Báu vật hoàng cung

07/02/2011 07:20 GMT+7

(TN Xuân Tân Mão) Là triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, nhà Nguyễn đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ cho đất nước.


Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo - Ảnh: Minh Ngọc

Ngoài hai di sản vật thể (quần thể di tích cố đô Huế) và phi vật thể (nhã nhạc cung đình) đã được công nhận là Di sản thế giới, những báu vật của triều đại này để lại cũng thuộc loại vô giá. Nhân ngày xuân, xin kể đôi câu chuyện nhỏ về các báu vật này.

Kim bảo, ngọc tỷ

Trong thời quân chủ, kim bảo, ngọc tỷ là biểu tượng của quyền lực tuyệt đối của người đứng đầu thiên hạ, bởi vậy chúng không chỉ được làm bằng những chất liệu quý hiếm nhất mà còn là kết tinh tài năng, trí tuệ của những người thợ tài hoa nhất nước. Theo các tài liệu lịch sử, trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho làm hơn 100 chiếc ấn báu; thường đúc bằng vàng bạc thì gọi là kim bảo, chế tác từ ngọc quý thì gọi là ngọc tỷ, nhưng về sau không phân biệt rõ. Trải qua bao sóng gió, dâu bể đến nay tại Việt Nam vẫn còn giữ được 93 chiếc (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có 85 chiếc, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế có 8 chiếc).

Xung quanh các kim bảo, ngọc tỷ của vương triều Nguyễn có rất nhiều huyền thoại. Chiếc Đại Việt quốc chúa vĩnh trấn chi ấn do chúa Nguyễn Phúc Chu đúc từ năm 1709, từng bị lưu lạc bao lần vẫn về lại với họ Nguyễn và được xem là ấn truyền quốc của triều đại này.


Kim sách (sách vàng), thời vua Gia Long năm 1806 (phục chế) - Ảnh: Minh Ngọc


Ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ - Ảnh: Minh Ngọc


Kiếm vàng An dân bảo kiếm, Khải Định (1916-1925) - Ảnh: Minh Ngọc


Mũ đại triều, thế kỷ 19 (mặt trước và mặt sau), phục chế - Ảnh: Minh Ngọc

Thời Thiệu Trị (1841 -1847), người dân huyện Hòa Điền, Quảng Nam tình cờ tìm thấy một khối ngọc quý màu xanh cực lớn đã đem dâng lên nhà vua. Vua cho rằng đây là điềm lành và đã cho nghệ nhân chế tác thành một chiếc bảo tỷ, sau gần một năm mới hoàn thành. Đây chính là chiếc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ, là chiếc bảo tỷ bằng ngọc quý nhất của triều Nguyễn, làm năm 1844.

Nhưng đặc biệt nhất là chiếc Hoàng đế chi bảo do vua Minh Mạng đúc năm 1823. Đây là chiếc ấn vàng lớn nhất của nhà Nguyễn (nặng 280 lượng 9 đồng cân, tức hơn 10,5 kg) và cũng là biểu tượng quyền lực tối cao của hoàng đế. Ngày 30.8.1945, trong lễ thoái vị, hoàng đế Bảo Đại đã trao nó cùng một thanh kiếm cho phái đoàn đại diện của chính quyền nhân dân do ông Trần Huy Liệu dẫn đầu. Thế nhưng sau khi đưa ra Hà Nội, do bất cẩn trong bảo quản nên ta lại để bộ ấn kiếm này rơi vào tay người Pháp. Năm 1949, chính quyền thực dân đã trao lại cho Bảo Đại tại Đà Lạt trong một nghi lễ rất hoành tráng. Về sau, hoàng hậu Nam Phương đã đem ấn kiếm sang Pháp, gửi tại Ngân hàng châu u. Đến nay, chiếc kim bảo vô giá này vẫn chưa quay trở về Việt Nam.

Chiếc nghiên Tức mặc hầu

Đó là một trong những báu vật quý nhất của triều Nguyễn, một quốc bảo thực sự với bao huyền thoại bao phủ dằng dặc tưởng không bao giờ dứt. Cổ vật ấy đang lưu lạc ở phương trời nào, đến nay ít ai hay, chỉ biết rằng, cho đến trước khi nhắm mắt cụ Vương Hồng Sển - nhà sưu tầm cổ vật lừng danh của Việt Nam - vẫn day dứt, băn khoăn về nó và ước vọng có ngày cổ vật đó sẽ trở về với nơi nó đã từng ngự trị: Bảo tàng Cổ vật Huế, để dân Việt Nam lại được chiêm ngưỡng và tự hào về một tuyệt phẩm của cha ông.

Chuyện kể về Tức mặc hầu có thể tóm tắt như sau: Vua Tự Đức có một chiếc nghiên mài mực làm bằng đá Đoan Khê của Quảng Đông. Điểm độc đáo của chiếc nghiên là khi cần gấp mực để múa bút, nhà vua chỉ việc hà hơi lên mặt nghiên là sẽ có mực ngay. Chiếc nghiên “như ý” này được vua xem như một bảo bối, phong cho đến tước hầu (Tức mặc hầu). Nghiên được mài giũa công phu, mặt sau khảm nổi một bài thơ chữ Hán bằng vàng, nội dung ca ngợi chiếc nghiên. Nghiên lại được đặt trong một chiếc hộp bằng đồi mồi quý, ngoài khảm chữ vàng và đóng ấn “Tự Đức kinh diên chi bảo” và “Văn tự chi tường” (điềm may của văn chương).


Nghiên Tức mặc hầu - Ảnh: P.T.H


Đài vàng cẩn ngọc, san hô, thế kỷ 19 - Ảnh: Minh Ngọc

Cuối triều Nguyễn, chiếc nghiên báu được đưa vào cất giữ tại Bảo tàng cổ vật Huế (nay là Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế). Đến năm 1959 thì có người mang chiếc nghiên dâng cho Ngô Đình Diệm. Ông Diệm đã đặt nó tại dinh Gia Long. Rồi Tức mặc hầu đã không cánh mà bay khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ và bị giết chết trong cuộc đảo chính năm 1963...

Người đầu tiên viết về chiếc nghiên mực kỳ lạ này lại chính là Ngô Đình Diệm khi ông còn là một tay hành tẩu, hàm cửu phẩm thư lại ở Tân thư viện (thư viện của trường Quốc Tử Giám, Huế). Bài viết về Tức mặc hầu của họ Ngô đăng trên tập san của Hội người yêu Huế cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue -BAVH), năm 1917. Thực ra đây chỉ là bản dịch tiếng Pháp của bài minh chữ Hán khắc ở mặt đáy chiếc nghiên. Tiếc thay, đây là một bản dịch rất dở vì nguyên tác là một bài thơ tuyệt khéo mà người dịch lại không biết đó là một bài thơ; hơn nữa, nội dung bản dịch lại quá nôm na đại khái với rất nhiều nhầm lẫn! Tuy nhiên, theo cụ Vương Hồng Sển, ông Diệm là người rất đam mê chiếc nghiên này, nên khi lên tột đỉnh của quyền lực, ông ta đã biến nó thành của riêng. Và Tức mặc hầu cũng trở thành một phần trong cuộc đời bi kịch của ông ta. Giá trị của chiếc Tức mặc hầu như thế nào khó ai biết được, chỉ biết rằng, theo cụ Vương Hồng Sển, “có đổi cả núi vàng” cũng xứng vì đó là thứ có một không hai trên đời.

Tiếc lắm thay!

Báu vật của triều Nguyễn vốn có rất nhiều vì đây là triều đại được kế thừa di sản của các triều đại trước. Chỉ tiếc là qua bao dâu bể, chúng đã thất thoát, tản mát phần lớn. Hiểu biết giá trị của các báu vật ấy để tìm cách đưa chúng về kho tàng di sản của dân tộc ắt hẳn là công việc đòi hỏi trí tuệ, tâm sức của nhiều thế hệ người Việt Nam nữa.

Phan Thanh Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.