Vẫn giữ mô hình Nhà nước công nhận, trường mới được bổ nhiệm giáo sư

23/01/2017 17:57 GMT+7

Dù dự thảo Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư đề xuất một số yêu cầu mới nhưng vẫn là Nhà nước công nhận thì trường mới được bổ nhiệm.

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã giới thiệu dự thảo Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư với các trường đại học để lấy ý kiến góp ý. Theo đó, một số yêu cầu để nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư đã được thay đổi. Trong đó, điểm mới nhất là yêu cầu các ứng viên giáo sư phải có công bố quốc tế, nhưng sẽ có lộ trình để thực thi yêu cầu này.
Cụ thể, đến năm 2019, ứng viên giáo sư thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất hai bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một bằng độc quyền sáng chế.
Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn là tác giả chính và đã công bố được ít nhất một bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus. Còn từ năm 2020 trở về sau, ứng viên phải có thêm ít nhất một bài báo khoa học theo quy định với năm 2019.

Với ứng viên phó giáo sư thì năm 2019 chưa bắt buộc tất cả phải có bài báo quốc tế mà có thể chỉ cần có một quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới hoặc một bằng độc quyền sáng chế. Nhưng từ năm 2020 trở đi thì phải có thêm ít nhất một bài báo quốc tế.

Với những ứng viên chưa đủ tiêu chuẩn về thời gian giảng dạy tại trường đại học hoặc chưa đủ ba năm được công nhận phó giáo sư (với ứng viên giáo sư), dự thảo cho phép xem xét với các trường hợp đạt gấp 2 lần các quy định tối thiểu về số bài báo quốc tế, biên soạn sách, chủ trì nhiệm vụ khoa học, số nghiên cứu sinh hoặc thạc sĩ đã hướng dẫn...
Tuy nhiên, việc công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư vẫn thực hiện theo mô hình hội đồng giáo sư 3 cấp như từ trước đến nay: hội đồng cơ sở, hội đồng ngành/ liên ngành, hội đồng nhà nước. Hội đồng cơ sở, tức nơi có nhu cầu bổ nhiệm và sử dụng giáo sư, phó giáo sư là cấp thấp nhất. Hội đồng này căn cứ vào quy định chung của Nhà nước để tổ chức xét hồ sơ của ứng viên ở đơn vị mình.
Sau đó, hội đồng giáo sư ngành/ liên ngành thẩm định kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của các hội đồng cơ sở rồi báo cáo kết quả lên hội đồng nhà nước. Hội đồng nhà nước tiếp tục thẩm định kết quả xét của hội đồng ngành/ liên ngành, sau đó mới công nhận kết quả và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các ứng viên.
Cuối cùng, dựa trên nhu cầu của đơn vị mình, các trường đại học mới bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư cho từng cá nhân đã được hội đồng nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Như vậy, nếu những nội dung trên được đưa vào quy định chính thức, các trường đại học ở Việt Nam vẫn sẽ không được tự công nhận để sau đó bổ nhiệm như thông lệ quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.