Album truyền thống bất ngờ nổi trội

22/01/2018 06:12 GMT+7

Sau thời gian gần như lép vế trước sự bùng nổ thị trường nhạc số, khoảng cuối năm 2017 - đầu 2018, thị trường băng đĩa bỗng sôi động trở lại với việc ra mắt hàng loạt album truyền thống được đánh giá là chất lượng.

Giá thành cao vẫn bán chạy
Nhiều ca sĩ không hẹn mà gặp cùng ra mắt album truyền thống trong thời gian gần đây, sau nhiều năm không làm CD nào, như Hồng Nhung (gần 7 năm), Mỹ Linh, Khánh Ngọc (sau 6 năm), Tiêu Châu Như Quỳnh (5 năm), Mỹ Tâm, Hoàng Bách (sau 4 năm), Uyên Linh (3 năm)… Bên cạnh đó, album của những cái tên bán đĩa được và ra CD khá đều như Phi Nhung, Lệ Quyên, Hà Vân, Đức Tuấn… lẫn những gương mặt mới như Rocker Nguyễn, Hồ Văn Cường… cũng được phát hành trong dịp này, tạo nên sức sống mới cho thị trường băng đĩa giữa thời lên ngôi của thị trường nhạc số. Trong năm 2018, được biết nhiều ca sĩ trẻ cũng có kế hoạch ra mắt album sau thời gian “tung hoành” ở các bảng xếp hạng âm nhạc online như Noo Phước Thịnh, Trúc Nhân, Tóc Tiên, Bích Phương…; nhạc sĩ Phạm Hải Âu sẽ giới thiệu album nhạc jazz do chính anh sáng tác ở 3 định dạng MP3, CD, vinyl.
Đa số những CD vừa phát hành đều được nghệ sĩ dành nhiều tâm sức đầu tư, từ việc chờ đợi các nhạc sĩ/nhà sản xuất có những bài hát ưng ý, những bản hòa âm hay nhất hoặc chờ đợi để có nhiều trải nghiệm hơn khi thể hiện lại những bài hát đã quá nổi tiếng. Ví như ca sĩ Hồng Nhung, khi ra mắt Phố à phố ơi - mang đến những câu chuyện về Hà Nội xưa và nay, chị thổ lộ đã mất hơn 3 năm để chờ nhà sản xuất Hoài Sa thực hiện đĩa nhạc mà chị tâm huyết; và trong đĩa này, có những ca khúc được 3, 4 nhạc sĩ hòa âm để chị chọn cho mình “bản đẹp” nhất. Trong khi đó, với album Trịnh Công Sơn của Lệ Quyên, nữ ca sĩ chia sẻ phải sau 20 năm ca hát, mới can đảm thực hiện đĩa nhạc này. Lệ Quyên cho hay cô đã hát nhạc Trịnh ở những quán cà phê nhỏ tại Hà Nội thời sinh viên và phòng trà của mình sau này, “để tập luyện, để chín muồi cảm xúc và để hát sao cho nhẹ nhàng, thư thả nhất”.
Điều đáng nói, những đĩa nhạc phát hành giai đoạn này đều có giá thành khá cao, trung bình khoảng 300.000 đồng trở lên, nhưng số lượng tiêu thụ cũng nhanh bất ngờ. Đơn cử như album Vol.9 của Mỹ Tâm, sau 1 ngày ra mắt đã bán được hơn 5.000 CD. Đến nay, hơn 1 tháng ra mắt, phía ca sĩ cho biết đã tái bản 2 lần và dự kiến con số tiêu thụ sẽ nâng lên hơn 20.000 bản. Còn album của Lệ Quyên, trong ngày đầu phát hành đã tiêu thụ 4.000 đĩa, album Chat với Mozart 2 của Mỹ Linh (gồm 2 định dạng: CD và đĩa than - LP) cũng được cô vui mừng chia sẻ: đĩa LP đã được đặt hàng trọn gói hết 1.000 chiếc trước khi phát hành.
Lý giải hiện tượng này, biên tập âm nhạc Minh Đức cho rằng: “Khi thị trường số đông bão hòa, người ta sẽ tính đến thị trường ngách - những nhóm tiêu thụ đặc biệt, khán giả đặc biệt, sẵn sàng bỏ tiền mua. Đó là lý do vì sao giá thành CD khá cao vẫn bán chạy”.
Dù online hay truyền thống, khán giả đều “lợi”
Biên tập âm nhạc Minh Đức nhận định, những ca sĩ ra album đều và vẫn bán tốt như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên hay Hà Vân (với những CD nhạc xưa), họ vừa có fan ủng hộ, lại được đối tượng người nghe lớn tuổi (có kinh tế ổn định) “bảo lưu” sở thích nghe CD truyền thống. Về sự “trở lại” ngoạn mục của album truyền thống, theo Minh Đức: “Quan trọng là phải hiểu thị trường”. Anh cho rằng việc tổ chức showcase như Mỹ Tâm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng là cách quảng bá tốt, nó làm người ta hứng thú bỏ tiền mua CD ngay lúc đó hơn là đi mua tại cửa hàng băng đĩa.
Ở góc độ sản xuất, nhạc sĩ Phạm Hải Âu “rất mừng khi thấy dấu hiệu khởi sắc của thị trường băng đĩa”. “Bản thân tôi 1, 2 năm vừa qua cũng làm đĩa cho rất nhiều ca sĩ như Ngọc Anh, Tô Minh Đức, Nguyên Hà và gần đây nhất là Uyên Linh. Tôi say mê công việc này vì tôi hiểu cảm giác của một người cầm chiếc đĩa yêu thích trên tay, ngắm nghía bìa đĩa và từng trang thiết kế, đánh giá sự tổng hòa của ý tưởng, đọc giới thiệu từng cá nhân tham gia…, rồi đưa nhẹ chiếc đĩa vào đầu máy và thưởng thức. Cảm giác đó bạn như một người nghe và cũng như một nhà thẩm định mà ở nhạc số sẽ không có được trọn vẹn”, Hải Âu nói. Không chỉ vậy, sau khi thưởng thức, chiếc đĩa vẫn còn một giá trị đẹp đẽ không kém là giá trị sưu tập. Đặc biệt, theo anh, “khi nhạc số lên ngôi, một thị trường băng đĩa đã phải chết - đó là thị trường băng đĩa lậu. Hiện nay, cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, internet, mạng xã hội, việc bán đĩa đã dễ dàng hơn rất nhiều”.
Khá bất ngờ trước làn sóng CD truyền thống hiện tại, ca sĩ Hoàng Bách cho rằng có lẽ âm nhạc bắt đầu có vòng quay mới: nghệ sĩ thực sự muốn đầu tư nhiều hơn cho một sản phẩm, từ sản phẩm chú trọng hình ảnh đến sản phẩm đầu tư về âm thanh, âm nhạc. “Những ai tập trung hình ảnh sẽ tiếp tục đầu tư tốt hơn cho sản phẩm hình ảnh, phát hành online; ai đầu tư âm thanh, âm nhạc sẽ càng chỉn chu hơn cho sản phẩm của mình. Và dù CD truyền thống hay online, thị trường lẫn khán giả đều được hưởng lợi”, anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.