3 vở diễn hay trên sân khấu kịch

05/09/2005 21:35 GMT+7

Tại TP.HCM, không hẹn mà cùng một lúc 3 sân khấu Kịch Sài Gòn, Kịch Phú Nhuận, Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM ra mắt 3 vở diễn cùng có đề tài tình yêu. Mỗi vở thể hiện tình yêu ở một góc độ...

 

Lãng mạn nhất là Chuyện tình mùa thu của Kịch Phú Nhuận (tác giả Sĩ Hanh, đạo diễn Đức Thịnh). Nội dung như một lời cảnh báo cho những người trẻ đang chập chững bước vào đời. Vở kịch có hoa, có lá vàng, có dòng sông, có âm nhạc làm cầu nối, và người ta mơ mộng đủ thứ về tương lai. Nhưng, chỉ cần một chút vội vã và toan tính thôi, tương lai ấy sẽ bị đứt đoạn. Như Thu Hương, cô nữ sinh trường múa đầy tài năng, đành ôm đứa con không cha. Còn bác sĩ Hải, người yêu của cô, phụ rẫy cô để lấy con gái giám đốc bệnh viện và nhờ đó được đi du học. Nhưng rồi bí mật vỡ lở, anh bị đuổi học và không được vợ lẫn người yêu tha thứ.

 

Ngôi nhà của những linh hồn (tác giả Ngọc Linh, đạo diễn Ái Như) tại Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B Võ Văn Tần) lại nói về tình yêu của tuổi trung niên sau khi đã bước vào cuộc sống hôn nhân. Gia đình là tổ ấm, đồng thời cũng là nơi thử thách sự chịu đựng của con người. Không còn lãng mạn nữa, mà người ta sống thực tế hơn, thậm chí quên cả kỷ niệm ngày cưới. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ bớt yêu nhau. Chính những ghen tuông, giận hờn vô lối, đặc biệt của phụ nữ, là một thứ axít phá hủy hạnh phúc. Bà Uyên khi chết đi, mới ân hận tại sao lúc còn sống mình lại quá quắt với chồng. Nhưng đã muộn, và những linh hồn như bà đau khổ tột cùng bởi không còn cơ hội để yêu thương nhau. Thật ra, không đợi đến khi "tử biệt", chỉ cần trải qua những giờ khắc "sinh ly" thôi, người ta sẽ thấm thía điều này.

 

Và tình yêu trong Trai nhảy (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn NSƯT Trần Ngọc Giàu) lại cảnh báo về thứ tình yêu của tuổi xế chiều, rất dễ lạc lối và thua thiệt. Như bà Loan và bà Sương, đều quá cô đơn nên đi vào vũ trường với ý định thư giãn chốc lát, không ngờ bị những gã trai làm tiền gài bẫy, đến quên cả gia đình, con cái. Những đứa con đau khổ, nhục nhã, phải đi tìm cái chết mới làm cha mẹ tỉnh ngộ. Đây là một thực tế có thật trong xã hội mà ít ai dám phơi bày. Kịch Sài Gòn đã thể hiện rất nghiêm túc, không sa vào tiếng cười dễ dãi, trái lại người xem còn phải rơi nước mắt với những lớp diễn của Lê Giang trong vai đứa con.

 

Ngôi nhà của những linh hồn đã khôi phục lại hoàn toàn không khí đẹp và trang trọng của Sân khấu nhỏ 5B một thời. Lung linh và tinh tế, vở diễn tiếp cận khán giả từ góc độ rất gần, rất dễ đồng cảm. Cách dàn dựng của Ái Như vừa nữ tính vừa sinh động, cuốn hút người xem. Điều đó làm người xem chợt nhận ra một điều: hình như sàn diễn này là nơi rất thành công với những gì tinh tế, chân thật... Còn Chuyện tình mùa thu làm nên một "tông" màu lạ hẳn so với không khí kịch Phú Nhuận từ trước đến nay. Không cần những kỹ xảo hài câu khách, vở kịch vẫn lấy được tiếng cười của khán giả. Hơn thế nữa, chúng ta còn có thể cảm nhận sâu sắc từng biến chuyển tâm lý của nhân vật.

 

Với những vở diễn gần đây, cả hai sân khấu 5B và Phú Nhuận đã một lần nữa khẳng định lớp trẻ như Mỹ Uyên, Ngọc Trinh, Hòa Hiệp, Thanh Thúy, Thanh Vân... đủ sức thay thế các bậc đàn anh, đàn chị. Có kịch bản hay, đạo diễn nghiêm túc, sáng tạo, họ sẽ bộc lộ tài năng.

 

Hoàng Kim

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.