Bao nhiêu tiền cho "Chiếc áo thiên nga"?

17/01/2008 22:56 GMT+7

Liveshow cải lương thứ hai mang tên Chiếc áo thiên nga của đạo diễn Hoa Hạ sẽ diễn ra trên sân vận động Quân khu 7 (TP.HCM) từ mùng 8 đến mùng 10 Tết Mậu Tý.

Tương tự như lần đầu với vở Kim Vân Kiều, lần này Nhà hát Trần Hữu Trang cũng bỏ ra số tiền không nhỏ cho trang phục diễn viên.

Kịch bản Chiếc áo thiên nga của tác giả Lê Duy Hạnh do Hoa Hạ đạo diễn, dựa theo huyền sử An Dương Vương cùng chiếc nỏ thần và mối tình Trọng Thủy - Mỵ Châu.  Người được đạo diễn Hoa Hạ tin tưởng để tiếp tục thực hiện trang phục cho vở diễn này cũng lại là Sĩ Hoàng.

Một chiều giáp Tết, gặp Sĩ Hoàng tại xưởng may, trông anh hốc hác hẳn. Cả núi công việc đang đè nặng trên vai anh khi hơn 200 bộ trang phục phải được hoàn tất trong thời gian ngắn, kịp thời điểm tổng duyệt chương trình. Năm trước, cũng vào thời gian này, Sĩ Hoàng và các cộng sự cũng dốc toàn lực để thực hiện trang phục kịp tiến độ cho vở cải lương - ca nhạc Kim Vân Kiều lần đầu tiên được Hoa Hạ dàn dựng trên sân vận động, với cả chục ngàn khán giả đến xem. Sau liveshow quy tụ gần hết nghệ sĩ cải lương và ngôi sao ca nhạc nổi tiếng ở miền Nam, Sĩ Hoàng được Công ty Vietbook ghi danh vào sách Guinness Việt Nam với kỷ lục: Nhà thiết kế thực hiện nhiều trang phục nhất cho một vở diễn với 436 bộ quần áo, tiêu thụ hết 5.915 mét vải, 32 kg phụ kiện cùng 34.420 giờ lao động của hơn 100 nhân công.

Vở Chiếc áo thiên nga tuy số lượng trang phục ít hơn (200 bộ) nhưng mức độ phức tạp và tinh xảo thì hơn hẳn. Dù Công ty Sĩ Hoàng chịu trách nhiệm chính thiết kế trang phục nhưng Sĩ Hoàng vẫn phải "cầu cứu" nhóm điêu khắc gia TP.HCM (gồm Bùi Hải Sơn, Hoàng Tường Minh, Ngô Thơm) cùng các điêu khắc gia khác thực hiện phần phụ liệu bằng đồng như mũ mão, khiên ngực, nút áo...

Câu chuyện xảy ra vào giai đoạn cực thịnh của thời đại đồ đồng ở Việt Nam, gắn liền với văn hóa Đông Sơn nên trang phục phải thể hiện đúng tính chất giai đoạn lịch sử này. Trước khi bắt tay vào thiết kế, từ nửa năm trước Sĩ Hoàng đã phải tìm tòi tư liệu. Anh bỏ ra hàng trăm giờ nghiên cứu trên internet, trong viện bảo tàng... "Không như vở Kim Vân Kiều là tác phẩm văn học nên không đòi hỏi độ chính xác cao về niên đại của trang phục, vở Chiếc áo thiên nga đặt chúng tôi trước thách thức lớn. Thể hiện đúng trang phục của


Bản vẽ trang phục của Trọng Thủy và Mỵ Châu
giai đoạn lịch sử-văn hóa vừa mang tính mỹ thuật cao, phù hợp với trang phục sân khấu vừa đòi hỏi phải am tường về trang phục Việt-Trung thời cổ. Những hoa văn để tạc trên đồ đồng phải gần đúng với nguyên bản trên trống đồng Ngọc Lũ", Sĩ Hoàng cho biết.

Sĩ Hoàng và nhóm thiết kế quan niệm: khi diễn viên mặc trang phục vào người, họ sẽ hóa thân vào vai diễn, thể hiện rõ nhất tính cách từng nhân vật. Nếu quần áo sơ sài, diễn viên sẽ mất đi nhiều xúc cảm. Nếu cho Trọng Thủy đeo khiên đồng bằng giấy bồi trước ngực hẳn sẽ dễ dàng hơn, nhưng Sĩ Hoàng và các cộng sự không làm thế. Họ đã đúc những tấm khiên bằng đồng thật cùng nhiều phụ liệu, trang sức bằng đồng khác đi kèm. Sĩ Hoàng cho biết: "Ngày xưa sân khấu chỉ đơn thuần là sân khấu, nhưng hiện nay mọi chuyện đã khác. Liveshow cải lương diễn trước cả ngàn khán giả với những màn hình khổng lồ đặc tả toàn thân nghệ sĩ thì không thể làm trang phục qua loa được".

Thử nghĩ, chỉ với một vai như Mỵ Châu hay Trọng Thủy, được phân theo từng cảnh với nhiều ngôi sao cải lương, ca nhạc cùng đảm nhiệm như Thoại Mỹ, Thanh Thúy, Phương Thanh, Kim Tiểu Long, Ngọc Ánh, Đức Tuấn..., mỗi nghệ sĩ đều có số đo khác nhau, mới thấy rõ sự vất vả của nhóm thiết kế và của gần 80 thợ may, thêu. Dù chưa thống kê chính xác, nhưng theo Sĩ Hoàng, vở Chiếc áo thiên nga phải chi phí cho trang phục không dưới nửa tỉ đồng.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.