Vẫn có những nỗi buồn!

08/06/2006 22:28 GMT+7

Phố xá lễ hội đông đúc, nhưng đặc thù công việc không cho họ có được thời gian, tiền bạc để dự cuộc, lại có người lặng lẽ nhập cuộc với bao ấp ủ, hy vọng...

Thợ chụp ảnh "ở không"!

Một tuần trước ngày khai mạc Festival Huế 2006, tôi gặp Tuấn, một thợ ảnh chụp dạo trước  Ngọ Môn (Huế). Tuấn hồ hởi cho biết: "Em vừa xoay tiền tậu thêm một chiếc máy ảnh chất lượng cao, ống kính "tê-lê", để chuẩn bị cho festival". Lý do khiến Tuấn phải đầu tư cho nghề nghiệp, bởi qua báo chí thông tin, cậu biết festival năm nay sẽ có nhiều điều hấp dẫn. Nhất là khung cảnh của Đại Nội và Hoàng Thành về đêm lung linh huyền ảo. Lượng du khách đến Huế chắc chắn sẽ đông gấp trăm lần bình thường. Với máy cơ "bình dân", dĩ nhiên thật khó để có thể chụp được những tấm ảnh chất lượng, chưa kể sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với đồng nghiệp.

Festival quá nửa chặng đường, tình cờ tôi gặp lại Tuấn, tưởng làm ăn khấm khá, tôi hỏi: "Sao, thu nhập đều chứ?". Tuấn lắc đầu buồn bã: "Đói quá anh ơi!". "Sao vậy?", tôi hỏi. Tuấn tâm sự: "Máy ảnh kỹ thuật số ngày càng rẻ và tiện ích khiến hầu hết các đoàn khách du lịch cả Tây lẫn ta đều có máy. Và họ tự chụp tất, bọn em mời rã cổ mỗi ngày cũng chỉ kiếm được năm bảy tấm". Tuấn chua chát: "Đau nhất là gì anh biết không?". Tôi chưa nghĩ ra, Tuấn tiếp: "Cả ngày đứng rã chân, đã không chụp được lại còn bị nhờ bấm giúp". Lý do, có nhiều đoàn khách có máy ảnh, những lại cần một tấm ảnh có đầy đủ mọi thành viên... thế là tiện tay nhờ các "phó nháy" tại chỗ dùng máy của du khách bấm giúp cho một kiểu. Không riêng gì Tuấn (chụp tự do ngoài cửa di tích) mà hầu hết các thợ ảnh ở các khu vực di tích Huế đều gặp tình cảnh tương tự. Có nhiều thợ phải đóng tới 20 triệu đồng mới có được "một chân" trong di tích, nhưng với festival này cũng không thu hoạch được gì ngoài... nỗi buồn!

Những tưởng những ngày diễn ra festival, du khách đổ về Huế đông, đội ngũ "phó nháy" sẽ ăn nên làm ra, ai ngờ sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số đã ít nhiều cướp đi miếng cơm hằng ngày của họ. Hầu hết mọi đoàn khách đều có máy ảnh riêng và những góc chụp đẹp nhất có thể để lại những tấm ảnh lưu niệm đều được du khách tự bấm. Những tay phó nháy... chỉ còn biết đứng ngó mà rầu.

Người làm vệ sinh cực nhọc

Ngày 6.6, ông Ngô Hòa - Phó chủ tịch UBND TP Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2006 cho biết: “Lượng khách quốc tế đến với festival lần này khá đa dạng từ 39 quốc gia. Đứng đầu là Thái Lan, tiếp đến là Pháp, Đức, Mỹ... Tính đến thời điểm hiện tại, tổng lượt khách quốc tế đến festival là hơn 20 ngàn lượt, trong đó, khách quốc tế là 4 ngàn lượt. Trong 3 ngày đầu của Festival Huế 2006, lượng vé bán ra cho các chương trình lớn đã lên đến 10.000 vé, trong đó chỉ riêng đêm khai mạc đã có 5.200 lượt vé được bán ra”. (V.P.T)

Festival với chị Hồ Thị Ty, công nhân vệ sinh, công việc nặng thêm nhưng niềm vui thì càng ít lại. Chị Ty phụ trách vệ sinh đường Lê Lợi (đoạn từ khách sạn Morin đến cầu Phú Xuân) và đường Phạm Hồng Thái. Ngày bình thường, chị Ty chỉ cần gom, quét một lượt là sạch, công việc muộn lắm cũng chỉ kết thúc khoảng 0 giờ. Có festival, công việc lại nặng nhọc hơn, có đêm phải 3 giờ sáng mới về tới nhà. Gia đình chị Ty có 5 người con, chồng phụ thợ hồ nên kinh tế cũng không mấy dư giả. Chị cũng là một trong những người buồn nhất vào các dịp tết, festival...

Tôi tình cờ gặp chị ngay trước Văn phòng festival đêm diễn ra lễ hội áo dài. Dưới sông Hương tiếng nhạc vẫn xập xình sôi động. Một chiếc xe đẩy rác, một cây chổi dài, chị lặng lẽ làm việc như xung quanh không hề có chuyện gì xảy ra. Tôi hỏi: "Festival rầm rộ như thế này, chị có vui không?". Chị Ty lắc đầu. "Cả nhà chưa đi lễ hội à?". Chị lại lắc đầu. Tháo chiếc khẩu trang che mặt, lưng áo đẫm mồ hôi, chị Ty dừng chổi: "Làm việc cả đêm, ngày ở nhà phải lo cơm nước cho chồng con, tranh thủ nghỉ ngơi. Làm răng có thời gian mà đi lễ với lạt chú. Mà có rảnh, cũng chẳng có tiền bạc mô mà đi". Tôi bảo: "Có rất nhiều chương trình không có tiền vẫn xem được". Chị Ty thật thà: "Biết chỗ mô mà đi". 

Festival Huế 2006 đã thực sự làm cho Huế sôi động hẳn lên. Cả thành phố ai cũng vui với lễ hội, nhưng bên cạnh họ, vẫn có nhiều con người, nhiều cảnh đời... chưa được hưởng thụ festival. 

Bùi  Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.