Bí ẩn tu viện cổ bỏ hoang ở Đà Lạt: Dấu ấn kiến trúc sư Phạm Khánh Chù

16/03/2021 10:30 GMT+7

Bản vẽ dãy phòng học trường dòng Franciscaines Missionnaires de Marie, hay còn có tên gọi khác là trường Thương-Mãi Franciscaines (Đà Lạt) vào năm 1961 của kiến trúc sư Phạm Khánh Chù (1909 -1991) để lại nhiều dấu ấn.

Kiến trúc sư (KTS) Phạm Khánh Chù là một tên tuổi xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng trang lứa với KTS Tạ Mỹ Duật. Với Đà Lạt, KTS Phạm Khánh Chù từng được mời thiết kế công trình Cercle Annamite de Dalat. Đến 1961, ông trở lại với dãy trường học của dòng Franciscaines Missionnaires de Marie.
Riêng về tác giả bản thiết kế, cần lưu ý, Phạm Khánh Chù và Tạ Mỹ Duật là hai cái tên thường đi song đôi trong rất nhiều sự kiện kiến trúc thập niên 1930-1940. Có thể kể, trên tờ Việt Nam Dân Quốc công báo số 22 ngày 1.6.1946 có đăng bản tin Bộ Giao thông Công chính công nhận hai ông Phạm Khánh Chù, cựu kiến trúc sư công chính hạng ba và ông Tạ Mỹ Duật, cựu kiến trúc sư công chính hạng tư đã từng trúng tuyển kỳ thi tập sự nên được miễn kỳ tập sự trong nghề tư, phần vì hai ông này đều đã hành nghề kiến trúc hai năm tại Nha Công chính Bắc bộ.

Sinh hoạt của trường Franciscaines thập niên 1960

Ảnh: Gia đình Franciscaines Dalat cung cấp

Trong một sự kiện khác trước đó 10 năm, hai tên tuổi này cũng từng xuất hiện cùng lúc. Đó là vào năm 1936, Hà Nội có đợt kêu gọi phương án trùng tu chùa Quán Sứ. Lúc bấy giờ hội đồng giám định, ngoài những quan chức chính quyền thuộc địa, là những tên tuổi lớn của kiến trúc, quy hoạch Đông Dương: M. Virgitti (Đốc lý Hà Nội, Chánh chủ khảo), M. Godard (Chánh văn phòng Công tác Bắc kỳ, Giám khảo), M. Mondet (KTS Phòng Công tác Bắc kỳ, Giám khảo), M. Lagisquet (Chánh văn phòng Công tác Hà Nội, Giám khảo) và các cụ đại diện phía Phật giáo cũng tham gia thẩm định, gồm: Nguyễn Năng Quốc (Chánh Hội trưởng Hội Phật giáo Bắc kỳ), cụ Lê Văn Phúc (Hội viên Quản trị Hội Phật giáo Bắc kỳ) và sư cụ Trung Hậu (Chánh Giám viện chùa Quán Sứ).
Năm đó có 19 bản họa đồ gửi về, ban giám định đã không tìm ra giải nhất, nhưng giải nhì đã được trao cho họa đồ của Phạm Khánh Chù và Tạ Mỹ Duật; giải ba là họa đồ của Hoàng Như Tiếp; giải tư thuộc về Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Đỗ Cung. Các giải khuyến khích thuộc về Hoàng Hùng, Phan Nguyên Mậu, Hoàng Như Tiếp (Tuần báo Đuốc Tuệ, số 50, ngày 24.11.1936).

Bản thiết kế dãy phòng học và lưu xá của trường Franciscaines. Tư liệu khai thác từ TTLTQG 2, TP.HCM

Ảnh: Tư liệu của Nguyễn Vĩnh Nguyên

Theo hồi ký của KTS Đào Trọng Cương thì ông Phạm Khánh Chù tốt nghiệp khóa thứ 5, Ban Kiến trúc, cùng khóa với các KTS Huỳnh Tấn Phát, Vũ Bá Đính, Hoàng Hùng, Nguyễn Hữu Thiện… KTS Phạm Khánh Chù là một trong 18 giáo sư của trường Cao đẳng Công chính ngay niên khóa đầu tiên (1945-1956). Năm 1954, ông di cư vào Sài Gòn và từng làm Phụ tá Tổng giám đốc Nha Kiến thiết và là giáo sư của Đại học Kiến trúc Sài Gòn. Ông cũng có thời gian đảm nhiệm vị trí Tổng thư ký nguyệt san Xây Dựng Mới - tờ báo chuyên về văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc, tại Sài Gòn.

Thực hư chuyện Trường Đại học Kiến trúc tháo dỡ tu viện cổ ở Đà Lạt

Với Đà Lạt, KTS Phạm Khánh Chù từng được mời thiết kế công trình Cercle Annamite de Dalat. Đến 1961, trước đó, trong vai trò Trưởng phòng Nghiên cứu Kiến trúc Sài Gòn, ông từng đặt bút ký duyệt hồ sơ xây dựng Tòa Đại biểu Cao nguyên Trung phần trên đường Trần Hưng Đạo; lần này, ông trở lại với dãy trường học của dòng Franciscaines Missionnaires de Marie, ở vào thời điểm mà Đà Lạt là đất dụng võ lý tưởng của rất nhiều KTS tài năng sống ở miền Nam: Võ Đức Diên, Ngô Viết Thụ, Nguyễn Duy Đức, Huỳnh Kim Mãng…
Cũng vào thời gian xây dựng hai dãy trường học và khu nội trú này, phía dòng Franciscaines Missionnaires de Marie đã có thư đề nghị trổ thêm một cổng đi về chân đồi (phía đường Lê Thái Tổ, nay là Trần Quang Diệu). Một lá thư do sœur Marie Pierre de l’Assomption, Mẹ Bề trên dòng Franciscaines Missionnaires de Marie đã gửi đến Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 17.5.1961 có nội dung:
“Tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý vị các kế hoạch của trường Tiểu họ̣c và Nội trú sẽ được xây dựng trên cơ sở cộng đồng hiện tại số 5 đường Gia Long. Đối với hai tòa nhà này, cần phải có lối ra bên đường Lê Thái Tổ. Mục đích của chúng tôi là xây dựng các lớp học trên mặt đất của biệt thự Bambou thuộc ông Hui Bon Hoa, nhưng nay đã dành riêng cho tài sản quốc gia.
Trong buổi gặp gỡ ngày 8 tháng 3, ngài (Tổng thống - NV) đã muốn dành phần đất này cho trường, điều đó khiến chúng tôi hy vọng có một đặc quyền ủng hộ Hội thánh và tạo điều kiện cho việc mở rộng các cơ sở. Vì chúng tôi không thể tìm thấy giải pháp nào khác, tôi muốn gửi lại yêu cầu mua, bằng cách ký kết lô đất số 12, điều này sẽ cho chúng tôi có thể trổ một cổng phía đường Lê Thái Tổ”. (Chính xác là số 20 Lý Thái Tổ, nay là 20 Hùng Vương - cổng mới của trường Đại học Kiến trúc TP.HCM tại Đà Lạt. Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. Tài liệu số 224021. TTLTQG II.)
Về sau, được nhà chức trách thuận, thì đây là cổng ra vào của trường nội trú Franciscaines Missionnaires de Marie.

Trường Franciscaines xưa

Ảnh: Gia đình Franciscaines Dalat cung cấp

Dòng Franciscaines tại Đà Lạt gắn với tên tuổi Mẹ Bề trên Pierre de l’Assomption. Đà Lạt là nơi được bà Marie Pierre de l’Assomption chọn làm chốn tái thiết sau quá trình di cư (1954). Quá trình chuyển tiếp sau giao dịch mua bán vào giữa thập niên 1950 giữa các đan sĩ Biển Đức với những nữ tu dòng Franciscaines được các sœur cộng đoàn này mô tả lại như sau: “Đan viện gồm một nhà nguyện và một nhà cho đan sĩ ở. Hai nhà nối nhau bằ̀ng một dãy hành lang. Phía dưới nhà nguyện có hầm thờ. Đan viện mộ̣t lầu, chia thành phòng cá nhân. Các cửa ra vào, cửa sổ cũng như vật dụng trong nhà đều sơn màu đen, nói lên vẻ khắc khổ của đời sống ẩn tu. Phía dưới đan viện có chỗ để xe, có nhà cơm, nhà bếp. Một cử chỉ đẹp của các cha (…) đối với các nữ tu từ phương xa mới đến, chân ướt chân ráo, là khi giao nhà các cha để lại tất cả các vật dụng, kể cả một trại nuôi gà”.

'Gia đình Franciscaines Dalat ngày xưa'

Học sinh của trường Franciscaines thập niên 1960

Ảnh: Gia đình Franciscaines Dalat cung cấp

Trường Franciscaines Missionnaires de Marie, tên thường được gọi là trường Franciscaines, trường dòng Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ, Vierge Maria, thực ra tên Việt hóa đầy đủ trên giấy tờ pháp nhân vào đầu thập niên 1970 là trường Thương-Mãi Franciscaines. Trường được thành lập ban đầu với các mục đích cụ thể: giúp cho các nữ sinh có kỹ năng gia chánh; tìm một lối thoát cho những nữ sinh gặp chuyện không may trên đường học vấn; nâng đỡ và khuyến khích những nữ sinh nghèo để sớm có nghề bảo đảm sau này; đào tạo các nữ sinh có nghề nghiệp vững chắc, có thể đảm bảo đời sống gia đình; có một khả năng sinh ngữ vững vàng để dễ dàng trong sinh kế về sau. 
Với chiều hướng đào tạo thiết thực như vậy, trường chỉ tuyển sinh những người đã tốt nghiệp chương trình đệ tứ hoặc troisième (đệ tam, tương đương lớp 10). Khi vào trường, các giáo sư tư vấn để học viên chọn ngành nghề thích hợp. Chương trình học hai năm tại đây, gồm có: Sinh ngữ (Anh, Pháp, Nhật), Việt văn, Sử địa, Kinh tế, Toán học, Thụ nhân học tập, Đánh máy, Tốc ký, Kế toán, Thương mại, Dân luật, Luật Thương mại và Luật Lao động. Ngoài ra, học viên còn được bổ túc kiến thức về thuế vụ, ngân hàng, kế toán, bảo hiểm, được nghe các kinh nghiệm thực tế từ những giám đốc xí nghiệp hay người có chuyên môn kinh doanh thỉnh giảng; được thực tập tại Air Vietnam, Shell, Esso, công ty đường, thuế vụ... tại Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn.
Mỗi năm, trường này nhận 100 học viên. Ban quản trị của trường cũng thường xuyên có những kêu gọi ân nhân hảo tâm góp tay hỗ trợ những học viên ưu tú gặp hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo theo đuổi việc học.
Theo tập tài liệu Văn hóa Đà Lạt do Nguyễn Bảo Trị và các sinh viên Viện Đại học Đà Lạt thực hiện vào năm 1974, thì trường này có một lưu xá dành cho 50 nữ sinh.

Trường chỉ tuyển sinh những người đã tốt nghiệp chương trình đệ tứ hoặc troisième (đệ tam, tương đương lớp 10)

Ảnh: Gia đình Franciscaines Dalat cung cấp

Người viết may mắn kết nối được với nhóm cựu học sinh nội trú củ̉a ngôi trường này hiện đang sống ở ngoại quốc. Trong thập niên 1960, nhóm học sinh này tuổi từ 8 đến 17 tuổi; học nội trú và bán trú. Học sinh nội trú đến từ Sài Gòn, Nha Trang, Pleiku, Đà Nẵng, Huế và có cả những học sinh nước ngoài đến từ Vientiane (Lào) và Phnom Penh (Campuchia).
Nhóm đại diện “gia đình Franciscaines Dalat ngày xưa” viết trong thư: “Chúng tôi thật yêu quí những chuỗi ngày thơ ấu đó và rất biết ơn những sự dạy dỗ của các soeurs. Các soeurs đối với chúng tôi rất nghiêm khắc, nhưng khi lớn lên, chúng tôi mới biết được cái giá trị của sự nghiêm khắc đó. Có một điều rất quí mà chúng tôi đã học từ các soeur đó là lòng thương người mà chúng tôi đã đem ra và áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Thuở đó, các soeur dạy cho chúng tôi đan áo, tất, mũ để đến thứ năm, hoặc cuối tuần đi thăm viếng những gia đình nghèo khó sống quanh trường, hoặc đôi khi, các soeur đã chở chúng tôi vô tận các buôn Thượng để thăm viếng và ủy lạo. Những kiến thức mà chúng tôi đã học hỏi từ các soeur thật vô giá, vì nó đã tạo cho chúng tôi có một cái nền tảng về lễ phép, lịch sự, thương người thật vững vàng khi bước chân ra xã hội, cũng như trong gia đình”.
Những ngày đầu năm 1975 trường này phải giải tán vì chiến tranh. Và 4 năm sau thì các sœur phải bàn giao khu tu viện và nhà nguyện cho chính quyền mới. Khoảng thời gian này cũng được các sœur ghi chép đầy tinh thần chia sẻ nhưng khó giấu được nỗi ngậm ngùi: “1975 là một lời mời gọi chị em từ bỏ, can đảm thay đổi nếp sống và ‘làm lại cuộc đời’ cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Như con thuyền trôi ngược dòng, chị em cố gắng vượt mọi thử thách, cho đến năm 1979 sau khi bàn giao nhà số 5 - Gia Long chị em ‘thong dong’ như khách lữ hành, để sống tinh thần nghèo khó và chia sẻ vận mệnh của quê hương…”. (Còn tiếp)

(Trích từ cuốn sách biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù, Phanbook & NXB Phụ nữ ấn hành, 2019)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.