Duyên nợ với Việt Nam của hai nhà nhiếp ảnh Nhật

13/05/2005 23:10 GMT+7

Trong cuộc triển lãm ảnh Việt Nam đất nước - con người của nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh người Nhật Hitomi Toyama tại trụ sở Hội Nhà báo TP.HCM có một bức ảnh bình dị nhưng nếu nhìn kỹ người xem sẽ bất ngờ. Nó trông rất quen thuộc với cánh phóng viên chiến trường trên toàn thế giới, nhưng cũng là lạ vì là bức ảnh... "hai trong một".

 

40 năm trước...

 

Hitomi Toyama.

Ngày 6/9/1965, sau những đợt bắn phá bằng phi pháo dọn "bãi đáp", một đơn vị của Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 Mỹ được trực thăng đổ bộ xuống một "hòn đảo" chỉ có 3 căn nhà tranh giữa bốn bề sông nước (làng Lục Thượng, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Tất cả cư dân của cồn đất này - chỉ toàn phụ nữ và trẻ em - đều nêm chặt trong một hầm trú ẩn. Lính Mỹ ném lựu đạn cay và chĩa súng bắt họ chui lên. Người thông ngôn dịch lời của tên chỉ huy: "Làm sao ra được gò đất cao xa xa đối diện?". “Bơi ra” - một phụ nữ trả lời. Thế là lính Mỹ bắt nhóm người này phải bơi trước vừa dẫn đường vừa làm bia đỡ đạn cho chúng.

 

Khi họ sắp vào đến bờ, Kyoichi Sawada (người Nhật, phóng viên hãng UPI) vượt lên trước, trèo lên cồn đất và đưa máy ảnh lên... Trong khuôn hình có 5 người, người gần nhất vừa với tay vào bờ là bà Trần Thị Bá, người phụ nữ trẻ bế con là chị Lê Thị Đào lúc ấy mới 24 tuổi. Nét mặt của ai cũng lộ vẻ kinh hoàng, căng thẳng... Sawada lấy khăn ướt lau mặt cho những đứa trẻ, cho họ ăn bánh đỡ đói, ghi tên tuổi từng người... Vài ngày sau, bức ảnh Lánh nạn (Escape for safe) được đăng tải trên các tờ báo lớn của phương Tây như một lời cảnh báo về số phận của những thường dân Việt Nam khi quân đội Mỹ bắt đầu tham chiến.

 

Sawada còn quay trở lại Lục Thượng nhiều lần, tặng quà, tặng ảnh cho "những người quen cũ". Ngày 28.10.1970, Sawada tử nạn trên chiến trường Campuchia và được Overseas Press Club (CLB Báo chí hải ngoại) truy tặng huy chương Robert Capa. Ở Nhật, Sawada là một huyền thoại bất tử, Đài Truyền hình Nagoya và Kyodo vừa hoàn thành một bộ phim về anh.

 

Bức ảnh "2 trong 1" 40 năm sau

 

Ảnh "2 trong 1" của Hitomi.

Vốn rất ngưỡng mộ Kyoichi Sawada, nữ phóng viên tự do Hitomi Toyama cảm thấy như có "duyên nợ" với Việt Nam. Đến Việt Nam lần đầu năm 1992, Hitomi đã thực hiện một chuyến săn ảnh xuyên Việt bằng xe máy hơn 10.000 km. Từ đó cô luôn có những bài viết và triển lãm ảnh về đề tài Đất nước - con người Việt Nam. Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm nhân sự kiện 30 năm thống nhất Việt Nam, Hitomi đã theo tour DMZ (du lịch vùng phi quân sự) trở lại Lục Thượng để tìm gặp những người mà 40 năm trước Sawada đã chụp ảnh. Anh Quốc Trung (người phiên dịch cho Hitomi) kể rằng để đến được cái làng hẻo lánh ấy, anh và Hitomi đã phải chạy vạy giấy phép rất đỗi nhiêu khê.

 


Lánh nạn - ảnh của Sawada, giải Pulitzer 1966.

Cái gò đất chỉ có 3 túp nhà tranh năm xưa bây giờ đã là một cụm nhà xây gạch kiên cố. 5 người trong bức ảnh của Sawada giờ chỉ còn 3 (bà Bá và chị Đào đã mất). "Cậu bé" Nguyễn Văn Anh giờ đã là một "lão nông" ở tuổi 54. Hôm Hitomi tới nhà, ông đi làm ruộng mãi đến 2 giờ chiều mới tìm gặp được. Còn bé gái ở giữa bức ảnh là Nguyễn Thị Kim Liên - em ruột ông Anh giờ đã có chồng con, buôn bán ở huyện Tuy Phước. Bé gái được mẹ bế trên tay là Nguyễn Thị Huệ cũng đã có gia đình và ở cách đó vài cây số.

 

 

Bức ảnh Lánh nạn đã đem lại nhiều giải thưởng cho nhà nhiếp ảnh Kyoichi Sawada: đoạt giải Pulitzer (Giải thưởng ảnh báo chí quốc tế, 1966), đoạt giải Grand Prize của cuộc thi Ảnh báo chí thế giới (World Press Photo-WPP 1965), đoạt giải Câu lạc bộ Báo chí hải ngoại (Overseas Press Club-OPC 1965)...

Từ trước đến nay, hầu hết các báo đều chú thích bức ảnh của Sawada là Mẹ đưa con bơi qua sông lánh nạn. Nhưng thực ra đó là 3 gia đình hàng xóm với nhau cùng xuống chung một hầm. Họ không phải bơi qua sông mà là bơi qua một đám ruộng chìm trong nước mùa lũ sông Côn. Hitomi đã mời ông Anh, chị Liên và chị Huệ ra đúng vị trí mà Sawada đã chụp ảnh họ 40 năm về trước để chụp bức ảnh "2 trong 1" (trong ảnh chị Kim Liên đứng giữa, cầm tấm ảnh của Sawada).

 

Bức ảnh lịch sử của Sawada được phóng lớn, treo trang trọng trong từng căn nhà của họ ở làng Lục Thượng. Riêng ở nhà ông Anh, trên bàn thờ tổ tiên có đặt di ảnh của Sawada ngày đêm nghi ngút khói hương...

 

 Hà Đình Nguyên

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.