Văn hóa Việt Nam, nhận diện mình từ bên ngoài...

20/08/2007 22:28 GMT+7

* Chào đón đoàn Duyên Dáng Việt Nam 18 về nước Ngày xưa, tôi từng "cãi nhau" với ông thầy người Bỉ khi ông ấy nói "chiếc áo dài Việt Nam sexy nhất trong làng thời trang thế giới". Tôi không đồng ý, tôi muốn ông ấy dùng một từ ngữ nhẹ nhàng hơn, "duyên dáng" chẳng hạn. (Hồi đó, có lẽ trình độ tiếng Anh của tôi còn hạn chế).

Rồi cũng chính ông nói với tôi và các bạn bè của ông, phụ nữ Việt Nam đẹp nhất châu Á. Khi đưa người thân sang thăm Việt Nam, ông thích thú chỉ cho họ hình ảnh những nữ sinh mặc áo dài trắng đạp xe trong một cái poster nào đó dán trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở TP.HCM.

Tôi tin mọi điều ông nói. Và tự hào, rồi tự tin.

Và có nhiều người Việt Nam cũng tự tin như thế. Tự tin và vươn ra thế giới. Không có lý do gì để văn hóa độc đáo Việt Nam cứ mãi bị bó hẹp trong biên giới quốc gia, cứ "tiềm ẩn" và đợi ngày "hữu xạ tự nhiên hương" được. Và Duyên Dáng Việt Nam đã được trình diễn ra bên ngoài. Lần đầu tiên tại Úc. Thành công của nó thì không phải bàn nữa.

Lần này, sang Singapore, Duyên Dáng Việt Nam lại được tán thưởng bởi sự tự tin phô diễn những nét đẹp của riêng mình. Không chỉ nhà tổ chức, đạo diễn tự tin, nghệ sĩ tự tin, mà ngay cả khán giả cũng tự tin.

Đi dọc hành lang nhà hát Esplanade rộng lớn, sang trọng, tôi thấy các bà, các chị xúng xính trong chiếc áo dài đứng chờ dọc lối vào phòng biểu diễn. Hỏi từ đâu đến, họ bảo từ Hà Nội bay sang. "Được mời?" - "Đâu có, tự mua vé đấy chứ!". Không biết kể sao cho hết những gia đình người Việt ở Singapore, những công dân Việt Nam đang làm việc ở hòn đảo bé nhỏ này, tự tin đưa bạn đời, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp với "các kiểu" quốc tịch trong trang phục truyền thống đến xem biểu diễn. Không có áo dài thì mặc cái giông giống áo dài cũng được: "sườn xám" Trung Hoa, "kebaja panjang" Malaysia... đứng cạnh áo dài cũng "hội nhập" được. Không hiểu được lời bài hát thì xem những động tác uyển chuyển mềm mại, những xúc cảm từ người nghệ sĩ, những chất liệu, hoa văn và đường nét tinh tế trên trang phục của họ, cũng phần nào cảm thụ được cái chất trong làn điệu câu ca.

Trong buổi phỏng vấn các nghệ sĩ sau đêm diễn, anh chàng Colby Miller lém lỉnh, phụ trách sản xuất chương trình giải trí của kênh MTV Networks Asia, nói với tôi rằng: "Cần gì phải hiểu hết. Tôi thích tất cả các tiết mục của chương trình mà!" - "Thích áo dài không?" - "Thích chứ. Những đường cong tuyệt vời!" "Còn các người mẫu?" - "Quá thích! Họ đẹp lắm!". "Đặc biệt trong chiếc áo dài?" - "Ừ. Và hơn hết, họ là phụ nữ Việt Nam". Anh cho biết thêm: "Có mấy khán giả chạy đến hỏi tôi sau này có thể mua đĩa Duyên Dáng Việt Nam do MTV Asia làm ra không". "Họ là người nước nào?" - "Tôi không hỏi, nhưng chắc chắn không phải người Việt Nam".

"Thế còn chị thì sao, chị Subhatra, chị thích tiết mục nào nhất?", tôi hỏi chị Subhatra Bhumiprabhas, phóng viên kỳ cựu của Báo The Nation (Thái Lan) - "Tiết mục nào cũng hay, tôi chẳng biết nói tôi thích tiết mục nào hơn cả. Nhưng hầu hết các điệu múa đều rất đẹp. Và một số trang phục nữa, chất liệu làm nên chúng thật tuyệt vời". "Thế chị có định viết cái gì đó để giới thiệu đến độc giả Thái Lan không?"- "Tất nhiên rồi".

"Nhưng chương trình ngắn quá. Có hai tiếng đồng hồ. Nghe bạn tôi nói, ở bên nhà, thường Duyên Dáng Việt Nam dài đến ba tiếng cơ mà!"- chị Violet Lee, Hiệu phó trường Kingston International School tiếc nuối. Anh Đức, người đi cùng chị: "Thì chương trình chắt lọc những gì tinh túy nhất của Việt Nam mà! Đã vậy, hai người dẫn chương trình (Thanh Bạch - Ngô Mỹ Uyên) lại quá tài hoa và khéo léo khiến khán giả càng thấy thời gian trôi qua mau. Thôi hẹn dịp khác vậy!".

Chào đón đoàn Duyên Dáng Việt Nam 18 về nước

Anh Nguyễn Công Khế và đạo diễn Tất My Loan tại sân bay Tân Sơn Nhất trong buổi đón đoàn DDVN 18 (ảnh: Khả Hòa)

Chiều  20.8, đoàn nghệ sĩ của chương trình Duyên Dáng Việt Nam 18 - Charming Vietnam Gala in Singapore đã về đến VN sau 4 ngày lưu diễn, trong sự chào đón từ những thành viên Ban tổ chức tại VN, các phóng viên Báo Thanh Niên và khán giả. 4 ngày tại Singapore với 2 đêm diễn ở nhà hát Esplanade hiện đại cùng nhiều kỷ niệm ấn tượng, có lẽ sau chuyến đi cùng Duyên Dáng Việt Nam lần này, các nghệ sĩ sẽ có cái nhìn khác hơn về vai trò của mình - những người làm văn nghệ, và tất nhiên cũng không thể thiếu mơ ước về một nhà hát hiện đại tại VN trong ngày gần đây.

Nguyên Vân

Thục Minh
(từ Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.