Bánh dân gian trong đời sống Việt

11/04/2017 12:29 GMT+7

Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ 6 - 2017 là dịp đưa mọi người trở về với bánh dân dã, thời khẩn hoang mở đất của ông cha.

Cội nguồn bánh quê
Nhà nghiên cứu bánh dân gian Nhâm Hùng, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Tây Đô, kể rằng trong cuộc Nam tiến khẩn hoang mở đất năm xưa, ông cha ta còn mang theo cả hành trang văn hóa ẩm thực. Bánh tét Nam bộ có cội nguồn từ bánh chưng của làng quê Bắc bộ bao đời. Bánh khoái ngoài Huế khi dịch chuyển vào Nam biến tấu thành bánh xèo quen thuộc. Bánh đa miền Bắc và bánh tráng trong Nam có nhiều điểm tương đồng. Người Chăm dâng cúng bánh gừng cũng giống như cách bà con Khmer Nam bộ vẫn thường làm. Thông qua giao thoa văn hóa, bánh bò, bánh lọt, bánh bông lan… vừa mang đậm nét Việt, vừa phảng phất sắc thái người Hoa.
Theo ông Hùng, sự ra đời của các loại bánh trước tiên là đáp ứng nhu cầu ăn ở nơi không có điều kiện nấu nướng. Vào rừng khẩn đất vài ba hôm, người ta mang theo bánh tét vì bánh này no dai, để được lâu ngày. Ở quê, xa chợ lại dư thừa gạo, nếp, dừa, khoai, đậu nên mọi người làm bánh, ăn bánh thường xuyên. Bánh không chỉ làm no bụng mà còn là nguồn dinh dưỡng bổ ích. Bánh quê ra đời và còn được gọi là bánh dân gian Nam bộ ngày nay.
Nghệ nhân Trần Văn Bình (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ), người từng mang bánh xèo Nam bộ ra Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) góp mặt trong Không gian văn hóa ẩm thực các dân tộc VN, thổ lộ rằng bánh xèo làm không khó nhưng bánh xèo để “ăn ghiền” thì không phải ai cũng làm được. Bên cạnh những nguyên liệu “thuần quê” sạch, ngon, bổ, nghệ nhân làm bánh cần phải thổi vào sản phẩm cái tâm, cái tình của người miền quê Nam bộ chân chất, thật thà.
Cầu nối giao lưu
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái, lễ hội bánh dân gian là cầu nối giới thiệu văn hóa ẩm thực Nam bộ, quảng bá thu hút khách du lịch trải nghiệm văn hóa ẩm thực dân dã, là cơ hội học hỏi, giao lưu giữa các nghệ nhân làm bánh dân gian VN và bạn bè quốc tế.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ, Phó trưởng ban tổ chức Lễ hội bánh dân gian Nam bộ năm 2017, cho biết lễ hội bánh dân gian Nam bộ năm nay thu hút hơn 400.000 lượt khách đến tham quan, thưởng thức. Trên 250 gian hàng với khoảng 200 loại bánh dân gian, đặc sản vùng miền, ẩm thực Nam bộ và bánh ngon của 8 nước bạn hội tụ tại lễ hội đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.
Nghệ nhân Sáu Trọng (bà Huỳnh Thị Trọng, ngụ Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ), nổi tiếng với thương hiệu bánh tét lá cẩm Cần Thơ, cho hay bánh tét lá cẩm từ “lò” của bà giờ đã có mặt ở siêu thị, tại các sân bay quốc tế theo chân du khách tỏa đi nhiều quốc gia.
Gia đình ông Trần Văn Giao (Việt kiều Úc, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) đến với lễ hội lần này đã không ngần ngại đóng gói khá nhiều bánh tét lá cẩm Cần Thơ, bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh), bánh pía (Sóc Trăng), bánh tráng Tây Ninh... để làm quà tặng bè bạn nơi xứ người.
Theo Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ Lê Văn Tâm, lễ hội bánh dân gian Nam bộ là một sự kiện văn hóa mang tính truyền thống nhằm giới thiệu các sản phẩm bánh dân gian đặc trưng Nam bộ đến du khách trong nước, quốc tế. Lễ hội đã tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm văn hóa ẩm thực Nam bộ và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực con người VN...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.