã có kết quả. Nhưng theo ông Thái hiện nay không phải mùa cao điểm, lấy bụi ở nhà dân đi xét nghiệm không đủ mẫu để phân tích, do vậy kết quả không chính xác.
Cũng theo ông Thái, EVN có kế hoạch bao kín hết các kho than, nhưng đến nay vẫn chưa làm. Ông Thái đề nghị EVN sớm triển khai để tránh phát tán bụi than. Thời gian qua, Sở TN - MT đã 3 lần xử phạt các nhà máy để phát tán bụi than.
Phó chủ tịch UBND H.Tuy Phong Nguyễn Trung Trực bức xúc: "Các nhà máy nói đạt tiêu chuẩn nhưng thực tế là bụi đen lọt vào nhà dân. Tôi đã xuống tận nhà dân vào ban đêm để kiểm tra và thấy việc này là có thật. Mong các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân có giải pháp xử lý sao cho hạn chế khói bụi”.
Theo ông Trực, bãi  xỉ Vĩnh Tân 2 đã nâng cao đến tầng thứ 4, rất nguy hiểm khi mưa lũ về. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.