Bảo tàng "nóng hổi" Newseum

18/04/2008 22:26 GMT+7

Khác với vẻ trầm mặc có phần lạnh lẽo của phần lớn các bảo tàng trên thế giới, Newseum - bảo tàng tin tức báo chí của Mỹ (được xếp vào hàng "đắt tiền nhất thế giới") mới khai trương, lại rất nóng.

Ngày 11.4 vừa qua, nhiều hãng thông tấn đã đồng loạt đưa tin về việc khai trương Newseum. Tên của bảo tàng là sự kết hợp giữa News (tin tức) và Museum (Bảo tàng). Newseum có kinh phí xây dựng lên tới 450 triệu USD, do những công ty lớn đóng góp, tọa lạc trên đại lộ Pennsylvania ngay trung tâm thủ đô Washington DC. Thật may mắn, trong chuyến đi tìm hiểu văn hóa Mỹ vào giữa tháng 4 vừa qua theo lời mời của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, chúng tôi đã ở trong số những người khách đầu tiên của bảo tàng. Thật khó có thể diễn tả hết sự ngạc nhiên, thán phục của chúng tôi khi đi hết khu phức hợp 6 tầng lầu, các khu vực được ngăn cách bằng những lớp kính trong suốt, đến cả bốn bề thang máy cũng trong veo này. ("Đó là ý đồ thiết kế của kiến trúc sư, để nhấn mạnh ý tưởng: tất cả được phơi bày, sáng rõ" - người hướng dẫn giải thích).

Vào đây, bạn không nhất thiết phải "đi nhẹ, nói khẽ", vì ngay khi bước vào, một bầu không khí thông tin cấp tập đã trùm lấy bạn. Bầu không khí này tỏa ra từ những màn hình lớn nhỏ khắp nơi, trong đó có một màn hình cực lớn trị giá 3 triệu USD, trình chiếu những đoạn phim ghi lại các sự kiện mang tính lịch sử, và bất cứ khi nào có một "breaking news" (tin đột xuất rất quan trọng) trên truyền hình thì màn hình này sẽ chiếu luôn tin đó. Có thể nói, chính sự kết hợp giữa tư liệu báo chí (cả báo viết, báo hình lẫn báo mạng) và công nghệ hiện đại đã mang lại cho Newseum một nét đặc biệt mà không một bảo tàng nào có được.

Trong khu trưng bày tư liệu báo chí về chiến tranh Việt Nam - Ảnh: P.T.N

Các tư liệu của Newseum không được sắp xếp theo trình tự thời gian, mà theo sự kiện - chủ đề. Tất nhiên, không phải sự kiện nào cũng được dành riêng một khu trưng bày, mà Newseum tập trung vào những sự kiện mang tính quốc tế, có tác động to lớn tới lịch sử một dân tộc và rộng hơn là thế giới: sự sụp đổ của bức tường Berlin, vụ nước Mỹ bị tấn công ngày 11.9, chiến tranh Việt Nam... với khối lượng tư liệu báo chí khổng lồ. Bên cạnh đó là khu trưng bày hình ảnh, thông tin về sự nghiệp, các bài phỏng vấn những nhà báo đã đoạt giải Pulitzer, khu trưng bày về sự phát triển của radio, ti vi và internet, khu trưng bày lịch sử báo chí Mỹ và những điểm căn bản làm nền tảng cho sự phát triển của nền báo chí tự do ở Mỹ... Bảo tàng còn khiến người xem choáng ngợp với hệ thống rạp hát của mình: 15 rạp hát, trong đó có 1 rạp chuyên chiếu phim 4D. Tôi đặc biệt ấn tượng với 2 phim ngắn ở rạp 4D này. Phim đầu nói về nhà báo Edward R.Murrow, trong đó có hình ảnh anh đứng trên nóc nhà để thực hiện một chương trình radio trực tiếp trong Thế chiến II, sau lưng anh là thành phố chìm trong lửa khói. Phim thứ hai nói về nhà báo nữ Nellie Bly hồi thế kỷ 19 đã giả điên để đột nhập vào một nhà thương điên nhằm điều tra tình trạng bệnh nhân bị đối xử tồi tệ ở nơi này; một số khán giả đã rú cả lên vì chuột như nhảy khỏi màn hình rơi thẳng vào chỗ họ.

Hôm chúng tôi đến, trong bảo tàng có khá nhiều cô, cậu bé mặc đồng phục của một trường nào đó đang len lỏi khắp nơi. Hỏi ra mới biết, tờ Washington Post đã trả tiền vé cho trẻ em trong vùng được vào tham quan miễn phí. Các nhóc tì này hăng hái nhảy vào khu vực chơi game của bảo tàng. Các trò chơi được thiết kế đặc biệt nhằm giúp khách tham quan hiểu thêm về nghề báo và khơi dậy niềm yêu thích nghề báo. Bạn có thể được ghi hình đang phát biểu trước Nhà Trắng hẳn hoi, hoặc tham gia trả lời những câu hỏi về tình huống nảy sinh trong nghề báo. Đây là một trong những câu hỏi ấy: "Con ông thị trưởng đi ăn hamburger mà không chịu trả tiền và nói rằng là con của thị trưởng thì không cần trả. Bạn có đăng tin này không?", và đáp án là "Có".

Chiếc xe hơi của một nhà báo bị phá nát, chiếc ba-lô và máy ảnh còn lại của một nhà báo thiệt mạng trong vụ 11.9, khu tưởng niệm các nhà báo đã hy sinh trong khi đưa tin với tên tuổi của 1.800 nhà báo khắp thế giới... - những hình ảnh, di vật này nhắc cho ta nhớ rằng, bên cạnh vinh quang của nghề báo là mồ hôi và cả máu. Nhưng hằng ngày vẫn có hàng ngàn nhà báo lao vào nguy hiểm để thực hiện sứ mạng "đưa tin nhanh nhất, chính xác nhất" đến người đọc, như câu nói của nhà báo Rod Dreher được gắn trên tường bảo tàng như một tuyên ngôn về nghề: "Có 3 loại người lao thẳng vào hiểm họa chứ không phải chạy đi, đó là cảnh sát, lính cứu hỏa và phóng viên".

Phạm Thu Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.