Bê tông hóa suối cổ Mỹ Sơn: Trái quy hoạch đã phê duyệt

03/04/2013 03:15 GMT+7

Máy móc cơ giới, sắt thép, cát sỏi để thi công bờ kè Khe Thẻ đã được chuyển ra khỏi khu di tích Mỹ Sơn, hoạt động can thiệp bằng bê tông hóa con suối cổ đã được dừng lại chờ quyết định xử lý từ phía Bộ VH-TT-DL và UNESCO.

>> Bê tông hóa suối cổ Mỹ Sơn

Hôm 1.4, ông Trần Minh Cả - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đã có buổi làm việc với các bên liên quan về việc xây dựng bờ kè này.

Thay vì sử dụng phương pháp sinh học, hai bên bờ suối đã bị kè đá
Thay vì sử dụng phương pháp sinh học, hai bên bờ suối đã bị kè đá - Ảnh: D.G 

Theo đó, sau khi khảo sát hiện trạng việc xây dựng kè suối, ông Cả chỉ đạo đình chỉ tất cả hoạt động xây dựng. “Toàn bộ hiện trường đã đào xới sẽ được hoàn trả như đúng hiện trạng ban đầu bằng cách lấp đất, trả lại dòng chảy tự nhiên cho con suối. Ngoài ra, cây cầu dự kiến được đúc bằng bê tông sẽ được thay thế bằng cầu gỗ”, ông Cả nói.

“Làm không sai, chỉ sai về quy trình”

 

Trong suốt quá trình cứng hóa suối Khe Thẻ, di sản đã bị xâm hại. Các tầng văn hóa đã bị xúc đổ. Không một chuyên gia khảo cổ nào được tiếp cận hiện trường. Cho dù đất có được đắp trả lại thì tầng văn hóa - mối dây nối với quá khứ Mỹ Sơn đã bị cắt đứt lìa

Tuy nhiên, các bên liên quan vẫn tiếp tục đưa ra các ý kiến bao biện về việc bê tông hóa bờ suối Khe Thẻ, còn gọi là suối Mỹ Sơn. Việc cứng hóa trên hiện được Sở VH-TT-DL và Ban quản lý di tích cho là cần thiết để bảo vệ các cụm tháp trong khu di sản văn hóa thế giới này. Theo ông Nguyễn Công Hường - Trưởng ban Quản lý khu di tích Mỹ Sơn, con suối bắt đầu nới rộng mạnh từ năm 1996, đỉnh điểm là trong trận lũ quét lịch sử năm 1999. Đoạn nền tại tháp B3 trước năm 1994 còn rất rộng nhưng ngọn tháp này ngày càng nghiêng là do tác động xâm thực của con suối. “Việc xây kè là do quá bức thiết. Khi tiến hành xây kè, chúng tôi đã sai khi chỉ mới báo cáo miệng cho Sở VH-TT-DL mà chưa có thủ tục báo cáo Bộ VH-TT-DL”, ông Hường nói.

Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, cũng cho rằng mục đích, mục tiêu xây kè để bảo vệ khu di tích không có gì sai. Cũng theo ông Tịnh, cái sai ở đây là sai về quy trình và thủ tục. Chủ đầu tư (BQL khu di tích Mỹ Sơn - PV) đã không làm thủ tục và báo cáo ra Bộ VH-TT-DL cũng như phía UNESCO để có các thỏa thuận cần thiết. “Trong quy hoạch tổng thể di tích Mỹ Sơn do Thủ tướng phê duyệt có hạng mục được kè Khe Thẻ. Tuy nhiên, do anh em suy nghĩ đơn giản là được phê duyệt rồi nên cứ làm mà không báo cáo”, ông Tịnh nói.

Như vậy, cả huyện và tỉnh đều đã nhận lỗi là làm trái quy trình, mặc dù đều có cơ sở chuyên môn, thậm chí còn dựa trên quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đứt lìa mối dây nối với quá khứ

Tuy nhiên, thuyết minh quy hoạch tổng thể di tích Mỹ Sơn hiện được lưu tại Viện Bảo tồn di tích lại không thể hiện điều ông Tịnh nói. Thậm chí còn ngược lại. Thuyết minh quy hoạch khu di tích Mỹ Sơn, mục giải pháp kè gia cố bờ suối có ghi rõ để chống xói lở đất hai bên bờ suối do mùa mưa lũ nhưng vẫn bảo đảm môi trường sinh thái và cảnh quan tự nhiên. Quy hoạch cũng yêu cầu sử dụng giải pháp sinh học hai bên bờ suối Thẻ như loại cây cỏ có rễ ăn sâu xuống đất để giữ đất. Đặc biệt, thuyết minh nhấn mạnh không sử dụng các biện pháp xây kè đá hoặc bê tông để gia cố bờ suối.

Cũng tại quy hoạch đã được phê duyệt, mục quy hoạch san nền có ghi cần hết sức tôn trọng địa hình cảnh quan tự nhiên. Việc san nền trong quy hoạch là hết sức hạn chế. Trong khu vực xây dựng các công trình kiến trúc mới cần dựa vào địa hình để xây dựng, tránh hết sức việc san nền lớn. Nếu bắt buộc phải san nền, cần san nền ở mức tối thiểu.

Thực tế ở Mỹ Sơn đã làm trái hết những điểm được Thủ tướng phê duyệt trên. Việc san nền đã được thực hiện. Việc cứng hóa cũng đã rõ. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Khang - chuyên viên của Cục Di sản, thuyết minh bản quy hoạch và quy hoạch khu di sản Mỹ Sơn đều đã được Thủ tướng phê duyệt. Các đơn vị có liên quan khi thực hiện tu bổ Mỹ Sơn đều phải tham khảo và thực hiện đúng theo quy hoạch này khi soạn thảo dự án.

Trong suốt quá trình cứng hóa suối Khe Thẻ, di sản đã bị xâm hại. Các tầng văn hóa đã bị xúc đổ. Không một chuyên gia khảo cổ nào được tiếp cận hiện trường. Cho dù đất có được đắp trả lại thì tầng văn hóa - mối dây nối với quá khứ Mỹ Sơn đã bị cắt đứt lìa.

Trong khi đó, cho tới thời điểm này, các cơ quan liên quan vẫn không nhận lỗi vi phạm quy hoạch của mình.

Hoàng Sơn - Trinh Nguyễn

>> Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận
>> Khai trương Làng du lịch cộng đồng tại Mỹ Sơn
>> Bộ đôi truyền nhân kèn Saranai ở Mỹ Sơn
>> Phát hiện đầu ngói chạm hình kala ở Mỹ Sơn
>> Mở tour thám hiểm tại khu vực Mỹ Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.