Ba báu vật quốc gia của Huế

08/02/2012 11:18 GMT+7

Ngày 7.2, TS Phan Thanh Hải - Phó GĐ Trung tâm BTDTCĐ Huế - cho biết, Huế có 3 trên 10 nhóm hiện vật có lập hồ sơ được Hội đồng Di sản quốc gia công nhận là báu vật quốc gia gồm: Cửu vị thần công, cửu đỉnh và đại hồng chung tại chùa Thiên Mụ.

Ngày 7.2, TS Phan Thanh Hải - Phó GĐ Trung tâm BTDTCĐ Huế - cho biết, Huế có 3 trên 10 nhóm hiện vật có lập hồ sơ  được Hội đồng Di sản quốc gia công nhận là báu vật quốc gia gồm: Cửu vị thần công, cửu đỉnh và đại hồng chung tại chùa Thiên Mụ.

Cửu vị thần công là tên gọi của chín khẩu súng đại bác được đúc dưới thời Vua Gia Long. Trong hàng chục khẩu súng thần công bằng đồng được đúc dưới thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn, chín khẩu súng đúc thời Gia Long có kích thước lớn nhất và được trang trí đẹp nhất.

Sau khi lên ngôi hoàng đế, Vua Gia Long hạ lệnh tập trung các khí mảnh bằng đồng tịch thu được của triều đại trước đem nấu chảy và đúc thành 9 khẩu súng lớn để “làm kỷ niệm muôn đời”. Quốc sử triều Nguyễn cho biết, bộ đại bác này được đúc tại Huế trong vòng 12 tháng, từ tháng 2.1803 đến tháng 1.1804. Lính thợ ở bộ Công và binh sĩ ở bộ Binh tiến hành công việc này.

Tên mỗi khẩu đại bác được đặt trước, gọi theo tên bốn mùa (tứ thời) trong năm là xuân, hạ, thu, đông và năm yếu tố tự nhiên (ngũ hành) là: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; rồi khắc thành chữ ở nuốm từng đuôi súng.

Năm 1816, chín khẩu súng này còn được triều đình Gia Long tặng thêm tên mới là “Thần oai Vô địch Thượng tướng công Cửu vị”. Bảy chữ đều được khắc trên mỗi khẩu súng.

 
Cửu vị thần công - một trong ba báu vật quốc gia của Huế - Ảnh: H.V.M

Chín cỗ súng thuở trước được đặt ở lũy ngoài kinh thành, lui về phía trái Ngọ Môn. Sang đầu thế kỷ 20 thì chúng được chuyển vào bên trong, xếp thành hai nhóm. Nhóm bên tả xếp phía sau cửa Thể Nhơn gồm 4 khẩu, được đặt tên theo 4 mùa: Xuân - hạ - thu - đông; nhóm bên hữu xếp phía sau cửa Quảng Đức gồm 5 khẩu, được đặt tên theo ngũ hành: Kim - mộc - thuỷ - hỏa - thổ.

Đại hồng chung chùa Thiên Mụ được đúc từ thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (năm 1710) để cúng cho ngôi Quốc tự, nặng hơn 2.000kg, hiện đặt tại chùa Thiên Mụ. Chuông này cũng đã xưa đến gần 300 năm.

Chuông lớn và đẹp, cao 2,5m, đường kính miệng 1,40m, nặng 1.986kg. Trên chuông có khắc bài minh của Chúa Nguyễn Phúc Chu “chú nguyện mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an”. Chuông này hiện nay chỉ được đặt như một pháp khí của chùa mà không đánh. Hoa văn trình bày trên chuông rất phong phú, trình độ mỹ thuật cao.

Những nhóm chấm trình bày mỹ thuật, cành lá uốn tiếp theo nhau như những đợt sóng lượn. Các môtíp long phụng rất linh động, có bốn con rồng quẫy mình, bốn con phượng bay đuôi rất dài. Tiếng của đại hồng chung này đã ngân vang trên đô thành Phú Xuân từ năm 1710 cho đến năm 1815 thì được chuông Gia Long thay thế. Chuông đã trở thành bảo vật của Phật giáo Thuận Hoá.

Cửu đỉnh là một công trình nghệ thuật bằng đồng có giá trị nhất tại Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Tất cả đều được đúc ở Huế vào cuối năm 1835, hoàn thành vào đầu năm 1837, dùng làm biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ triều đại mãi vững bền. Mỗi đỉnh có khắc một tên riêng bằng chữ Hán, tên được lấy từ miếu hiệu (tên để thờ cúng) của một vị vua nhà Nguyễn. Cái đỉnh đó được xem là biểu tượng của vị vua đó.

Kích thước và trọng lượng các đỉnh không giống nhau. Cao đỉnh cao 2,5m, nặng 2.601kg - là đỉnh cao và nặng nhất. Huyền đỉnh cao 2,31m, nặng 1.935kg - là đỉnh thấp và nhẹ nhất. Quanh hông mỗi đỉnh đều chạm trổ 17 cảnh vật. Có tới 153 cảnh vật được chạm nổi trên cửu đỉnh. Đó là các hình ảnh: Núi, sông, trăng, sao, cây cối, hoa, súc vật, vũ khí, xe, thuyền v.v... Có thể xem  153 bức chạm khắc ấy là 153 bức tranh. Ta sẽ thấy sông Hồng trên Tuyên đỉnh, sông Cửu Long trên Huyền đỉnh, sông Hương trên Nhân đỉnh.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.