Lịch năm mới trước "dòng thời gian"

17/09/2005 15:12 GMT+7

Hôm rồi ngồi uống cà phê gần hồ Con Rùa, anh bạn chợt chìa ra cuốn catalogue có in cả trăm mẫu lịch năm mới Bính Tuất 2006. Giật mình, nghĩ mới ăn Tết mồng năm tháng năm đây đã xịch tới Trung thu rồi. Tính theo ngày tây, thì sắp đặt chân lên quý cuối cùng của năm 2005. Ngoảnh lại mới đó… mới đó… mới lo cái Tết năm con gà, quay qua quay lại tiếng gà gáy nghe xa dần và hình bóng chú chó năm tuất đã lấy đà lon ton chạy tới. Nghĩ mà sợ… thời gian.

Sợ cũng phải. Vì thời gian lặng lẽ, không ồn ào, nhưng chi phối mọi sự, mọi việc của mọi người. Nó không đi, không chạy song dường như lúc nào cũng rượt theo ta. Ta không chịu đi nó cũng không quở trách nhưng âm thầm bỏ ta lại sau lưng, "tụt hậu". Trước dòng chảy của nó, có những thứ dường như  "đứng lại". Mặc kệ, ai dừng thì dừng, dòng thời gian vẫn cứ vươn lên mặt lịch 2006 hình ảnh những tòa nhà cao ngất, những chiếc xe hơi bóng loáng và các căn phòng với trang trí nội thất hiện đại, thành vệt chủ đề "nhà đẹp, xe đẹp, vườn đẹp, người đẹp, hoa đẹp, cảnh đẹp" do các nhà làm lịch, các nghệ sĩ nhiếp ảnh và họa sĩ thiết kế đồ họa làm ra. Họ đưa lên lịch Bính Tuất những phong cảnh đất nước ta được xếp hạng di sản nhân loại, nổi tiếng thế giới như Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha chẳng hạn. Cũng có đề tài kiến trúc đô thị mới ở ba miền góp phần cho thấy những hình ảnh mới về chuyển động đi lên của xã hội bên ngoài. Và bên trong tâm thức, những tấm lịch quanh ta như người đưa thư của thời gian nhắc nhớ thời hạn của một năm cũ sắp qua, một năm mới sắp đến.

"Người đưa thư" này trao đến mọi địa chỉ không hẹn trước những cây trái bốn mùa, những bonsai, tiểu cảnh, non bộ, đồ cổ, lọ hoa, ấm chén. Những bộ thời trang áo tắm, áo dài, áo cưới và đã có nhà làm lịch đưa ra ý tưởng về lịch tờ "trang phục công sở", nói nôm na là "áo văn phòng" (từa tựa như người ta gọi "cơm văn phòng" vậy). Cơm và áo là hai nhu cầu muôn thuở của xã hội, của năm cũ cũng như năm mới. Nay những "màu thời gian" tươi tắn và phong phú trên mặt lịch 2006 cũng đã cho thấy phần nào xã hội ta so với mấy chục xuân trước thì "cơm no hơn và áo ấm hơn" nhiều. Tới đây, nhớ chuyện một con quỷ có tánh nóng nảy như loài Atula, chuyên sống dưới gốc cây đào và chuyên phá phách người vào chiều cuối năm. Một dạo, không tìm ra cái ăn, đói quá, nó đã phải tự ăn thân mình. Ăn từ bàn chân lên đùi, lên bụng mình. Ăn hết ngực, chỉ còn trái tim là nó do dự chưa ăn. Bởi nó nghĩ rằng, ăn trái tim mình sẽ không còn biết vui buồn là gì, đau khổ sung sướng là gì, thì sống làm quỷ có gì là hay ho hơn sâu bọ đâu. Nó bèn giữ trái tim lại, ăn lên tới cổ, tới mũi, mắt, chỉ còn bộ óc nóng hổi là chưa ăn. Bởi nó lại do dự, dừng một lần nữa suy nghĩ mình ăn bộ óc của mình rồi sẽ không còn gì để phân biệt tháng năm, sáng tối, phải trái. Trong thời quá khứ, chính vì quên phân biệt như thế mà nó phải biến thành quỷ. Thôi thà đói đừng ăn. Lúc bấy giờ nó đói thật, đói tới nỗi tấm thân sắp tan thành vô sắc của nó càng gầy ốm và nhỏ lại chỉ bằng một sợi chỉ mong manh phất phơ trong gió. Rồi nó qua đời. Nhưng lạ thay, ngay khi hơi thở cuối trút đi, nó được thượng đế hà hơi để sinh ra làm người trở lại với tứ chi, đầu mình lành lặn, tươm tất, đó là nhờ nó còn giữ trái tim và bộ óc, vốn là những thứ quyết định thành người. Đó là nhờ nó không tham ăn. Nó biết chừa những thứ không nên ăn. Nó từ chối sự quyến rũ của miếng cuối cùng. Nếu nó ăn hết những thứ ấy nó sẽ rơi ngay vào địa ngục vô gián, nghĩa là ở đó thời gian thọ hình không gián đoạn, không nghỉ ngơi, không ngừng dứt, triền miên vô tận trong tăm tối (vì mất khối óc: vô trí) và trong lạnh lẽo (vì mất trái tim: vô cảm). Trở lại những tờ lịch mới, có ghi lời chúc lành cho mọi người được phước lộc thọ, có những bức tranh thư pháp tô đậm nét chữ hiếu, nghĩa, lễ, tín, tâm, hoặc nhiều lời khuyên hữu ích in trên đó cũng đáng mua để treo giữa nhà lắm chứ. Bởi nó không chỉ thông tin ngày tháng suông mà còn nhắc ta đừng "vô trí vô cảm" trước thời gian, như câu: Trăm năm bia đá cũng mòn. Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Thời gian đi không có tiếng động, không có hình bóng, song nó ẩn hiện trên mặt lịch và trong văn chương. Nhà văn Lại Nguyên n trong một bài phân tích về thời gian và không gian nghệ thuật đã viết: "Niên lịch trong nghệ thuật cũng có tính tượng trưng, ví dụ dễ nhận biết thời gian qua sự vận động từ cái sinh tồn phồn thịnh của mùa xuân và mùa hạ sang nỗi buồn mùa thu là tiêu biểu cho thế giới văn xuôi Turghênep". Cũng đã có hương vị của miếng bánh quá khứ trong "tìm lại thời gian đã mất" của Marcel Proust, và trong khẳng định "không có suy nghĩ nào mà không có ký ức" của Krishnamurti, và với chúng ta, đã có giai điệu của những "nắng chiều" qua bến nước xưa, hoặc những "bên cầu biên giới" hoài niệm về giấc mộng đời phiêu lãng. Tuyệt vời nhất là đại thi hào Nguyễn Du của chúng ta đã đúc kết "thời gian của một kiếp" vỏn vẹn trong 14 chữ, qua câu đầu và câu kết thúc truyện Kiều: Trăm năm trong cõi người ta/ Mua vui cũng được một vài trống canh. Trong vài trống canh đó, chúng ta đã tận tay mình treo được bao nhiêu tờ lịch mới? Thật khó ai biết trước con số chính xác. Chỉ biết mỗi năm, mỗi tháng, mỗi tuần, ta phải đối diện với những tờ lịch vơi đi. Có một buổi sáng nào đó, chợt nhìn lên mặt lịch, thấy màu thời gian của nó đung đưa nhạt nhòa theo những cơn gió nhẹ, rất nhẹ, song đủ sức đánh động, đánh thức chúng ta ngồi dậy, tiếp tục các việc cần làm trước khi quá trễ.

Hồng Hạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.