Văn hóa... ẩu đả

30/01/2012 14:38 GMT+7

(TNO) Chuyện ẩu đả trên các sân cỏ Việt Nam lâu nay đã thành chuyện… bình thường, vì nó xảy ra thường xuyên, tới mức người ta cũng ít còn bức xúc với nó. Nhưng chuyện cầu thủ ẩu đả trên sân kéo theo bạo lực từ cổ động viên (CĐV), chuyện CĐV Sài Gòn ném đá vào xe chở cầu thủ Thanh Hóa trong Cúp quốc gia, thì lại khiến người ta phải lo ngại.

(TNO) Chuyện ẩu đả trên các sân cỏ Việt Nam lâu nay đã thành chuyện… bình thường, vì nó xảy ra thường xuyên, tới mức người ta cũng ít còn bức xúc với nó. Nhưng chuyện cầu thủ ẩu đả trên sân kéo theo bạo lực từ cổ động viên (CĐV), chuyện CĐV Sài Gòn ném đá vào xe chở cầu thủ Thanh Hóa trong Cúp quốc gia, thì lại khiến người ta phải lo ngại.

>> Trong sân rượt đuổi, ngoài sân vây lùng
>>
Nhiều bàn thắng và thẻ đỏ
>> Các cầu thủ "biểu diễn" kung-fu hơn đá bóng 

Sự lo ngại này là dễ hiểu, vì bạo lực và đám đông luôn có xu hướng lan tỏa và “kết nối” rất nguy hiểm. Có thể ban đầu, CĐV Sài Gòn có lý do để bất bình với lối chơi thô bạo đậm màu sắc… phi thể thao của một vài cầu thủ Thanh Hóa mà điển hình là cầu thủ ngoại Sunday, nhưng khi “hơi nóng” từ những màn ẩu đả đánh nguội đánh nóng trên sân đã lan toả ra khán đài, thì mọi chuyện không còn dừng ở những lời la ó hay lăng mạ nhau giữa CĐV và cầu thủ đội khách nữa, mà đã chuyển nhanh thành những trận “mưa đá” dữ dội tấp vào xe chở cầu thủ đội khách.

Có thể trong thời điểm ấy cũng có những CĐV Thanh Hóa, nhưng do ít người nên họ đành nín nhịn. Nhịn nhưng ghim chặt vào lòng với lời nguyền: “Về sân nhà chúng tao thì sẽ biết!”.

Dĩ nhiên, đội Sài Gòn sẽ có lúc làm khách trên sân Thanh Hóa. Và không ai bảo đảm những màn “ném đá” sẽ không xảy ra mà không cần bất cứ lý do cụ thể nào. Chỉ là để trả thù, trả đũa, thế thôi. Bạo lực từ sân cỏ đã và sẽ vượt ra ngoài sân cỏ, thậm chí vượt ra ngoài khán đài sân vận động, và như đã từng xảy ra trong quá khứ chưa xa, sẽ có những nạn nhân vô cùng đau đớn của trò chơi bạo lực số đông này.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Lẽ ra, khi cầu thủ hai đội xô xát với nhau mà trọng tài không thể can thiệp được, thì lực lượng an ninh sân bãi phải lập tức vào cuộc và xử lý ngay, cùng với trọng tài dập tắt những “lò lửa” đang có xu hướng lan rộng. Không thể để trọng tài bất lực nhìn những cảnh xô xát giữa cầu thủ, vì lúc ấy, CĐV trên khán đài sẽ “nóng máu”, và những màn bạo lực từ khán đài là khó tránh.

Bóng đá là trò chơi có va chạm mạnh, nó chấp nhận những va chạm trong khuôn khổ cho phép của luật. Nhưng đó là trên lý thuyết, còn trong thực tế sân cỏ, nếu không có những biện pháp chế tài kịp thời và hữu hiệu, thì bạo lực sẽ kêu gọi bạo lực, máu nóng sẽ dồn thêm máu nóng, và chuyện ẩu đả vượt ra ngoài mọi luật lệ là chuyện đương nhiên.

Vì thế, không nên lên án chung chung nạn bạo lực sân cỏ, mà quan trọng hơn, nên bàn và có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của bạo lực, trước khi phải bất lực nhìn những cảnh ẩu đả tập thể và những tai nạn đau lòng xảy ra từ đó.

Bây giờ, cái cần thiết là những giải pháp từ ban tổ chức tới ban quản lý sân cỏ, mà trên hết, là VFF hay VPF. Những biện pháp cụ thể phải được thực hiện, sự ngăn chặn bạo lực sân cỏ phải kịp thời, chứ không nên đợi bạo lực xảy ra ở diện rộng và độ nguy hiểm cao rồi mới có quyết định phạt ban quản lý các sân vận động.

Làm như thế thì không bao giờ ngăn chặn được bạo lực. Cũng nên bớt những lời rao giảng chung chung về đạo đức cầu thủ hay đạo đức CĐV, vì nó chả hiệu quả gì cả, mà chỉ tổ làm trò cười.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.