Văn hóa xe buýt

22/10/2019 04:51 GMT+7

Tài xế xe buýt chửi đuổi khách; tài xế xe buýt bấm còi, ép xe, phun nước miếng khi bị phàn nàn; nhân viên soát vé kẹp cổ hành khách; lái xe buýt lăng mạ hành khách, kẻ gian trà trộn móc túi, mới đây nhất là khách đánh cả nhân viên xe buýt... những vụ việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển mạng lưới xe công cộng ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Nói đến văn hóa xe buýt chúng ta thường nghĩ đến thái độ, ứng xử của hành khách đi xe buýt thông qua việc xếp hàng lên, xuống xe; nhường chỗ cho người già, trẻ em, người khuyết tật... Thực tế thì các cơ quan có thẩm quyền đã có tham vọng xây dựng văn hóa xe buýt từ rất lâu thông qua việc nhắc nhở, tuyên truyền mỗi khi hành khách lên xe. Thế nhưng muốn xây dựng được "văn hóa xe buýt" thì đầu tiên phải từ chính tài xế và những nhân viên phục vụ trên xe. Tài xế không phóng nhanh vượt ẩu, để ý chuyện khách lên xe - xuống xe an toàn rồi mới chạy... Đó chính là văn hóa xe buýt. Nhân viên phục vụ tận tình, thân thiện, vui vẻ... đó chính là văn hóa xe buýt. Nếu tạo được văn hóa xe buýt thì mới có thể kêu gọi hành khách đi xe có ứng xử văn minh. Bởi "nhập gia tùy tục", bước lên một chiếc xe văn minh lịch sự, những hành động, thái độ không đúng mực sẽ trở nên phản cảm và hành khách sẽ phải điều chỉnh hành vi. Từ từ tạo ra văn hóa xe buýt. Đây chính là yếu tố quan trọng để người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Thực tế, hình ảnh và chất lượng xe buýt tỷ lệ thuận với số lượng người sử dụng. Trước đây, xe buýt bị gọi là "hung thần trên đường phố" vì rất nhiều tài xế xe buýt chạy ẩu, lấn tuyến len làn, không chỉ gây rủi ro cho người đi xe buýt mà cả những người tham gia giao thông. Mấy năm gần đây thêm những hành vi phản cảm như tài xế chửi đuổi, giang hồ móc túi... lại càng khiến hành khách thêm bất an. Thế nên dù được trợ giá, được nâng cấp, được đi làn ưu tiên... nhưng tỷ lệ người sử dụng xe buýt ngày càng giảm. Năm 2018 tại TP.HCM số lượng khách đi xe buýt giảm 21 triệu lượt so với năm 2017. TP đã phải cắt nhiều tuyến vì quá ế ẩm. Tình trạng này dẫn tới nghịch lý, trong khi số tiền ngân sách bỏ ra trợ giá ngày càng tăng, thì tình trạng người dân vẫn quay lưng với xe buýt ngày càng nhiều.
Tại các đô thị lớn, việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng là tất yếu, trong đó mạng lưới xe buýt là trọng điểm. Việc này càng không thể trì hoãn bởi không chỉ vấn đề kẹt xe, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở 2 TP lớn nhất cả nước nguyên nhân lớn nhất đã được xác định là khí thải từ xe cá nhân, nhất là xe máy. Để giải quyết tình trạng này, phải hạn chế xe cá nhân, tiến tới cấm xe máy bên cạnh việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng thay thế.
Thế nhưng muốn tạo thói quen sử dụng xe công cộng, bên cạnh chất lượng, sự thuận tiện thì văn minh, văn hóa xe buýt phải được đặt lên hàng đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.