Vấn đề biển Đông tại Thượng đỉnh Đông Á

20/11/2011 02:30 GMT+7

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 19.11 thẳng thắn đề cập vấn đề biển Đông tại cuộc họp thượng đỉnh của 18 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 19.11 thẳng thắn đề cập vấn đề biển Đông tại cuộc họp thượng đỉnh của 18 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Indonesia mua chiến đấu cơ của Mỹ

Bên lề đợt hội nghị tại Bali, chính quyền Mỹ thông báo kế hoạch bán 24 máy bay tiêm kích F-16C/D đã được nâng cấp cho Indonesia, theo Reuters. Chi phí cho những chiếc F-16C/D này tương đối thấp, ước tính khoảng 750 triệu USD và dự kiến máy bay sẽ được giao cho nước này bắt đầu từ tháng 7.2014.

Ngoài ra, 2 tàu hải quân Úc sẽ đến Indonesia vào hôm nay để tham gia tập trận chung 3 ngày với 2 tàu chiến của nước chủ nhà.

Lê Loan

Đây là lần đầu tiên ông Obama tham dự Thượng đỉnh Đông Á (EAS) cùng lãnh đạo các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc và Úc với 10 quốc gia ASEAN. Trước đó, Trung Quốc đã tỏ ý không muốn vấn đề tranh chấp ở biển Đông được nêu ra tại EAS, diễn ra tại Bali, Indonesia. Đáp lại, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes tuyên bố an ninh biển là một vấn đề rất phù hợp để bàn thảo ở hội nghị. “Trong bối cảnh thảo luận về an ninh biển, tranh chấp biển Đông rõ ràng là một vấn đề đang gây quan ngại”, ông Rhodes nói.

Tại phiên họp hẹp của EAS chiều qua, ông Obama đã nêu vấn đề biển Đông, AP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho hay. Quan chức này cho biết Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tỏ ra “miễn cưỡng”, không muốn bàn về biển Đông sau khi tất cả 16 lãnh đạo khác đề cập vấn đề này. Cho đến khi ông Obama lên tiếng thì ông Ôn mới phản hồi. “Tôi không muốn thảo luận vấn đề này. Tuy nhiên, lãnh đạo của một số nước đã nêu lên và nếu mình không đáp lại thì rất bất lịch sự”, Tân Hoa xã dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc lý giải. Nội dung mà ông Ôn đáp lại không được tiết lộ nhưng quan chức Mỹ nói trên cho biết Trung Quốc tỏ dấu hiệu “tiến bộ dần dần” hướng tới việc ngồi lại cùng các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông để giải quyết tranh chấp.

Bên lề EAS, ông Obama và ông Ôn Gia Bảo bất ngờ có cuộc thảo luận ngoài lịch trình. Phần lớn nội dung cuộc gặp xoay quanh vấn đề kinh tế, theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị EAS ngày 19.11 - Ảnh: TTXVN

Kết nối ASEAN

EAS lần này cũng chú trọng tăng cường kết nối trong nội bộ ASEAN cùng các quốc gia đối tác với 3 trọng tâm là hạ tầng cơ sở, thể chế và nhân dân  với nhân dân. Tuyên bố của EAS lần thứ 6 về Kết nối ASEAN nhấn mạnh khuyến khích hợp tác công - tư để tối đa hóa nguồn lực của các quốc gia trong việc thực thi kế hoạch tổng thể được thông qua năm 2010.

EAS cũng thông qua Tuyên bố về Nguyên tắc quan hệ cùng có lợi giữa các thành viên. Bộ nguyên tắc gồm 12 điều định hướng quan hệ giữa các thành viên trong các lĩnh vực an ninh, chủ quyền lãnh thổ, tự chủ quốc gia, bản sắc văn hóa, quan hệ kinh tế, giải quyết tranh chấp và thượng tôn công pháp quốc tế.

Cũng trong hôm qua, ASEAN đã họp thượng đỉnh với LHQ và Ấn Độ. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 và các hội nghị thượng đỉnh liên quan ở Bali đã kết thúc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2011 của Indonesia. Tổng thống nước chủ nhà Susilo Bambang Yudhoyono đã trao lại ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2012 cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Việt Nam có những đóng góp quan trọng

Tối qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã lên đường về nước, kết thúc những hoạt động tại đợt hội nghị cấp cao tại Indonesia. Với tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có những đóng góp, đề xuất quan trọng cho thành công của đợt hội nghị. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay lãnh đạo các nước đã thống nhất nhiều vấn đề quan trọng như tăng cường hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai Kết nối ASEAN và mở rộng quan hệ đối ngoại của khối; xem xét, giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, hòa bình, an ninh và tự do hàng hải ở khu vực và biển Đông là lợi ích chung của khu vực và các nước liên quan, vì vậy cần chung tay vì mục tiêu này. Các bên cần giải quyết hòa bình tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.

TTXVN

Thục Minh
(từ Bali, Indonesia)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.