Văn hóa 'đối phó' của người tham gia giao thông

Đội mũ bảo hiểm dởm, vượt đèn đỏ khi vắng mặt CSGT, thậm chí là tháo rào chắn trên cầu để chuyển làn né phạt… là những thói quen xấu của người tham gia giao thông VN.

Thói quen cao hơn luật
Ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương (Hà Nội) giờ cao điểm chiều 15.12, khi đèn đỏ vẫn còn 3 - 4 giây mới kết thúc, dòng người từ phía đường Khuất Duy Tiến đã dồn lên, trong khi dòng xe từ hướng Lê Văn Lương về Tố Hữu chưa thoát khỏi, khiến ngã tư ùn tắc kéo dài. Cảnh tượng này thường xuyên diễn ra ở đây, cũng như rất nhiều con đường khác của Hà Nội và chỉ chấm dứt khi có sự điều tiết của CSGT.
Điều đáng nói, trên rất nhiều cung đường đều có thể bắt gặp cảnh khi đèn đỏ vẫn còn vài giây, người tham gia giao thông đã bấm còi thúc giục, chưa kể mắng người đi trước vì đứng chờ đèn xanh…
Có thể thấy, thói quen cao hơn luật, hay nói cách khác là “văn hóa đối phó” khá phổ biến với nhiều người VN. Để đối phó với quy định đội mũ bảo hiểm, dù 10 năm nay Ủy ban ATGT quốc gia, các địa phương đổ nhiều công sức cho các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục từ trong nhà trường, nhưng rất nhiều người vẫn đội những chiếc mũ “thời trang” nhái mũ bảo hiểm, thậm chí là không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Một thống kê đáng suy ngẫm của Ủy ban ATGT quốc gia khi 90% người dân đội mũ bảo hiểm, nhưng 40% trong số đó là mũ bảo hiểm giả mà người đội chỉ mang tính đối phó. Dù luật quy định có thể xử phạt hành vi buôn bán mũ bảo hiểm giả, cũng như người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, nhưng nhiều năm nay, luật gần như chỉ có phần nào tác dụng với đối tượng sản xuất, buôn bán, mà chưa chạm tới được đối tượng sử dụng. Vì vậy “văn hóa đối phó” của người tham gia giao thông càng được “phát huy”.
Cần mức phạt cao và nghiêm minh
Mới đây, mạng xã hội lan truyền video ghi lại cảnh một tài xế vô tư tháo rào chắn tại cầu Thanh Trì (Hà Nội) để tránh bị CSGT thổi phạt khi đi sai phần đường dành cho người đi xe máy, phương tiện thô sơ theo hướng Hà Nội - QL5. Tài xế này đã dừng ô tô giữa đường, dùng tay tháo dải phân cách cho xe di chuyển vào làn ô tô. Ủy ban ATGT Quốc gia đã có văn bản yêu cầu Công an TP.Hà Nội xác minh và xử lý nghiêm hành vi này. CSGT Hà Nội sau đó đã xác minh biển số xe qua hệ thống đăng ký quản lý xe và truy tìm ra tài xế là Vũ Công Vọng (43 tuổi, trú tại Hà Nội). Tài xế này sau khi xem lại video ghi lại hành vi vi phạm, đã viết tường trình và… xin rút kinh nghiệm, đồng thời nhận biên bản xử phạt lỗi vi phạm đi không đúng làn đường quy định (từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng) và bị tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Mức phạt này đã được quy định theo khung, nhưng rất nhiều người vẫn bức xúc cho rằng mức phạt nhẹ vì hành vi này còn cố tình phá hoại tài sản công cộng. Việc làm của tài xế Vọng cũng là hệ lụy bắt nguồn từ tâm lý đối phó của rất nhiều tài xế Việt. Không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ... khi vắng mặt CSGT hoặc quay đầu chạy trốn, năn nỉ, xin xỏ khi bị CSGT phát hiện.
Theo một chuyên gia giao thông, để ngăn ngừa “văn hóa đối phó” quan trọng nhất là “sự không thỏa hiệp” của lực lượng chức năng, áp mức phạt cao và nghiêm minh, thông qua cả phạt nóng và phạt nguội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.