67 năm Cách Mạng tháng 8: Về khoảng “chân không chính trị” tháng 8.1945

20/08/2012 03:15 GMT+7

Tháng 8.1945, khi toàn dân Việt Nam nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, các lực lượng chính trị và cả các lực lượng quân sự tại đây vẫn còn nguyên và tiếp tục những cố gắng của mình.

Nhưng cuối cùng Hồ Chí Minh và Việt Minh đã thắng.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” tổ chức tại Hà Nội (ngày 12 và 13.5.2010), trong tham luận “Những bức ảnh biết nói” của mình, nhà nghiên cứu - nhà báo Mỹ Lady Borton viết: “Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Việt Minh đã nhanh chóng tận dụng khoảng chân không chính trị sau sự kiện Nhật Bản đầu hàng vào tháng 8.1945”. Tuy nhiên, khi trao đổi thêm với các nhà nghiên cứu Việt Nam, bà Lady Borton cũng thừa nhận rằng: Khi nhân dân Việt Nam nổi dậy giành chính quyền, các lực lượng chính trị và quân sự tại đây vẫn còn nguyên và tiếp tục những cố gắng của mình.

Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, lực lượng Nhật ở Đông Dương vẫn còn khoảng 100.000 quân với đầy đủ vũ khí, trang bị. Các đơn vị quân Nhật vẫn đóng nguyên tại các vị trí phòng thủ của mình. Cho dù đã không còn ý chí chiến đấu nhưng hai quân đoàn Nhật chỉ tuân lệnh từ cấp trên của họ và là một đối thủ mạnh với bất cứ lực lượng nào định tấn công bằng vũ lực. Trong thời điểm nhạy cảm đó, quân Nhật vẫn có thể nổ súng vào lực lượng khởi nghĩa với nhiều lý do: để tự vệ, để giữ gìn trật tự tại nơi đóng quân chờ quân Đồng minh tới giải giáp...

Ở Hà Nội, sáng ngày 19.8.1945 khi lực lượng khởi nghĩa tới chiếm trại Bảo an binh và thu vũ khí của quân đội chính quyền Trần Trọng Kim ở đây, Bộ Chỉ huy quân Nhật đã đưa xe tăng và binh lính tới uy hiếp, đòi thu vũ khí của quân khởi nghĩa. Những người chỉ huy cuộc khởi nghĩa đã tiếp xúc với Bộ Chỉ huy quân Nhật và thương lượng thành công để giải tỏa cuộc bao vây, tránh được cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra. Việc tránh được xung đột với quân đội Nhật được đánh giá là một thắng lợi quan trọng của cuộc khởi nghĩa tại Hà Nội.

 
Nhà nghiên cứu, nhà báo Lady Borton phát biểu tại hội thảo Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay - Ảnh: Ngô Vương Anh

 
Nhân dân Hà Nội giành chính quyền trong ngày 19.8.1945 - Ảnh Tư liệu

Cho đến ngày 19.8.1945, chính phủ thân Nhật của người Việt Nam do ông Trần Trọng Kim đứng đầu (thành lập từ ngày 17.4.1945) vẫn tồn tại và hoạt động. Nhiều đảng phái và tổ chức chính trị khác cũng nhận thức được cơ hội đang đến và gấp rút chạy đua trong nỗ lực xúc tiến những hoạt động giành địa vị chính trị cho mình. Nhưng cuối cùng Hồ Chí Minh và Việt Minh đã thắng.

Việt Minh được thành lập theo sáng kiến của Hồ Chí Minh (5.1941) - từ khi Nhật còn chưa tham chiến - và liên tục phát triển trên địa bàn ngày càng rộng. Đây là tổ chức tập hợp được đông đảo quần chúng nhất, hơn bất cứ tổ chức nào khác ở Việt Nam khi đó, và đã tuyên bố (từ rất sớm) đứng về phía Đồng minh trong cuộc chiến đấu chống phát xít. Khi viết về thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, nhà sử học Pháp Philippe Devillers, trong cuốn sách Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952 nhận định: “Nó còn là kết quả logic của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước”.

Để có được một cuộc tổng khởi nghĩa toàn dân giành chính quyền trọn vẹn, nhanh gọn và tổn thất ở mức tối thiểu về xương máu trong nửa cuối tháng 8.1945 tại Việt Nam, không thể không nhắc đến và nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo cao nhất và xuất sắc nhất: Hồ Chí Minh.

Một học giả nước ngoài đã bình luận về vai trò Hồ Chí Minh trong cuộc cách mạng này: “...những đánh giá như vậy (với xu hướng hạ thấp ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 - N.V.A) không thể che giấu sự thật rằng cuộc Cách mạng Tháng Tám là một thành tựu phi thường... trong khi những nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa khác bằng lòng ở lại nam Trung Quốc và đợi đến khi quân Nhật bị quân Đồng minh đánh bại, ông Hồ và các đồng sự của ông mới chứng tỏ khả năng có thể đối phó với thách thức và đặt cả thế giới trước sự đã rồi” (1). Trao đổi thêm với các nhà nghiên cứu Việt Nam tại hội thảo, bà Lady Borton cũng cho rằng: Hồ Chí Minh là người cách mạng Việt Nam nhận được thông tin sớm nhất về việc quân Nhật đầu hàng Đồng minh. Hồ Chí Minh nhận tin này qua radio và ông đã hành động rất kịp thời.

Những lời bình luận này cũng phần nào nói lên được những nỗ lực của nhân dân Việt Nam dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Việt Minh, của Hồ Chí Minh trên con đường đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc mình. Với lực lượng đông đảo được tập hợp và rèn luyện đấu tranh trong tổ chức Việt Minh, với một lãnh tụ dẫn đường xuất sắc, nhân dân Việt Nam đã đứng lên tự giải phóng mình chứ không hề ngồi yên trông mong, chờ đợi một “khoảng trống quyền lực” hay một khoảng “chân không chính trị” nào. Họ đã đón đúng và tận dụng triệt để thời cơ lịch sử ngàn năm có một để giành thắng lợi trọn vẹn.

Ngô Vương Anh

(1) W.Duiker - Hồ Chí Minh - Hyperion, Newyork, 2000 - Bản dịch của Phòng Phiên dịch Bộ Ngoại giao, tr.332

>> Tổng khởi nghĩa tháng tám ở Sài Gòn - Nhớ Thanh niên Tiền phong
>> Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày báo chí cách mạng
>> Khắp nơi mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
>> Báo cáo hoạt động di tích cách mạng kháng chiến tại Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.