Vẫn chưa tìm thấy 4 thuyền viên tàu Saigon Queen

02/11/2012 19:40 GMT+7

(TNO) Chiều nay 2.11, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (VMRCC) cho biết, hiện chưa tìm thấy dấu vết 4 thuyền viên bị mất tích của tàu Saigon Queen đắm khi gặp bão lớn ở vùng biển Sri Lanka trưa 30.10.

>> Tàu Saigon Queen được bảo hiểm thân tàu 4,2 triệu USD
>> 18 thuyền viên tàu Saigon Queen sẽ cập cảng Bangladesh muộn hơn 1 ngày
>> Thuyền viên tàu Saigon Queen kể chuyện bị nạn
>> Chìm tàu Saigon Queen ở Sri Lanka, 18 người thoát chết, 4 người mất tích


Tàu Saigon Queen trước lúc bị nạn - Ảnh: VMRCC

Cả VMRCC và chủ tàu cho biết, công tác tìm kiếm các thuyền viên mất tích: máy trưởng Hoàng Văn Ban (58 tuổi), thợ máy Phạm Phú Hữu (28 tuổi); thủy thủ trưởng Trần Văn Đề (54 tuổi), thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân (41 tuổi) vẫn được duy trì ở mức độ cao nhất.

Phía Sri Lanka cũng đã cử tàu chuyên dụng đi tìm kiếm ở vùng biển tàu Saigon Queen gặp nạn. “Đã qua 3 ngày nhưng lực lượng tìm kiếm chưa thấy dấu vết của những người mất tích. Thời tiết ở vùng biển tàu Saigon Queen bị nạn vẫn còn xấu nên chưa thể sử dụng máy bay tìm kiếm. VMRCC vẫn liên tục gửi thông báo cho những tàu thuyền hoạt động ở khu vực lân cận lưu ý tìm kiếm”, ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc VMRCC cho biết.

Theo ông Vũ, các thuyền viên lênh đênh trên biển 3 ngày trong điều kiện không có lương thực, nước uống, sẽ gặp nhiều nguy hiểm, sức khỏe, tinh thần chắc chắn sa sút nghiêm trọng. “Nhưng chúng ta không được nản chí, còn nước còn tát, không được mất hi vọng”, ông Vũ tỏ quyết tâm.

Ông Vũ cũng đánh giá, trường hợp tàu Saigon Queen bị nạn trên biển có ít nhất 18/22 người thoát nạn trở về trong điều kiện bão to, sóng lớn đánh chìm tàu trọng tải lớn như vậy là “khá thần kỳ”. Theo ông Vũ, thông thường trong hoàn cảnh như vậy, số người thoát chết thường không nhiều.

Hiện 18 thuyền viên tàu Saigon Queen thoát chết do được tàu Pacific Skippet cứu và đang hành trình đến Bangladesh. Dự kiến ngày 4.11 sẽ cập cảng Monga. Sau khi cập cảng, các thuyền viên sẽ được sắp xếp ăn nghỉ và lo thủ tục về nước trong thời gian sớm nhất. Sức khỏe và tinh thần các thuyền viên vẫn rất tốt.

saigon queen

saigon queen
Các thuyền viên tàu Saigon Queen di chuyển từ xuồng cứu sinh sang tàu Pacific Skipper - Ảnh: Pacific Skipper cung cấp

saigon queen

saigon queen
Sơ cứu cho 1 thuyền viên bị thương nhẹ - Ảnh: Pacific Skipper cung cấp

Trưa nay, phóng viên Thanh Niên Online đã đến nhà anh Nguyễn Minh Luân, thuyền trưởng tàu Saigon Queen tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, trong lúc vợ anh là chị Vũ Thị Mai Hương vừa viết xong tờ đơn kiến nghị các cơ quan, đơn vị liên quan có giải pháp tiếp tục phối hợp trong công tác tìm kiếm chồng chị và những người còn mất tích.

Trong đơn, chị cũng kiến nghị các cơ quan tìm kiếm cứu nạn tiếp tục kéo dài thời gian và nỗ lực công tác tìm kiếm, đồng thời thường xuyên thông báo tình hình tổ chức tìm kiếm và kết quả cho gia đình.

Lá đơn này được gửi đến Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thuê tàu Việt Nam; Tổng giám đốc Công ty  CP Vận tải biển Sài Gòn (Saigonship) và Tổng giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (VMRCC).

Theo chị Hương, Công ty CP Vận tải và thuê tàu Việt Nam là cơ quan chủ quản quản lý thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân, còn Saigonship là đơn vị sở hữu tàu Saigon Queen. Đơn vị này có hợp đồng thuê thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân với Công ty CP Vận tải và thuê tàu Việt Nam.

Chị Hương cho biết, mấy ngày qua, chị và gia đình đều hi vọng rằng anh Luân vẫn còn sống, vì anh ấy có mặc áo phao. Chị tin vào nỗ lực tìm kiếm của cơ quan chức năng.

Cả gia đình anh Luân, hai bên nội ngoại, trong mấy ngày qua đều thức trắng đêm liên tục lên các trang mạng để theo dõi thông tin cập nhật về việc tìm kiếm.

Mọi người trong gia đình dù trong tâm trạng khắc khoải, nhưng vẫn đặt niềm tin vào nỗ lực tìm kiếm của cơ quan chức năng.

Người thân của thuyền viên Trần Văn Đề trong nỗi khắc khoải trông chờ thông tin từ nơi con tàu Saigon Queen bị chìm 3
Người thân của thuyền viên Trần Văn Đề trong nỗi khắc khoải trông chờ thông tin - Ảnh M.V

Phóng viên Thanh Niên Online cũng đã đến nhà thuyền viên Trần Văn Đề, nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phú Mỹ, Q.Bình Thạnh.

Căn nhà cấp 4 ẩm thấp bởi nền nhà nằm chìm phía dưới mặt hẻm khoảng 1 mét.

Vợ anh Đề, chị Thảo (giáo viên Trường THCS Cửu Long, Q.Bình Thạnh) ngồi thu mình phía sau cánh cửa bên góc nhà, khóc nức nở, nói không nên lời.

Người anh ruột của anh Đề, ông Trần Văn Trình từ Phú Yên đã vào TP.HCM mấy ngày qua ngay sau khi nhận được tin em mình bị mất tích.

Thắp 3 nén hương khấn cầu Trời Phật phù hộ cho em mình xong, ông Trình cũng không nén được nỗi buồn. Nước mắt ông cứ tuôn ra.

“Mấy ngày nay, thím Thảo vợ chú Đề hoàn toàn suy sụp tinh thần. Chúng tôi chỉ có một mong muốn là cơ quan chức năng hãy nỗ lực tìm kiếm” - ông Trình bày tỏ nguyện vọng.

Trong căn nhà nhỏ của anh Đề, sáng nay, liên tục có những đồng nghiệp, bạn bè và người thân của anh và chị Thảo đến thăm hỏi, an ủi, động viên tinh thần.

Anh Phạm Ngọc Thàn, một trong những đồng đội thời anh Đề đi bộ đội hải quân, chia sẻ: “Đồng chí Đề là đảng viên, đã nhận huy hiệu 30 năm tuổi đảng. Anh ấy dự kiến năm sau sẽ nghỉ hưu”. Anh Thàn nói: “Chuyến này, tàu thiếu người hay sao đó nên anh ấy mới đi đó chứ và cũng định đi lần này thôi, về sẽ không đi tàu nữa”. 

Ông Trình kể: “Tàu Saigon Queen xuất bến tại TP.HCM vào ngày 15.8, khi ra đến Vũng Tàu thì bị hỏng máy, phải nằm lại đó để sửa chữa. Lúc đó, chú Đề quay trở về nhà và đến khoảng đầu tháng 9 thì quay trở lại khi tàu sửa xong, rồi đi cho đến bây giờ”.

“Nếu như giấy tờ nhà làm xong (nhà anh đang xin được hóa giá - PV) thì chắc chú Đề đã không đi trên chuyến tàu này. Chú ấy dự tính sửa chữa lại căn nhà, nhưng do cơ quan chức năng chưa cho hóa giá nên mọi dự tính đều chưa thực hiện được. Mấy ngày trước khi con tàu bị chìm, khi gọi điện thoại về nhà, chú Đề còn hỏi giấy tờ nhà đã xong chưa”, ông Trình cho biết.

Gia đình của thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân và thuyền viên Trần Văn Đề tại TP.HCM đều bức xúc trước việc không nhận được sự quan tâm, động viên, chia sẻ từ phía lãnh đạo công ty.

Chị Vũ Thị Mai Hương cho biết, lãnh đạo công ty nơi chồng chị làm việc là Công ty CP Vận tải và thuê tàu Việt Nam không đến và cũng không gọi điện thăm hỏi, chỉ có cấp dưới và nhân viên của Saigonship đến nhà, mà anh Luân không phải là nhân viên của Saigonship.

Vợ của thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân, không giấu được bức xúc: “Lãnh đạo công ty đã vô cảm trước nỗi đau của gia đình chúng tôi!”.

Mai Vọng

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.