Ảnh thầy tôi nhìn từ những kỷ niệm

05/10/2012 03:05 GMT+7

(Tiếp theo Thanh Niên thứ năm số 278 ngày 4.10) Trong số ảnh thầy (bố) tôi chụp chung với gia đình, tôi còn giữ được nhiều kỷ niệm nhất với một bức. Đó là bức ảnh thầy tôi chụp chung với mẹ tôi, tôi và cậu em út vào dịp Tết Nguyên đán năm 1956.

(Tiếp theo Thanh Niên thứ năm số 278 ngày 4.10)

Trong số ảnh thầy (bố) tôi chụp chung với gia đình, tôi còn giữ được nhiều kỷ niệm nhất với một bức. Đó là bức ảnh thầy tôi chụp chung với mẹ tôi, tôi và cậu em út vào dịp Tết Nguyên đán năm 1956.

Bức ảnh này đã được nhà biên khảo Vu Gia đưa vào cuốn Phan Khôi - Tiếng Việt, Báo chí và Thơ mới, ở trang 251, với sự hỗ trợ của em gái tôi. Đấy là thời gian chúng tôi vừa mới chân ướt chân ráo từ Quảng Nam tập kết ra Bắc. Hai anh em tôi đang theo học ở hai  trường Học sinh miền Nam khác nhau tại Hà Đông cùng về nghỉ tết với gia đình. Còn mẹ tôi, sau thời gian theo đoàn cán bộ miền Nam tập kết tham quan cải cách ruộng đất cũng từ Thanh Hóa ra. Lúc này bà vừa được cơ quan Hội Văn nghệ phân công về ở hẳn với thầy tôi để chăm lo bữa ăn và săn sóc sức khỏe cho ông, thay chỗ người cần vụ mới nghỉ hưu. Vào một buổi sáng cận tết, ông bảo mẹ con tôi ăn mặc tề chỉnh, sửa sang đầu tóc rồi theo ông ra hiệu ảnh Hoàng Hải, chỗ ngã tư đường Trần Hưng Đạo và Hàng Bài, gần rạp Tháng Tám, chụp ảnh.

 

 Phan Khôi chụp chung với gia đình tại Hà Nội (năm 1956)
Phan Khôi chụp chung với gia đình tại Hà Nội (năm 1956)

Trong ảnh, ông và tôi ngồi hàng trên còn mẹ tôi và cậu em ngồi hàng dưới. Vào thời điểm đó, thời tiết ở Hà Nội đã rất lạnh. Ông mặc com lê, thắt cà vạt, chân đi giày, một tay khoác qua vai tôi như muốn ôm lấy, một cử chỉ mà từ bé cho tới lúc đó, tôi mới lần đầu tiên nhận được từ ông. Nhìn da dẻ đỏ đắn, săn chắc của ông lúc này, khó có thể tin là hồi ở Việt Bắc ông lại có thể gầy yếu, tiều tụy đến như thế! Thế mới biết niềm vui đoàn tụ và bàn tay chăm sóc của người vợ tảo tần cần thiết đối với ông tới mức nào. Trong ảnh, trông ông vẫn nghiêm nghị, nhưng rõ ràng là vui hơn rất nhiều. Mà vui là phải! Vì trước đó mấy tháng Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn ông bắt đầu dịch từ hồi còn ở Việt Bắc đã được trình làng. Và cũng sáng hôm ấy, ông đã thảo xong thư trả lời cho một nhóm sinh viên Hà Nội hỏi về một chỗ trong bản dịch của ông. Tôi là đứa được đọc bản thảo lá thư ấy, sau lại còn được ông sai chép lại trước khi gửi đi nên tôi nhớ khá rõ. Họ nêu đoạn “một cái áo vải tây điều trẻ con, còn khá mới, chỉ bằng cái giá ba quan mỗi quan chạm chuổi tám đồng” trong bản dịch A.Q chính truyện của thầy tôi rồi đem đối chiếu với bản dịch của nhà văn Đặng Thai Mai và nêu thắc mắc: Tại sao dịch như ông Đặng thì họ hiểu được, còn dịch như thầy tôi thì họ không hiểu? Trong thư trả lời, thầy tôi không nhắc gì tới bản dịch của ông Đặng mà chỉ cho biết lý do vì sao ông dịch như thế. Ông giải thích kỹ lắm nhưng giờ đây tôi chỉ còn nhớ được lõm bõm. Ông nói: “dịch như vậy là để cho sát với cách tiêu tiền hồi xưa của người mình và cũng để thêm một cách nói cho tiếng ta”. Về cuối, ông mới chỉ ra một chi tiết được nhóm sinh viên trích để hỏi, ông bảo: dịch vải sa là không được vì “vải” là “vải”, mà “sa” là “sa”; hai thứ khác nhau xa, không thể gộp mà dịch là vải sa được. Hồi này ông cũng vừa hoàn thành tập bản thảo Quà Việt Bắc dày gần hai trăm trang in, chỉ còn chờ gửi nhà xuất bản nữa là xem như trả xong món nợ mà ông tự hứa với đồng bào Hà Nội.

Trong số ảnh hồi sang Trung Quốc dự lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn, ảnh ông với bà Hứa Quảng Bình - Lỗ Tấn phu nhân là lạ và gây nhiều ấn tượng nhất. Ông mặc com lê, thắt cà vạt, ngoài khoác ba đơ xuy; tay phải cầm mũ và ba toong có từ hồi còn ở Việt Bắc, mắt nhìn thẳng, vừa theo phép lịch sự vừa như để giữ một khoảng cách với vợ một nhà văn hóa lớn mà từ lâu ông đã kính trọng và ngưỡng mộ. Còn bà mặc váy, trông trẻ hơn nhiều so với tuổi năm mươi tám, đầu tựa hẳn vào vai phải ông, tin tưởng như với một người bạn lớn hay với người anh cả vậy! Tôi chắc là bà vừa nghe xong bài diễn văn của Phan Khôi, với những hiểu biết cặn kẽ, sâu sắc về sự nghiệp văn chương của Lỗ Tấn, nhất là những tình cảm nồng hậu mà ông dành cho nhà văn trong bài thơ chữ Hán cuối cùng của ông có tên là Tụng Lỗ Tấn mà ông vừa đọc trong lễ tưởng niệm.

Trong số ảnh thầy tôi để lại mà chúng tôi còn giữ được, phải kể đến bức ảnh ông chụp vào cuối đời. Đó là ảnh chân dung dùng cho chứng minh thư, chụp vào giữa năm 1958, trước lúc ông mất chừng nửa năm. Bức ảnh này xuất hiện lần đầu trên tạp chí Xưa & Nay số 342, tháng 10.2009 cùng với bài Sự khả kính của bậc thức giả của Phan An Sa; sau đó đã được nhiều tờ báo và tạp chí khác đăng lại, trong đó có Báo Thanh Niên số Xuân Nhâm Thìn, với bài Điều ít biết về Phan Khôi và Nhất Linh của Trương Điện Thắng. Có lẽ đây là bức ảnh ghi lại đúng nhất từng nét của thầy tôi trong những ngày cuối đời. Tuềnh toàng trong ăn mặc: trong áo ta, ngoài vét tông; không cà vạt, chẳng là ủi, khác hẳn với cách ăn mặc lúc nào cũng tề chỉnh, tươm tất của thầy tôi. Mặc kệ trong xử thế: Ai muốn nói gì thì nói, viết gì thì viết. Bởi nói gì, viết gì ông đều đã đoán biết trước cả rồi! Trừ khi ngồi vào bàn làm việc như mặt trời chiều còn cố hắt những tia nắng cuối ngày trước khi sắp tắt, thời gian còn lại ông chỉ muốn được nằm một mình, lặng thinh hết giờ này tới giờ khác trong căn phòng rộng chừng mười mét vuông dành cho vợ chồng ông tại số nhà 73 phố Thuốc Bắc - Hà Nội.

Phan Nam Sinh

>> Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1930 
>> Ảnh thầy tôi nhìn từ những kỷ niệm 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.