Báu vật sống Tây nguyên - Kỳ 4: Chủ quán ăn lưu giữ 700 hiện vật quý

15/01/2015 04:40 GMT+7

Ông Hồ Công Văn, ở đường Nguyễn Huệ, TP.Kon Tum, là người đang lưu giữ đến 700 hiện vật quý của đồng bào dân tộc ít người trong vùng.

Ông Hồ Công Văn, ở đường Nguyễn Huệ, TP.Kon Tum, là người đang lưu giữ đến 700 hiện vật quý của đồng bào dân tộc ít người trong vùng.
 
Ông Văn với chiếc chiêng Tha của người Brâu - Ảnh: Phạm AnhÔng Văn với chiếc chiêng Tha của người Brâu - Ảnh: Phạm Anh
Ban đầu ông nhận các hiện vật này như nhận cái nghĩa của đồng bào ít người nơi ông từng dạy học. Về sau, không hiểu nó là “duyên” hay “nghiệp”, ông yêu nó và giữ gìn như báu vật riêng mình.
Ký ức một thời
Ấn tượng đầu tiên khi vào quán ăn Đăk Bla trên đường Nguyễn Huệ, TP.Kon Tum, chính là hàng trăm hiện vật treo trên tường và trong tủ kính của chủ nhân. Nếu không hỏi, mấy ai biết đó là kỷ vật gắn bó thời trai trẻ với ông Hồ Công Văn, chủ quán ăn này. Ông nói mình vốn là một thầy giáo đi dạy xóa mù ở các vùng sâu, vùng xa của huyện biên giới Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đầu những năm 1980.
Thuở ấy, bà con thường dành vật quý, “ngon lành” cho thầy, do vậy những cái thầy Văn nhận được phần lớn là vật quý của đồng bào. Ban đầu, thầy giáo Văn cứ từ chối không nhận quà, nhưng vì “thấy mắt đồng bào buồn lắm” nên nhận cho “bà con vui” chứ biết có giá trị gì đâu. Ông Văn cười kể, hồi đó mỗi lần mình “xuống núi”, thấy chồng “tha” đủ thứ của đồng bào về mà không thấy tiền lương, vợ phàn nàn, còn ông chỉ biết cười trừ nịnh vợ.
Đồng lương giáo viên xóa mù không đủ nuôi thân và vợ con, thế là ông Văn chuyển sang làm nhân viên Bưu điện Kon Tum. Dù xa bà con, ông vẫn giữ mối liên lạc với đồng bào Giẻ, Triêng vùng biên giới huyện Đăk Glei, nơi ông gắn bó thời trai trẻ. Vì thế, mỗi bận bà con xuống thị xã Kon Tum ngày ấy thường tìm đến “thầy Văn” thăm hỏi. Và rồi, nhiều bà con đi khám bệnh hay làm việc gì cần đến tiền nhưng túi rỗng, cũng tìm đến “thầy Văn” để được giúp đỡ, sau lại “cây nhà lá vườn” mang đến biếu thầy để… trừ tiền mượn, trong đó nhiều hiện vật đồng bào cất giữ lâu năm.
Ông Văn chỉ cái túi da đi săn của tù trưởng người Giẻ treo trang trọng giữa vách quán ăn của gia đình rồi kể, năm đó già làng H’Ieu đi khám bệnh ở Bệnh viện đa khoa Kon Tum bây giờ, vào mượn tiền nhưng không có để trả. Sau đó, già làng này mang cái túi da đến tận nhà ông Văn biếu. “Đây là vật gia truyền nhà tao, ai mua không bán. Tao tặng cho mày để kỷ niệm. Thằng thầy Văn tốt bụng à”. Và lời già làng ngày ấy, bây giờ ông Văn vẫn còn nhớ mãi.
Một chút nỗi niềm
Đến năm 1995, một việc làm mà ông Văn bây giờ cảm thấy tiếc nuối: ấy là khi mở quán cà phê, nghĩ cách thu hút khách bằng cách lấy những hiện vật đồng bào tặng mình ra trang trí, treo lên tường và chú thích bằng tiếng Pháp. Nhiều người nước ngoài đến quán cà phê, thấy thích những hiện vật đó, mua lại rồi mang đi. Ban đầu, ông cũng bán chút ít nhưng dần dần thấy được giá trị của các vật dụng nói trên nên không bán mà giữ làm kỷ niệm. Ngẫm nghĩ, ông Văn tự hỏi: sao người nước ngoài phải bỏ nhiều tiền để mua, còn mình không giữ lại? Ông sợ rằng nếu để người nước ngoài mua hết, sau này con cháu muốn xem đồ vật của cha ông họ thì không biết đâu mà tìm. Để “chuộc lỗi”, ông Văn cất công đi đến nhiều vùng sâu, vùng xa sưu tầm đồ dùng của đồng bào trên địa bàn tỉnh Kon Tum để bổ sung lại cho bộ sưu tập của mình.
Thế nhưng, để có được những vật dụng quý, cổ xưa thật chẳng dễ dàng gì. Ông Văn kể, có nhiều hiện vật phải ăn ở mấy ngày với chủ nhà để năn nỉ mua lại. Dễ gì đồng bào bán đi những hiện vật tổ tiên để lại, nhưng nếu vì nghĩa tình, bà con sẵn sàng tặng cho ông Văn. Nhờ vậy mà đến giờ, bộ sưu tập có được 700 hiện vật của các đồng bào dân tộc ít người tỉnh Kon Tum, trong đó rất nhiều hiện vật vô giá được ông Văn bảo tồn. “Tôi tâm đắc nhất là chiếc túi đi săn của người đồng bào Xơ Rá ở huyện Đăk Glei đã hơn 150 tuổi. Năm 1998, một người nước ngoài trả 2 triệu đồng, tôi không bán. Sau này một người Đức hỏi mua 2.000 USD, tôi cũng lắc đầu. Lúc này, người Đức nọ mới cho hay chiếc túi đi săn này là của một tù trưởng người địa phương ngày xưa”, ông Văn kể. Ngoài ra, còn chiếc chiêng quý của người Giẻ, Triêng có giá hơn cả trăm triệu đồng, nhiều người hỏi mua nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Ông Văn tiếc nuối nhất là đã bán đi những chiếc khiên bằng da nai, da lợn rừng mà hiện giờ ông cố công tìm kiếm vẫn không có.
Bảo tồn văn hóa
Ông Đỗ Văn Minh - Chánh văn phòng Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, cho biết những người sưu tầm hiện vật quý như ông Văn ở Kon Tum giờ không còn nhiều. Bảo tàng tỉnh Kon Tum và các đoàn nghiên cứu văn hóa, nhiều khi phải nhờ nhiều hiện vật quý của ông Văn để trưng bày, nghiên cứu. Việc làm của ông Văn đã góp phần không nhỏ vào công tác bảo tồn văn hóa đồng bào ít người nơi đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.