Bát cơm cho mẹ

08/05/2016 05:34 GMT+7

Cách nay chừng trên dưới 40 năm, những ai ở quê thường xuyên chứng kiến cảnh này trong mỗi bữa ăn của một gia đình nông dân miền Trung: một chiếc nồi đồng đặt giữa chiếc nong thật to, một bát mắm cái, con cá mòi hoặc vài chú cá chuồn muối đặt một bên. Đó là 'thực đơn' của một bữa ăn mà bất cứ gia đình nông dân nào cũng phải 'diện kiến' hằng ngày.

Được gọi là “nồi cơm” nhưng chủ yếu là củ lang hoặc củ mì, cơm chỉ mang tính tượng trưng, chỉ vài ba hạt cơm “đeo” lên khúc củ lang hoặc củ mì, trông rất tội nghiệp.
Nhà tôi đông anh em, lại có bà nội trên 70 tuổi nên chuyện “ưu tiên” trong bữa ăn thường được cha tôi cân nhắc rất kỹ. Cả nhà gần mười miệng ăn nhưng mẹ tôi chỉ có thể nấu 1 lon gạo cho mỗi bữa ăn. Nếu trẻ con “sợ” món củ lang củ mì một thì người già trên 70 như bà tôi sợ cái món ấy đến mười! Đơn giản là răng bà rụng hết, không thể nào nhai nổi món độn ấy. Nhưng lượng gạo mỗi bữa ăn chỉ có vậy nên cũng cố mà nuốt cho qua bữa thôi.
Đám trẻ con ngày một lớn, sức ăn sức ngủ cũng “lớn” theo nên chuyện ngán ngại củ lang củ mì cũng vơi đi theo sự trưởng thành của chúng. Chỉ có người già thì ngược lại. Món độn đã trở nên quá sức để tiêu hóa nó mỗi ngày, khi mỗi năm thêm một tuổi, như bà tôi. Vì vậy, cha tôi đưa ra quyết định: trước khi nấu cơm, ông sai anh trai đầu của tôi ra vườn cắt một miếng lá chuối to bằng hai bàn tay, hơ qua ngọn lửa để lá chuối khỏi rách. Vo gạo xong, trước khi đổ củ vào nồi, ông lấy miếng lá chuối ấy đè lên lớp gạo trong hông của chiếc nồi đồng. Mục đích là để khi nồi cơm sôi, gạo khỏi lẫn vào củ. Đến bữa ăn, ông đổ lớp củ trên cùng ra chiếc rá, số cơm nằm sau lớp lá chuối hiện ra, đâu chừng lưng chén. Đó là “món quà” mà ông dành cho mẹ mình trong mỗi bữa ăn. Bà tôi biết việc, kiên quyết không nhận phần “đặc ân” ấy của con trai. Nhưng rồi cha tôi thuyết phục, cuối cùng bà cũng chấp nhận nhưng chỉ ăn một bữa trong ngày, bữa còn lại bà dành cho đứa em út lên 3 của tôi.
Bây giờ, mỗi khi giỗ bà nội, cha tôi vẫn dành riêng một chén cơm gói lá chuối, đặt cạnh nhiều món “cao lương mỹ vị” trên mâm cỗ. Mấy đứa cháu nội của ông không hiểu vì sao lại xuất hiện chén cơm kỳ lạ như vậy trên mâm cúng. Tôi đã kể lại câu chuyện “cổ tích” mà cả gia đình đã phải trải qua những năm tháng cơ hàn, kèm lời nhắn cho cậu con trai khi nó “đặt lên bàn cân” về món quà mà nó sắp tặng mẹ nó nhân Ngày của mẹ: Tình thương dành cho mẹ không thể định giá bằng những món quà đắt hay rẻ tiền, con ạ. Đôi khi, nó chỉ là một bát cơm không độn củ. Chén cơm gói lá chuối mà ông nội vẫn duy trì trong những lần giỗ bà như một thông điệp về tình thương dành cho mẹ mà con cháu luôn phải giữ gìn. Tôi thấy đôi mắt cậu con trai 20 tuổi đỏ hoe…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.