"Xuân muộn" - Truyện ngắn của Nguyễn Danh Lam

03/02/2007 16:17 GMT+7

Một gia đình nhỏ, chậu mai vàng, chai rượu, dăm đòn bánh tét... Giấc mơ ấy đã lùi xa khỏi chị. Cũ kỹ như thể mùa xuân. Chị với remote, chuyển kênh. Mười hai giờ khuya, đài tỉnh thường phát cải lương. Xong một vở, khuya lắc, thế là lăn ra ngủ. Chẳng có sự sung sướng nào hơn vậy nữa. Mà cái sự sung sướng ấy cũng chẳng dễ đến chút nào, nếu không phải là kỳ nghỉ Tết.

Ngày thường, cứ năm giờ, con mắt tự dưng dựng dậy. Có muốn nằm tiếp cũng chẳng ngủ được. Như thể một cái máy đã lập sẵn chương trình. Rồi con đường ấy, cánh cổng ấy, những mái đầu cúi gằm ấy... Tiếng máy, tiếng chuông báo cơm trưa, tiếng trưởng chuyền la mắng, chỉ trỏ... Và mùi vải, mùi mồ hôi găn gắt từ cổ áo hở thốc lên khi trời về chiều, mùi dầu máy nhàn nhạt...

Đã có thời dăm ba gã trai lượn xe giờ tan tầm - Ấy lên, anh chở, bữa nay có đồ giảm giá. Cũng đi, cũng tranh thủ hò hẹn đôi ba bận. Rồi gã nào cũng tìm cách mò lại phòng, kéo ra bờ cỏ, luồn tay vào ngực... Chị tát cả dăm ba gã. Rồi thôi.

Chị gom tiền mua được cái ti vi. Vật thể hào nhoáng, xa lạ như chiếc phi thuyền đột ngột đáp xuống trên bàn phòng trọ. Cứ đêm về, chủ nhật, ngày dãn hàng..,. chị ôm remote. Cửa sổ mở ra thế giới bên ngoài rộng 14 inches. Thế là đủ.

Cả dãy mười lăm phòng, còn hai phòng mở cửa, lại nằm sát bên nhau. Chị ở lại năm nay nữa là sáu. Quá đủ để vô cảm trước mọi sự. Chị chẳng buồn ngó ngàng qua lại căn phòng ấy. Thi thoảng, thấy thấp thoáng bóng dáng con nhỏ ra vô. Nó chừng hai chục, không già dặn bằng, nhưng mọi sự chẳng mấy khác chị, thuở mới đặt chân vào thành phố này.

- Chào chị! Tết này chị cũng ở lại à? - Con nhỏ thấy chị lần đầu, mắt sáng rỡ.

Chị gật. Chẳng nói thêm câu gì. Con nhỏ ôm thau đồ ra dây phơi trước cửa. Chị khẽ liếc, thấy nó run run máng lên cái quần jeans lưng trễ, chiếc áo thun bó. Chị lén phun ngang một bụm nước miếng. Con nhỏ bắc ghế ngồi canh bộ đồ. Nước trên dây phơi và mồ hôi nó cùng nhỏ. Từ đó, nó chẳng hỏi thêm chị câu nào nữa.

Hai căn phòng cùng mở cửa, ngỏ ra một hướng, nhưng bên trong hai thế giới khác nhau. Chị thầm nghĩ, ta chẳng phải thứ ấy.

Cái Tết đầu, chị lập bàn thờ ông bà, mua đầy đủ nhang quả, bánh tét, đồ ăn cho năm ngày. Mùng một khóa cửa phòng, đạp xe long rong thăm mấy người bà con xa lắc. Tết sau, rút xuống khoản bánh tét. Tết kế nữa chỉ còn nhang quả. Đến Tết này, chẳng gì cả. Chị bảo mấy đứa nhỏ cùng phòng, hôm chúng về quê:

- Tụi bay sẽ thấy tao lên năm ký sau năm ngày.

Chúng cười phá:

- Má thêm năm ký nữa, làm sao... đẻ hả má (?!)

- Tổ cha tụi bây, tao đẻ ra mấy thằng đực rựa cho tụi bây mỗi đứa một thằng héng!

- Ế hế hế, má phần con thằng hai nha má! Con muốn làm dâu trưởng!

Chúng về. Chị gởi đám cháu anh Hai, chị Ba... mấy phần lì xì. Số còn lại mua vài thứ lặt vặt. Sửa cái xe đạp. Vừa hết. Rồi chị lăn ra ngủ thật. Ngủ cho bõ một năm trũng mắt. Mà cái cơ thể cũng lạ, già rồi, bảo ngủ, nó ngủ được liền. Nhưng cũng dễ thức, một tiếng động như gió lướt qua cũng khiến chị giật mình choàng dậy giữa khuya. Có lẽ bản năng ở trọ. Chuyện trộm cắp xảy ra ngày một. Ngủ say quá, có lẽ cái ti vi của chị đã chẳng tồn tại đến hôm nay.

Và đúng giao thừa ấy, chị nhoàng người. Qua tấm ván mỏng tanh là phòng bên, cái "ổ quỉ" của con nhỏ. Chị nghe tiếng nó, thì thào như lay người đang ngủ:

- Anh ơi, giao thừa rồi! Ra mau! Ra mau! Pháo hoa bắn rồi kìa!

Không thấy tiếng trả lời. Chị làm nhàm trong ý nghĩ - lại còn rước trai về phòng nữa!

- Trời ơi, sao làm biếng quá vầy nè? Đến đồ ăn cũng bắt người ta để tận nơi! Hay là còn chờ người ta đút cho, như đút bột em bé!

Vẫn chẳng có tiếng trả lời. Chị quá biết. Đám con gái ấy chiều trai như chiều vong. Vớ được thằng nào là nhào nặn nó thành vua chỉ sau hai bữa. Áo giặt, cơm bưng, gối ngủ... Sau nửa tháng, thằng vua bắt đầu biến ả thành cung nữ. Cho thì ngại, mà chối từ nó bỏ đi một nước. Quá nửa cho. Và quá nửa trong số ấy ở lại với nỗi ê chề sau dăm bảy tháng thằng vua kia xôi no, chè chán.

Con nhỏ này chẳng biết thuộc dạng nào. Thấy cái quần jeans lửng, chị đoán chỗ làm của nó là mấy quán cà phê ngoài ngã tư lộ. Nhưng lại thấy nó ở nhà suốt mấy bữa nay, đêm cũng như ngày, chị chẳng kết luận được nó là thứ gì nữa.

- Cưng ơi, cười hoài, thấy ghét! Lại đây nè...

Chị gồng mình, bịt tai - Đồ gái vô duyên! May là mấy bữa nay tao không bắt chuyện cùng mày!

Sáng mùng một. Chị nướng đến tám giờ hơn. Giấc ngủ quá lố, khiến đầu chị có cảm giác hơi nhức. Việc đầu tiên là quờ tay tìm cái remote. Cầu truyền hình đêm qua phát lại. Chị bị hút chặt vào đấy. Đang chương trình hài, bất chợt chị nghe có tiếng cười hích hích ngoài khe cửa sổ. Cửa đã đóng. Sao ai còn đứng ngay đó mà cười?

Chị bật dậy, tông cửa lao ra. Con nhỏ đang ghé mắt nhòm qua khe. Thấy chị, nó giật lùi, mặt tái đi:

- Em... em coi ké ti vi chị xíu!

Chị gắng kềm một tiếng chửi:

- Coi gì mà dòm qua khe phòng người ta? Đừng có tưởng ai cũng lén lén lút lút như cái kiểu của cô!

Đầu con nhỏ cúi gập. Nó lí nhí:

- Em xin lỗi!

Trước khi nó lao ập về phòng, chị kịp nhìn thấy một đôi mắt sưng to, húp híp. Hẳn là đêm qua đã cãi nhau với thằng ôn dịch kia rồi, chắc chắn vậy. Chị bước ngang phòng nó ra bể nước súc miệng, chẳng thấy bóng thằng ôn dịch kia đâu.

Suốt mùng một, chị ôm ti vi. Có bao nhiêu kênh, chị lần lượt bật đủ. Con nhỏ tất nhiên không dám bén mảng nữa. Đôi khi chị cũng thấy tồi tội, định kêu cho nó qua cùng coi. Nhưng lại nghĩ, biết đâu mình ngủ quên, cửa phòng chẳng đóng, nó ôm cái ti vi đi một hơi biết đằng nào mà lần. Thế là thôi. Cửa phòng cứ đóng, mình chị cứ coi, chẳng liên quan lo lắng ai cả.

Đêm ấy, chẳng thấy tiếng con nhỏ rù rì nữa. Chị lại lắng tai nghe thử. Chín giờ hơn. Không động tịnh. Chị ra cửa phòng hít thở vài hơi. Hóa ra cửa phòng bên nó cũng đóng, trong tối đen. Chị thầm nghĩ, tự cười một mình - Chắc lại... đi làm rồi.

Mười giờ hơn. Chị nghe tiếng líp xe đạp đổ khẽ. Tiếng mở cửa. Chị căng tai hơn nữa. Những âm thanh lọt qua quá nhỏ. Và, chụt! chụt! chụt! Ba cái hôn gấp gáp, vang rõ. Chị giật nảy người. Máu sôi lên trong mình. Chị với remote. m thanh ti vi vọt lên. Một cách đáp trả. Chị cứ để tiếng ti vi lồng lộng. Quặp hai tay sau gáy. Mắt nhìn thẳng mái nhà. Mấy tấm ni lông ngăn nước tự mùa mưa, giờ khô queo, đầy bụi bám. Vài sợi tơ nhện lay lay. Tự nhiên hai khóe mắt chị giật giật. Chị không tin những giọt nước có thể lăn ra từ đó. Nhưng dường như, một nỗi niềm quá xa xăm đang mơ hồ trở dậy. Mình đã già chưa? Đã vĩnh viễn lùi xa mọi cảm giác con người chưa? Ở cái tuổi ba mươi tư, đã bão hòa ngày tháng...

Chị bung mạnh. Cả tấm thân lật ngược. Chị úp mặt xuống gối. Nghe mùi dầu gội đầu loang loang. Đấy là loại mỹ phẩm duy nhất cho đến giờ này chị vẫn dùng. Vẫn phải dùng. Dẫu đôi khi chị đã căm thù tất thảy mọi loại mỹ phẩm. Mọi thứ áo quần. Hơn thế nữa, cả đám đàn ông. Cả những con nhỏ tuổi chưa đến đôi mươi, chiều chiều chộn rộn với ba cuộc hẹn hò...

Chị ngủ thiếp. Ti vi vẫn phát. Đến rạng ngày ánh màn hình xanh biếc khiến chị chói mắt. Chị quờ tay ngồi dậy. Kênh ti vi đã nghỉ từ lâu. Ngay lập tức chị nhớ tới chuỗi âm thanh hồi tối ở phòng bên cạnh. Giờ tất cả đã im ắng. Cuộc mây mưa, nếu có thể xảy ra ở bên kia, chắc đã tàn đến mấy lần. Giờ thì chúng đang úp vào nhau. Thỏa mãn. Lãng quên tất cả. Chị chẳng là gì với con nhỏ ấy. Việc chị mắng nó khi coi lén ti vi, chẳng thể len vào giấc mơ ứ ngập kia...

***

Những ngày Tết còn lại bỗng trở nên đằng đẵng, bức bối đến không chịu nổi. Cảm giác ấy chị chưa gặp lại bao giờ đã tự mấy năm nay. Thấy bóng con nhỏ là mắt chị quắc lên. Nó hiểu điều đó. Và nó đáp trả. Thấy chị, nó cũng ngước mặt đầy vẻ thách thức. Chị thầm rủa: Đồ đĩ thõa!

Nhưng khốn khổ thay, chị không thể kềm lòng khi những tối kế tiếp đôi tai chị vẫn cứ căng ra. Con nhỏ đi đâu chưa về là chị không cách gì ngủ được. Mọi chương trình ti vi đều đứt đoạn. Chị đổi kênh liên tục mà chẳng coi dứt được kênh nào. Không thêm một âm thanh khả nghi nào nữa. Chúng nó đã thật sự chia tay? Hay rạng ngày, lúc chị đã mệt mỏi thiếp đi, cái thằng ôn dịch kia mới mò tới? Nhưng điều khiến chị nghi ngờ nhất, là chúng vẫn ở đấy. Vẫn quắp chặt lấy nhau. Nhưng những tiếng rít kia thì đã nén lại hết cỡ. Chúng biết chị theo dõi? Chúng biết chị khó chịu? Chúng biết chị sẽ tìm cách phá chúng?

Chị lặng lẽ mở cửa, bước ra khỏi phòng. Một vệt sáng lớn vẫn chan đầy mảng sân bên ấy. Chị lặng lẽ đi ngược ra phía cổng. Phòng chị nằm ngoài. Phòng con nhỏ bên trong. Trong cùng nữa là bể nước.

Có tiếng trẻ xa xôi. m thanh ti vi. Mùi khói trầm thoang thoảng. Chị so vai. Tiết đầu xuân lành lạnh. Muỗi bám hai chân chị. Chị không thể đứng lâu. Lại lặng lẽ trở vào. Mảng sáng từ cửa phòng con nhỏ lay lay mắt chị. Đôi chân vô thức kéo chị lố khỏi cửa phòng mình mấy bước. Chị áp tai nghe. Hơi sững người. Bên trong, tiếng con nhỏ thì thầm:

- Anh ơi! Anh có biết em buồn anh đến mức nào không?

Chị giật mình, lùi lại. Ngực nhồi, quặn thắt. Chị quyết định bước về phía bể nước. Lúc trở về sẽ băng ngang phòng con nhỏ, liếc thử mặt mũi thằng ôn dịch kia ra sao.

Chị cúi gằm, bước thật nhanh, thật nhẹ, như vô tình. Chị đã đứng bên bể nước. Phải đứng thêm một lúc, để lỡ nó có thấy mình đi ngang khi nãy, cũng chẳng nghi mình rình mò.

Gần mười phút, chị nhẹ nhàng quay lại. Ngang giữa vùng ánh sáng, chị liếc mắt qua. Cửa phòng con nhỏ mở toang. Bên trong, con nhỏ quỳ gối. Mặt nó úp trên tấm hình một anh chàng ca sĩ treo sát bên giường nằm. Mắt con nhỏ nhắm nghiền. Anh chàng ca sĩ thả bâng quơ một nụ cười về phía trước...

Đầu gối chị khuỵu xuống, trong khi đôi chân vẫn theo quán tính dấn lên. Chị vấp mạnh. Con nhỏ choàng người nhìn ra phía cửa. Hai ánh mắt va nhau trong một khoảnh khắc tê tái...

Miệng con nhỏ bỗng nhếch lên thành một nụ cười. Đấy là tín hiệu duy nhất nó có thể gửi về phía chị. Đôi chân dẫn chị về phía cửa phòng nó:

- Em ở lại ăn Tết một mình sao?

- Dạ, em cũng như chị mà...

- Em cũng là công nhân?

- Dạ..., chớ chị tưởng em là gì?

Chị ngoảnh mặt. Hất mạnh đầu. Môi bặm:

- Nghe em rì rầm mấy bữa nay. Chị cứ tưởng bên này còn ai đó nữa chớ!

Con nhỏ vẫn quỳ gối trên giường, bối rối:

- Không. Ngoài chị với em ra, cả khu này có còn ai đâu. Mấy hôm rồi tính bắt chuyện với chị. Thấy chị... khó khó, em đành nói chuyện với tấm hình này... Chắc chị thấy rồi phải không?

- Thấy rồi. Ảnh là thần tượng của em à?

- Chị hiểu vậy cũng được. Nhưng ảnh là ngôi sao. Mà ngôi sao thì xa lắm. Nhưng với em, cái gì chẳng xa. Cho nên cứ... làm bạn với những thứ thật xa, cũng đâu có khác gì ...

- Muốn gần cũng có chớ. Đêm nay, em qua phòng chị, tụi mình coi ti vi. Rồi chị em mình đón xuân muộn cũng được mà...

- Dạ... Chị chờ em rửa mặt... rồi em qua liền nghen chị!

N.D.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.