Ván cược vào năng lượng tái tạo

29/03/2022 09:00 GMT+7

Đảo Iki là nơi đầu tiên tại Nhật Bản phải ban bố tình trạng khẩn cấp vì biến đổi khí hậu , cùng với đó là những lựa chọn khó khăn cho cư dân bản địa với ván cược vào năng lượng tái tạo.

Nơi đầu tiên của Nhật ban bố tình trạng khẩn cấp vì khí hậu

Theo Bloomberg, đảo Iki tọa lạc tại vùng biển giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, là một địa điểm hoang sơ và không có gì thú vị với khách du lịch, nhưng đối với những ngư dân và cư dân địa phương, vùng biển quanh đảo Iki là một nguồn cung dồi dào bào ngư và nhiều loại thủy sản khác. Song, đó là tất cả những gì đã từng diễn ra trong quá khứ, trước khi biến đổi khí hậu thay đổi tất cả.

Một buổi sáng tại đảo Iki

Ảnh: Bloomberg

Vào năm 2019, Iki là địa phương đầu tiên tại Nhật Bản buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp vì khí hậu, hệ sinh thái bản địa trở nên mất cân bằng do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Thật đáng buồn khi hòn đảo có biệt danh là “May mắn” do nằm ngoài vành đai động đất của Nhật Bản giờ lại đang quay cuồng vì thời tiết khắc nghiệt và tác động tiêu cực do mực nước biển dâng cao.

Những nạn nhân trực tiếp nhất của biến đổi khí hậu không phải ai khác mà chính là những cư dân sinh sống tại đảo Iki, những người phải đối diện với lựa chọn: cố gắng duy trì cuộc sống truyền thống của họ, hoặc đánh cược vào những dự án năng lượng gió và mặt trời để thúc đẩy kinh tế của hòn đảo. Những người dân của đảo Iki là nhân chứng sống, là ví dụ tiêu biểu cho điều mà nhiều cộng đồng trên thế giới phải đối mặt khi cố gắng kiềm chế biến đổi khí hậu.

Sự thay đổi không mong muốn

“Đây thực sự là một địa ngục với chúng tôi”, ông Terutaka Okubo, Giám đốc công ty Thủy sản Katsumoto nói với Bloomberg. Người đàn ông 75 tuổi không giấu được buồn phiền khi nhìn về phía cảng của hòn đảo, nơi đã từng là địa điểm tấp nập mỗi khi những chuyến tàu đánh bắt trở về.

Hàng chục năm trước, vùng biển trong xanh quanh đảo Iki là những cánh rừng san hô rộng lớn, là môi trường sống không thể tốt hơn cho những loại thủy sản có giá trị cao như bào ngư và nhum biển. Nhưng khi nhiệt độ của vùng biển này tăng lên trung bình 1 độ C sau mỗi thập kỉ, những loài cá ngoại lai bắt đầu xuất hiện, tàn phá những cánh rừng san hô nhanh hơn tốc độ phục hồi của chúng.

Ông Okubo nhớ lại một buổi sáng vào cuối năm 2021, khi 3 chiếc thuyền đánh cá cập cảng sau một đêm đánh bắt rồi các ngư dân thờ ơ đổ những con cá cả sống cả chết lên bờ. Phần lớn trong số chúng là những loài cá ngoại lai có giá trị kinh tế thấp, chúng được chụp ảnh lại cho các quan chức địa phương trước khi tiêu hủy để đổi lấy một khoản tiền từ kế hoạch ngăn chặn hủy diệt môi trường thủy sinh tự nhiên. Ngược lại, những con cá hồng ít ỏi được đặt trang trọng trong những thùng xốp riêng, sẵn sàng được gửi tới những nhà hàng tốt nhất.

“Khi tôi còn là một đứa trẻ, làm gì có những giống cá kì quặc này ở đây. Nhưng giờ thì đâu cũng là đám cá ngoại lai từ phương Nam tới”, ông Okubo thở dài trong văn phòng vẫn còn những tấm ảnh về một bến cảng sầm uất những năm 1960.

Ông Terutaka Okubo, Giám đốc một công ty thủy sản tại Iki

Ảnh: Bloomberg

Ông Tsutomu Shinozaki, thợ lăn bào ngừ 54 tuổi cho biết, trước đây có những ngày ông kiếm được đến tận 70 con bào ngư, nhưng giờ đây chỉ 10 con đã là một kì tích. “Tôi không biết mình có thể tiếp tục được đến bao giờ, vào năm ngoái tôi đã nhận một công việc xây dựng ở gần Tokyo để trang trải cho cuộc sống”, người đàn ông này chia sẻ.

Sản lượng thủy sản suy giảm thực sự là một bi kịch với cư dân tại đảo Iki, những người mà đến tận bây giờ vẫn nói không với các phương pháp đánh cá nạo vét mà trung thành với dây câu truyền thống. Theo ông Okubo, họ không bao giờ nghĩ tới những phương pháp đánh bắt mang tính tận diệt đáy biển, nhưng rồi vẫn chịu chung số phận với các vùng biển khác vì biến đổi khí hậu.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc, tổng sản lượng thủy sản của Nhật Bản đã giảm đi hơn 70% kể từ năm 1986 tới 2019, nguyên nhân chủ yếu là do đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu. Đối với các hòn đảo như Iki, sự sụt giảm về sản lượng này càng làm trầm trọng hơn vấn đề về dân số khi cư dân trong độ tuổi lao động rời đi để tìm kiếm cơ hội ở các thành phố lớn. Thống kê của địa phương cho biết, dân số trong độ tuổi lao động tại Iki đã giảm đi một nửa so với những năm 1960, chỉ còn khoảng 26.000 người.

Một thợ lặn tại Iki

Ảnh: Bloomberg

Ván cược vào năng lượng tái tạo

Theo Bloomberg, một trong những đề xuất được đưa ra nhằm ngăn chặn đà suy thoái kinh tế của Iki là đầu tư vào năng lượng tái tạo. Hiện tại, các khu đất nông nghiệp trên đảo đang được thay thế bằng các tấm pin năng lượng mặt trời, còn các tua bin gió khổng lồ cũng đang xuất hiện dọc theo bờ biển. Hòn đảo hiện đang được cung cấp 13% điện năng từ năng lượng tái tạo, thị trưởng của Iki mong muốn tỉ lệ này sẽ là 100% vào năm 2050.

Tuy vậy, các nghiên cứu về tác động của xây dựng nhà máy điện gió ngoài khơi cho thấy, tiếng ồn từ các tua bin ảnh hưởng đến hành vi của cá và các sinh vật biển khác. Một số ngư dân của Iki lo rằng, tác động của việc xây dựng, kết hợp với thiệt hại do nhiệt độ tăng cao, có thể làm giảm trữ lượng cá một cách không thể phục hồi.

“Năng lượng gió không thể phục hồi vùng biển được nữa. Các sinh vật như bào ngư hay nhum biển rất mẫn cảm, khi những tua bin hoạt động, chúng sẽ biến mất. Vùng biển này thực sự đã lụi tàn, đáy biển giờ như hoang mạc vậy”, bà Hisae Takeo, thợ lặn biển lâu năm chia sẻ.

Ngoài ra, các dự án năng lượng này cũng không giải quyết được vấn đề việc làm của người dân địa phương. “Iki không có nhiều thứ để thúc đẩy kinh tế, không hấp dẫn du lịch, giờ thì không cả đánh bắt. Nhà máy năng lượng chỉ làm giàu cho những ông chủ, không mang những người trẻ trở lại đây được”, một chủ nhà hàng địa phương cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.