20 phút và 2 ngày lên đỉnh Phan Xi Păng

29/05/2016 05:41 GMT+7

Sử Mẩy, người Dao đỏ, nhân viên của tuyến du lịch đỉnh Phan Xi Păng , đi cùng ca bin cáp treo với tôi vì thấy tôi đi có một mình.

Ngày đầu mùa xuân năm nay mới có cáp treo, ga cáp treo của tỉnh Lào Cai, đẹp như mơ, đẹp hơn cả sân bay quốc tế nhiều nước ấy chứ. Nhà ga có chỗ nghỉ, có những bức tranh dân tộc Việt đẹp mê hồn, lại có cả siêu thị mua sắm, có từng người chỉ dẫn lên cáp, hai mươi phút đi cáp treo và hai ngày leo bộ lên đỉnh núi có gì khác nhau?
Hai mươi phút chỉ mất 600.000 đồng, leo hơn 600 bậc nữa thì lên đỉnh núi, trên cáp treo thấy rõ các ruộng bậc thang tuyệt đẹp, nhìn thấy những cánh rừng, ngọn cây lá xanh và hoa nở không rõ tên nhưng trắng xóa từng vệt lưng núi. Nhìn thấy cáp treo có nhiều đầu tàu, một toa đi trên lưng núi. Gió hú ngoài cáp như thấy mình đang bay trên không trung.
Sử Mẩy nói có chủ nhật số du khách lên Phan Xi Păng lên khoảng 9.000 lượt, ngày thường cũng có vài trăm khách ghé qua. Người già, trẻ con mua áo mưa mặc cho ấm, chứ gặp mưa gió không vịn cầu thang thì người sẽ bay như chim. Có nhiều người đến đỉnh chỉ chụp ảnh xong là xuống ngay, về khoe với tất cả mọi người, vui sướng cũng y như đã từng leo núi hai ngày với đầy gian nan vậy.
Nhớ lần thứ nhất tôi leo bộ hai ngày, gặp mưa ngủ trong túi bạt, nghe mưa rơi trên bạt mạnh y như có ai đánh mình, mưa rơi mạnh, khá đau khi giọt nước đập vào người. Giàng A Sinh năm đó vác hộ tôi mấy thứ rau khô, nước và lương khô, được ngủ đêm ở rừng, ăn thịt nướng và nhìn thấy con sóc leo trèo nhìn khách, mình nhìn nó nó cũng nhìn mình, đối mặt với sóc mà thú vị. Giàng A Sinh khuyên tôi ngủ đi mai lấy sức đi tiếp. Sáng ra thì mùa đông trên núi, mặc dù đó là tháng 5, mặc ấm đến non trưa thì thấy mùa hè và mùa thu trên đỉnh núi. Không màu cờ không áo đỏ, không hớn hở, mà chỉ thấy mình còn có sức leo đến đỉnh núi. “Có người thì chỉ biết lên đỉnh trong câu chuyện tình yêu, chứ chắc gì dám leo lên đỉnh núi hiểm trở này” - Giàng A Sinh không ngờ lý sự và không ngờ nói ra ý nghĩ ranh ma như thế, khi nhắc về đỉnh núi hùng vĩ này. Tôi nhớ mãi Giàng A Sinh ít nói, chỉ nhắc leo núi nhớ bôi kem chống côn trùng và hít thở sâu, bước đều, không bước vội vã cũng không bước chậm. Kinh nghiệm leo núi của người Mông chỉ cho người Kinh đi đường bằng, một lời đơn giản mà không dễ thực hiện.
Cảm giác khiêm nhường của Giàng A Sinh cùng du khách không nhớ bao nhiêu lần leo bộ lên đỉnh núi, chàng không chụp ảnh, không PR, không có gì để khoe hết. Với anh, lên núi bình thường như ta ăn ngủ hằng ngày vậy. Bao nhiêu lần có lẻ, khi leo núi mang vác đồ cho du khách, sự im lặng của Giàng A Sinh là vàng. Tôi thèm sự hiểu biết về núi rừng, và đôi chân bền bỉ của chàng người Mông đen đúa có nụ cười hiền đó.
Lần thứ hai lên đỉnh núi chỉ mất hai mươi phút này, nhìn thấy đám đông hò reo, lại nhớ Giàng A Sinh, không rõ năm nay Phan Xi Păng có cáp treo, sẽ ít người leo bộ, anh có tìm kiếm được việc làm mang vác hành lý, để kiếm cơm khi lên đỉnh núi không...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.