Bảo tồn dấu tích Sài Gòn xưa tại Thủ Thiêm: Đã nghiên cứu xã hội học toàn diện trước khi làm

28/03/2014 03:00 GMT+7

Nghiên cứu xã hội học toàn diện cho thấy, hơn 300 năm trước phía Q.1 mới là không gian lịch sử, trong khi phía Thủ Thiêm chỉ là một bãi bồi.

Bảo đảm tiến độ dự án

 
Hơn 300 năm trước phía Thủ Thiêm chỉ là một bãi bồi - Ảnh: Diệp Đức Minh

Chiều hôm qua 27.3, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Luận cho biết việc xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm đang trong quá trình triển khai tích cực với tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt trên 90%. Thời gian qua có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký đầu tư nhiều dự án nhưng do tình hình kinh tế chung gặp khó khăn nên hầu hết đều bị ngừng lại. Công ty CP đầu tư xây dựng địa ốc Đại Quang Minh là nhà đầu tư đang triển khai thi công 4 tuyến đường chính và khu nhà ở tại Thủ Thiêm. Đây được xem là tiền đề để phát triển Thủ Thiêm trong thời gian tới. Tất cả các dự án đều triển khai theo quy hoạch đã được Trung ương và TP phê duyệt. “Hiện TP đang xem xét đến yếu tố văn hóa khi phát hiện những dấu tích Sài Gòn xưa trong khu vực Thủ Thiêm. Quan điểm của TP là không phải san bằng hết nhưng cũng phải đảm bảo theo quy hoạch được duyệt. TP vẫn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoàn thành các dự án, đảm bảo tiến độ đề ra”, ông Luận khẳng định.

Mặc dù chưa có chỉ đạo từ cơ quan chức năng nhưng ngay trong buổi sáng hôm qua, ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng địa ốc Đại Quang Minh đã chủ động tổ chức khoanh vùng và ngưng thi công khu vực móng cọc nhà xưởng Caric để các ban ngành xuống kiểm tra.

Phía Thủ Thiêm chỉ là bãi bồi

Trước những ý kiến cho rằng dấu tích xưa có nguy cơ bị xóa xổ, ông Trang Bảo Sơn, Phó trưởng Ban quản lý đầu tư - xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết ngay từ đầu và trong cả quá trình thực hiện quy hoạch, Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm đã triển khai đề tài nghiên cứu xã hội học toàn diện về vùng đất này. Đề tài do Trung tâm Nghiên cứu đô thị triển khai thực hiện. Theo đó, trong mối tương quan giữa lịch sử và phát triển, phía Q.1 mới là không gian lịch sử, đã hình thành và phát triển trên 300 năm trong khi phía Thủ Thiêm hơn 300 năm trước chỉ mới là một bãi bồi và sau đó hình thành bởi quần thể cư dân với những điều kiện sống còn rất thiệt thòi. Đề tài cũng đã ghi nhận lại toàn bộ hiện trạng của vùng đất Thủ Thiêm, với quan điểm là giữ lại được những hình ảnh, tư liệu để sau này khi hình thành khu đô thị mới Thủ Thiêm, có thể triển khai được việc trưng bày.

 
Bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh: Mai Vọng

Theo ông Sơn, Thủ Thiêm không phải là vùng đất phát triển đô thị ngay từ đầu hình thành Sài Gòn (nơi đây là vùng đất bồi, hoang hóa) cho nên những cư dân ở khu vực này đa số là cư dân nghèo. Những người sống trên sông nước, không có nơi nương tựa cũng tìm đến và hình thành nên những cụm dân cư. Sự không ổn định này dẫn theo những công trình kiến trúc không ổn định. Trong thời kỳ chiến tranh, nhà ở tại đây phần nhiều thuộc dạng bán kiên cố; các công trình công cộng trên địa bàn được hình thành để phục vụ cộng đồng dân cư cũng ở mức độ vừa phải, không như các địa bàn dân cư đã ổn định lâu đời. Vì vậy, quy hoạch khu này là hết sức quan trọng trong tổng thể quy hoạch chung của TP.

Về những vấn đề chuyên môn sâu trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa ở Thủ Thiêm, theo ông Trang Bảo Sơn, các nhà quản lý chuyên ngành nên có sự nhìn nhận và đánh giá rõ hơn. Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ thực hiện nhiệm vụ đã được TP giao, sớm hình thành khu đô thị theo quy hoạch. "Nếu trong quá trình thực hiện, có những vấn đề cần được xem xét, chúng tôi chờ ý kiến chỉ đạo cụ thể của UBND TP" - ông Trang Bảo Sơn nói.

Nhà đầu tư đã làm đúng quy định

Chiều 27.3, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng  Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết quy trình xây dựng 4 tuyến đường của Công ty Đại Quang Minh đã được các cơ quan chức năng thông qua, sau khi nhà đầu tư đã triển khai đầy đủ các bước theo quy định.

Sau những vấn đề bài báo Nguy cơ mất dấu tích Sài Gòn xưa đăng trên Thanh Niên, dự án có tiếp tục thi công không thưa ông ?

Về nguyên tắc, dự án vẫn triển khai bình thường. Tuy nhiên, nếu gặp những vấn đề phát sinh sẽ xử lý nội dung phát sinh đó. Ví dụ như vấn đề Báo Thanh Niên phản ánh, theo luật Di sản, những phần thuộc phạm vi có những vật thể thì phải dừng lại. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn tiến hành thẩm định, kiểm tra. Những vị trí khác trong phạm vi dự án không gặp trở ngại thì nhà đầu tư vẫn tổ chức thi công bình thường. Nhưng theo tôi, vấn đề quan trọng là những ý kiến đánh giá, nhận định về di tích cần chính xác.

Theo ông, những ý kiến cho rằng các vật thể tại khu vực thi công là cổ vật, dấu tích thủy chiến, cảng, xưởng đóng thuyền thuộc khu vực Bến Nghé xưa... có chính xác ?

Vấn đề này tôi chỉ có thông tin trên báo. Sở GTVT chưa nhận được thông tin chính thức từ các cơ quan chuyên môn. Sáng nay, Giám đốc Sở GTVT đã đến hiện trường kiểm tra. Vấn đề này phải có đánh giá từ cơ quan chuyên môn, như Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Trước khi thi công, chủ đầu tư có biết đâu là khu vực có di tích ?

Về nguyên tắc, khi tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, nếu có di tích văn hóa - lịch sử hoặc tài sản khác thì đã được UBND quận xử lý. Trong trường hợp này, mặt bằng đã được Nhà nước bàn giao cho nhà đầu tư và đã tổ chức thi công. Như vậy, nhà đầu tư đã làm đúng pháp luật. Còn trong quá trình thi công nếu phát hiện di tích thì phải được xử lý theo quy trình.

Trong trường hợp buộc nhà đầu tư dừng việc thi công để cơ quan chức năng xử lý vấn đề phát sinh, những thiệt hại về vật chất (huy động nhân công, vật tư, máy móc...thi công) nhà đầu tư có được đền bù ?

Việc này phải có sự tính toán, phân tích cụ thể, có thiệt hại thực tế hay không. Nhưng trong khu Thủ Thiêm, theo tôi được biết thì không có khu vực nào thuộc diện bảo tồn ngoại trừ khu quy hoạch sẽ là phần cây xanh, sinh khai. Khu này sẽ không bị tác động gì thêm ngoài một số công trình phục vụ đi lại.

Đình Mười
(thực hiện)

Mai Vọng - Đình Phú

>> Vinh danh đờn ca tài tử - di sản văn hóa của nhân loại
>> Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể
>> Đờn ca tài tử Nam bộ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể
>> Triển lãm dấu ấn di sản văn hóa Pháp ở Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.