Ảo thuật thiếu... kỹ thuật

02/01/2013 03:20 GMT+7

Tại Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 2, sự tôn vinh thông qua các giải thưởng được trao chưa đủ để khuyến khích nghệ sĩ sáng tạo theo khuynh hướng thế giới, đặc biệt là kỹ thuật trình diễn.

Khi nghệ sĩ trẻ Lê Tuấn Anh bước vào sân khấu liên hoan, sự lịch lãm trong bộ trang phục và duyên dáng trong từng động tác của anh đã khiến khán giả dễ dàng có thiện cảm. Trên nền nhạc êm dịu, nghệ sĩ làm bay bổng chiếc bàn, đưa khán giả (phần lớn là trẻ em) bước vào một thế giới cổ tích. Phần hai của tiết mục lại rộn ràng nhịp chiêng của đồng bào Tây nguyên. Các nghệ sĩ mở ra một không gian nhuần nhị với âm nhạc và phục trang vùng cao nguyên, phả một hơi thở khác vào tiết mục ảo thuật.

 Ảo thuật gia Lê Tuấn Anh với tiết mục được đánh giá cao về dàn dựng cũng chỉ dừng chân ở giải bạc
Ảo thuật gia Lê Tuấn Anh với tiết mục được đánh giá cao về dàn dựng cũng chỉ dừng chân
ở giải bạc - Ảnh: Toan Nguyễn

Là môn nghệ thuật “tự vượt khó” khi ít có đầu tư, việc các nghệ sĩ chỉ chăm chăm bắt chước kỹ thuật mà quên đi sự “yểu điệu, tính thẩm mỹ” của tiết mục là xu hướng khó tránh. Vì thế, một nghệ sĩ như Lê Tuấn Anh - tự mày mò học và biên tập âm nhạc, mời biên đạo múa góp ý cho tác phẩm của mình không những khó tìm mà còn đáng khích lệ.

Tuy nhiên, các giải thưởng được trao cho thấy sự khuyến khích này chưa đủ để tạo thành một khuynh hướng biểu diễn mới. Bởi các tiết mục được đánh giá cao về nghệ thuật, cao nhất cũng chỉ đoạt giải bạc mà thôi. Tiết mục của Lê Tuấn Anh đứng đầu giải bạc, kèm thêm giải khán giả yêu thích. Tiết mục mang âm hưởng Ai Cập của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng chỉ đoạt giải phụ về biểu diễn nghệ thuật. Những khuyến khích này trở nên quá nhỏ nhoi về tỷ lệ so với 3 giải vàng, 3 giải bạc cùng 7 giải khuyến khích khác.

Trong khi đó tại buổi họp báo tiền liên hoan, Chủ tịch Hội đồng giám khảo - TS Hoàng Minh Khánh - từng cho biết sẽ chú ý đến “khuynh hướng dàn dựng nghệ thuật chứ không chỉ chấm trò ảo thuật”. Trên thực tế, xu hướng ngày càng đề cao nghệ thuật dàn dựng cũng là điều các liên hoan ảo thuật trên thế giới chú trọng. Theo NSND Vũ Ngoạn Hợp, Liên hoan ảo thuật quốc tế mới đây cũng đã trao giải cho một trò diễn từ thế kỷ 18, song được dàn dựng mới hơn, đẹp đẽ hơn.

Bản thân ông Khánh, khi trao đổi bên lề liên hoan lần này cũng từng chia sẻ, chất lượng dàn dựng của liên hoan “chưa được như mong đợi”. Do vậy, nhìn lại các giải thưởng được trao công chúng có quyền nghi ngờ liệu có thực sự tiêu chí nghệ thuật được đề cao?

Giải vàng của liên hoan được trao cho 3 tiết mục là: Chim bồ câu, cắt người của nghệ sĩ Hải Thanh, Thu Sáu - Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Đổi váy của nghệ sĩ Nguyễn Thị Tuyết và Phạm Thị Mỹ Hạnh - Đoàn xiếc TP.HCM; Thoát hiểm 24 mũi chông của nghệ sĩ Trần Định - Đoàn nghệ thuật Vũng Tàu.

Ngô An

>> Ảo thuật không nhất thiết phải hở hang
>> Xem lưng ảo thuật
>> Đìu hiu liên hoan ảo thuật
>> Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc lần 2
>> Sự dũng cảm của ảo thuật
>> Ảo thuật miễn phí
>> Tiến sĩ ảo thuật
>> Cơ hội phát triển ảo thuật
>> Ảo thuật Việt về đâu? - Chuyển giao thế hệ
>> Ảo thuật Việt về đâu? - Nghề lận đận
>> Ảo thuật Việt về đâu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.