'Bèo' như phí tham quan bảo tàng

21/02/2017 06:24 GMT+7

Trước áp lực phải liên tục làm mới để thu hút khách, các bảo tàng ở TP.HCM hiện như ngồi trên “đống lửa” khi kinh phí hầu như phải tự chủ mà giá vé tham quan vẫn như... 15 năm trước.

Trước áp lực phải liên tục làm mới, đầu tư bài bản nhiều phòng trưng bày hiện đại để thu hút khách, các bảo tàng ở TP.HCM hiện như ngồi trên “đống lửa” khi kinh phí hầu như phải tự chủ mà giá vé tham quan vẫn như... 15 năm trước.
Rẻ quá, tưởng xài đồ giả (?!)
Hơn 38 năm công tác trong ngành văn hóa, ông Hứa Thanh Bình, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, được đi khá nhiều nước và ông còn cẩn thận lưu giữ những tấm vé vào cổng nhiều bảo tàng trên thế giới “nhưng không ở đâu rẻ như VN”. Ông bức xúc: “Các bảo tàng ở Hà Lan có giá vé từ 45 USD (khoảng hơn 1 triệu đồng), Mỹ hay Singapore giá vé thấp cũng 20 USD (khoảng 460.000 đồng) nhưng không hiểu sao đến giờ TP.HCM vẫn quy định giá vé áp dụng cho người VN chỉ từ 2.000 - 5.000 đồng và người nước ngoài 10.000 - 15.000 đồng. Mức giá như vậy theo tôi là quá thấp. Đành rằng, chúng ta hạ mức phí vé để thu hút quần chúng nhân dân, học sinh sinh viên, du khách đến với bảo tàng nhưng rẻ quá thì không nên. Tôi từng chứng kiến cảnh người tham quan tỏ ra nghi ngờ rằng bảo tàng trưng bày… đồ giả nên mới bán vé rẻ như vậy”.
Bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, chia sẻ: “Nói đâu cho xa, chỉ nhìn qua Lào cũng đã thấy điều này quá bất hợp lý rồi. Tôi đơn cử, bảo tàng ở Luang Phrabang nhỏ chỉ bằng một phòng trưng bày bảo tàng của ta, nhưng họ đã thu tương đương 75.000 đồng/khách. Mức phí quy định thấp quá chưa chắc đã tốt, nhiều khi thu không đủ bù chi…”.
'Bèo' như phí tham quan bảo tàng1
Du khách mua vé Ảnh: Ngọc Dương
Còn theo ghi nhận của bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, phí tham quan bảo tàng ở nhiều địa phương trong nước cũng cao hơn TP.HCM rất nhiều. Mức thu vào Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) là 40.000 đồng, Bảo tàng Dân tộc học VN (Hà Nội): 40.000 đồng, Bảo tàng Lịch sử quân sự VN: 30.000 đồng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng): 40.000 đồng, Bảo tàng Mỹ thuật VN (Hà Nội): 30.000 đồng, Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế: 30.000 đồng, Bảo tàng Quảng Ninh: 30.000 đồng.
“Nhìn hiện vật xuống cấp mà xót”


Chỉ nhìn qua Lào cũng đã thấy điều này quá bất hợp lý rồi. Tôi đơn cử, bảo tàng ở Luang Phrabang nhỏ chỉ bằng một phòng trưng bày bảo tàng của ta, nhưng họ đã thu tương đương 75.000 đồng/khách. Mức phí quy định thấp quá chưa chắc đã tốt, nhiều khi thu không đủ bù chi...


Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng


Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM, tiền thân là Bảo tàng Blanchard De la Brosse, là bảo tàng đầu tiên người Pháp xây dựng ở Sài Gòn vào năm 1927 và được xem là bảo tàng duy nhất ở Nam bộ thời bấy giờ. Bảo tàng có một khối lượng di sản văn hóa to lớn do người Pháp và chính quyền cũ để lại. Tòa nhà bảo tàng với kiến trúc độc đáo kết hợp phong cách kiến trúc Đông Tây đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2011. Hiện tại, bảo tàng đang lưu giữ hơn 43.000 hiện vật với nhiều bộ sưu tập quý hiếm: sưu tập điêu khắc đá Champa, sưu tập điêu khắc đá Óc Eo, sưu tập áo vua triều Nguyễn… trong đó có 11 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Với 13 phòng trưng bày cố định về lịch sử VN và 5 phòng trưng bày chuyên đề, nhiều sưu tập hiện vật quý của bảo tàng đã được mời tham dự phối hợp trưng bày trong các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới tại: Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Đài Loan… Thế nhưng, hiện nay mức phí tham quan cũng chỉ 15.000 đồng cho du khách nước ngoài, 2.000 đồng đối với khách trong nước.
Do giá vé quá thấp nên nguồn thu của các bảo tàng cũng rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng trưng bày và bảo tồn hiện vật. Theo thống kê của Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM, tổng thu từ tiền vé tham quan trong 3 năm (từ 2013 - 2015) ở đây hơn 4,7 tỉ đồng, trung bình mỗi năm tiền phí thu được chỉ hơn 1,5 tỉ đồng, chủ yếu từ du khách nước ngoài. “Bảo tàng Dân tộc học VN ở Hà Nội đầu tư một phòng trưng bày mới tương đối hiện đại rộng chừng 150 - 200 m2, dù tiết kiệm hết sức cũng phải bỏ ra 5 tỉ đồng, riêng hệ thống đèn chiếu sáng chiếm hết 2/3 kinh phí. Còn chúng tôi, với số thu từ tiền vé thấp như vậy, cộng với mỗi năm chỉ được cấp 500 triệu đồng, thì làm sao có phòng trưng bày như ý cho du khách được. Năm nào sở cũng yêu cầu đẩy mạnh hiện đại hóa bảo tàng, nâng cấp để hấp dẫn du khách, nhưng phí tham quan rẻ như vậy thì đành “lực bất tòng tâm” thôi”, Giám đốc Hoàng Anh Tuấn than thở.
Chưa cần nói đến hiện đại hóa, nguồn thu thấp nên việc bảo quản hiện vật cũng đã chật vật. Ông Hứa Thanh Bình cho biết do thiếu kinh phí bảo quản, hiện tại hơn 21.000 hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (tọa lạc tại dinh thự của “chú Hỏa”) phải tận dụng một số nhà kho cũ, phòng gia nhân để chứa tạm. “Ở đây không khí ẩm thấp, nhìn hiện vật xuống cấp mà xót…”, ông nói.
Thiếu kinh phí cũng đã khiến các bảo tàng TP.HCM phải bó tay nếu muốn trưng bày hiện vật của quốc gia khác phục vụ người dân trong nước. Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM Hoàng Anh Tuấn kể: “Vừa rồi, đoàn TP.Busan (Hàn Quốc) có sang TP.HCM khảo sát để tổ chức đợt trưng bày các bảo vật quốc gia của nước bạn. Họ yêu cầu ta đủ thứ về điều kiện không khí, ánh sáng, độ ẩm, phương tiện vận chuyển, phòng trải nghiệm, khu trưng bày độc lập… Thế nhưng, các bảo tàng của thành phố đều không đáp ứng được những tiêu chí khắt khe này. Bởi thế lâu nay, hầu như ta chỉ đưa hiện vật một chiều ra nước ngoài trưng bày chứ việc giao lưu, mượn về dường như không có”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.