70 năm dế mèn phiêu lưu

20/11/2012 03:20 GMT+7

Hôm nay 20.11, Hội Nhà văn Hà Nội kỷ niệm 70 năm tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký và mừng thọ nhà văn Tô Hoài 93 tuổi. Ở tuổi xưa nay hiếm này, ông vừa hoàn thành cuốn hồi ký đặc biệt dày gần 500 trang.

Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Nguyễn Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài cho biết, ông vừa viết xong cuốn hồi ký đặc biệt gần 500 trang viết tay. Những năm gần đây, anh Vũ là người thư ký văn chương cho bố, chuyên sắp xếp, chỉnh lý, bổ sung các tư liệu văn học mà nhà văn Tô Hoài đã ghi chép trong cuộc đời 75 năm cầm bút của mình (ông viết Dế mèn phiêu lưu ký năm 18 tuổi). Anh Vũ cho rằng, sở dĩ cuốn hồi ký cuối đời này có giá trị đặc biệt vì đây là lần đầu tiên, nhà văn Tô Hoài công bố những câu chuyện có thật, những kỷ niệm diễn ra trong suốt mấy chục năm với nhiều gương mặt mà nhà văn từng có dịp quan hệ, tiếp xúc.

 Nhà văn Tô Hoài tại Đại hội Liên hiệp VHNT Hà Nội 2011

Nhà văn Tô Hoài tại Đại hội Liên hiệp VHNT Hà Nội 2011 - Ảnh: Việt Chiến

“Bố tôi viết cuốn nhật ký này trong hơn chục năm qua. Trong đó, có nhiều chi tiết khá đặc biệt, sống động và thú vị về nhiều mặt của đời sống con người và đất nước trong những năm gian khó trước đây. Trong cuốn này, văn phong của bố tôi vẫn là sự tiếp tục của dòng tiểu thuyết ký sự trước đó ở các tác phẩm Ba người khác, Chiều chiều, Cát bụi chân ai... với cái nhìn ngẫm ngợi nhiều ẩn dụ và hài hước phê phán”, anh Vũ cho biết.

Dịp này NXB Kim Đồng cho in và tái bản 5 cuốn sách viết cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài, NXB Hội Nhà văn cũng tái bản 3 cuốn tiểu thuyết của ông. Tuy đã ở tuổi 93 và mắc 3 bệnh (gút, tiểu đường, huyết áp) nhưng sức viết của Tô Hoài vẫn đáng nể, ông vẫn viết tay và phải dùng kính lúp để đọc. Cách đây hai tuần, VTV và NXB Kim Đồng đã tiến hành quay một bộ phim tư liệu về nhà văn Tô Hoài và 75 năm cầm bút của ông. Được biết, Tô Hoài là người đầu tiên viết thư xin Hồ Chủ tịch cho phép thành lập NXB Kim Đồng để in và truyền bá các tác phẩm viết cho thiếu nhi. Năm 1946, trong kháng chiến chống Pháp, Tô Hoài và Nguyễn Tuân cũng là những nhà văn đầu tiên xung phong đi Nam tiến với tư cách là phóng viên Báo Cứu quốc.

Về sức khỏe hiện tại của Tô Hoài, con trai nhà văn cho biết, vì tuổi cao lại mắc nhiều bệnh, nên gia đình không muốn cho ông xuất hiện ở các hội họp đông người, vì lúc đi thì không sao bởi nhà văn rất hứng khởi, nhưng lúc về nhà thì ông thường rất mệt vì huyết áp thất thường do hồi tưởng, nghĩ ngợi.

Nguyễn Việt Chiến

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.