3 tháng để tự làm phim

07/07/2010 23:22 GMT+7

7 bộ phim tài liệu độc đáo đã được trình làng sau khóa học làm phim tài liệu điện ảnh trực tiếp do Hiệp hội Điện ảnh Antelies Vanran (Pháp) tổ chức tại Đà Nẵng.

Tất cả đều chứa đựng thông điệp: "Làm điện ảnh nghĩa là phải có niềm đam mê cháy bỏng được chia sẻ".

Câu chuyện của họ

9 học viên tham gia khóa đào tạo đến từ những cơ quan báo chí, truyền hình được các giảng viên đến từ Pháp và Đức - trực tiếp là Adre Van In -  hướng dẫn để làm việc theo một phương pháp làm phim mới, từ xây dựng quan hệ với nhân vật, phát triển ý tưởng, sự cân bằng giữa tính chân thực của hiện thực và bàn tay của người đạo diễn. Trong vòng 3 tháng, nhiều thói quen nghề nghiệp của nhà báo đã bị xô đẩy, nhiều niềm tin như chắc chắn đã bị lung lay...; và cuối cùng, sức hút của cái mới đã khiến các học viên hết mình với những trải nghiệm khắt khe song thú vị.

Trước khi đến với lớp học, mỗi người phụ trách một mảng công việc khác nhau, có người đã làm đạo diễn nhưng chưa hề cầm máy và ngược lại, những người chuyên cầm máy lại chưa hề viết kịch bản hay làm công tác đạo diễn... Thế nhưng, ngày 5.7, tại Trung tâm Điện ảnh Đà Nẵng, 7 bộ phim đã được trình làng, mỗi bộ phim chỉ có một cái tên thực hiện, đó là phim của chính họ.

Tất cả các bộ phim trên được thực hiện với cái nhìn vào tận chiều sâu của nhân vật, chạm đến thế giới nội tâm với cách thể hiện chân thực và xúc động; tôn trọng hiện thực đến mức tối đa.

Câu chuyện về một người hát ở các đám ma trong Người đưa linh của Trương Vũ Quỳnh là câu chuyện có ở bất cứ nơi nào trong làng quê Việt Nam. Nhưng nó không dừng ở đó. Phim của Trương Vũ Quỳnh nói đến một điều sâu xa hơn: dù đứng bất kỳ chiến tuyến nào, sống trong đời sống có thể giết chóc và thù hận..., nhưng cái chết luôn làm cho con người xích lại gần nhau dù cuộc sống vốn nhiều trắc ẩn.

Một buổi tối trong thành phố tấp nập, những người đàn bà nối nhau trở về một khu trọ chật chội. Một đoàn tàu chở những người đang trở về nhà sầm sập lao đi, bên cạnh nó một người phụ nữ lẻ loi với những bước chân rã rời sau một ngày làm việc nặng nhọc đang ngược chiều, xa dần vào đêm... Người phụ nữ làm nghề mua bán ve chai là hình ảnh chúng ta thường gặp và không ít lần nói đến, nhưng phim Má lên thành phố của Trần Thị Cúc Phương không chỉ đơn thuần kể câu chuyện một phụ nữ nông dân để lại ruộng vườn và hai đứa con cùng người chồng bệnh tật ở một miền quê nghèo Quảng Ngãi để lên thành phố mưu sinh. Từ sâu thẳm tâm hồn, nữ đạo diễn này đã chia sẻ với người xem một thông điệp: Ở bất cứ hoàn cảnh nào, khi mỗi buổi tối, thời gian của gia đình, của vợ chồng, nếu một người phụ nữ phải rời xa ngôi nhà và các con của mình thì thật là bất ổn.

Hạnh phúc giản đơn của Nguyễn Minh Kỳ, Qua sông của Nguyễn Minh Sơn, Thầy mõ của Dương Mộng Thu, Bọn trẻ ngày nay của Hoàng Tùng... lại là những góc nhìn khác về cuộc sống, góc nhìn chứa đựng cả tấm lòng của tác giả và họ muốn chia sẻ cùng mọi người trong thông điệp của mình.

Chuyện của chúng ta

Sau ít nhất 4 năm trau dồi kiến thức ở trường đại học, thông thường mỗi người may ra chỉ làm được một công việc nào đó được học và được giao; nhưng chỉ với 3 tháng, giảng viên của Hiệp hội Điện ảnh Antelies Vanran đã biến các học viên thành người có thể tự làm lấy phim của mình. Đó là điều chúng ta cần nói đến.

Cách đào tạo của Vanran là chia sẻ cảm xúc và niềm đam mê với người khác, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế, học viên tự rút ra bài học từ chính những lần trực tiếp thực hành của mình. Khả năng sáng tạo và cảm xúc của cả hai phía được tôn trọng tối đa.

Nhiều người không lạ gì với cụm từ phim tài liệu điện ảnh trực tiếp nhưng thói quen và sự bằng lòng đã giết chết sự sáng tạo, và vì thế, người xem cứ phải ăn lại món ăn mà mình đã chán: hình ảnh cứ chạy và lời bình cứ đọc.

Niềm đam mê được chia sẻ nhưng chia sẻ bằng cách nào, đó là điều mà các nhà làm phim, các cơ quan truyền thông cần phải suy nghĩ. 4 đến 6 tuần cho mỗi người thực hiện một bộ phim tài liệu điện ảnh trực tiếp, để mỗi người có một bộ phim hay, một món ăn ngon cho công chúng, đó là điều kỳ diệu!

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.