Bí mật ngư y triều Nguyễn - Kỳ 5: Săn lùng và tuyển dụng ngự y

26/08/2015 05:47 GMT+7

Việc tuyển dụng quan ngự y triều Nguyễn thông qua một quy trình nghiêm ngặt, chặt chẽ nhưng cũng có những trường hợp cá biệt được phá lệ.

Việc tuyển dụng quan ngự y triều Nguyễn thông qua một quy trình nghiêm ngặt, chặt chẽ nhưng cũng có những trường hợp cá biệt được phá lệ.
Ông Phan Tấn Tô, Phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên-Huế giới thiệu châu bản liên quan đến quy trình tuyển dụng quan ngự y triều Nguyễn - Ảnh: Tuyết KhoaÔng Phan Tấn Tô, Phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên-Huế giới thiệu châu bản liên quan đến quy trình tuyển dụng quan ngự y triều Nguyễn - Ảnh: Tuyết Khoa
Quy trình tuyển dụng ngự y
Theo tài liệu châu bản Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, việc tuyển chọn các thầy thuốc được tổ chức rất kỹ, thông qua hội đồng sát hạch, gồm có Viện Cơ mật, Nội các, Xứ Thị vệ và Thái y viện... Sau khi hội đồng này đã sát hạch, sẽ làm danh sách tâu lên và đích thân nhà vua sẽ phê chuẩn. Sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chép, năm Minh Mạng thứ 18 (1837), nhà vua ban sắc rằng: “Viện Cơ mật, Nội các đem các nhân viên hiện tại ở Thái y viện sát hạch, kiểm tra. Người nào khá thông nghề chữa bệnh, biết rõ phương pháp và cùng tìm tòi bên ngoài có danh y nào nữa, cùng lập tức đòi đến sát hạch tâu lên”.
Năm Tự Đức thứ 1 (1849), vua ban dụ: “Viện Thái y hiện nay người am hiểu lão thành cũng ít... Vậy cho viện Cơ mật, Nội các, Thị vệ, nhanh chóng lập hội đồng, họp tất cả nhân viên viện ấy, hỏi kỹ về mạch lý, xét cho cùng về sách thuốc. Người nào thành thuộc tinh thông, học rộng thì tâu xin sung bổ, nếu trong viện đều là người tầm thường, không thể đương nổi chức vụ ấy mà người ngoài viện lại có tay thầy thuốc giỏi giang, đáng sung chức ấy thì không ngại gì, cứ thực tâu rõ. Đợi chỉ liệu cho bổ bạt. Còn cả những viên đang làm ngự y viện ấy cũng phải sát hạch lại. Nếu quả là làm nổi chức vụ, chữa thuốc có phương pháp thì tâu cho giữ chức vụ như cũ. Nếu ai mà tay nghề còn bỡ ngỡ, khó làm việc lập được công, thì trích ra tâu rõ, đợi chỉ bãi truất để tỏ sự khuyên răn”.
Tiến cử danh y
Vua còn ban chỉ dụ cho các quan địa phương để tìm chọn danh y tài giỏi để tiến cử đưa vào cung. Bản dụ năm Tự Đức thứ 4 (1852) cho biết: “Truyền chỉ cho các quan địa phương, đều xét hỏi trong hạt, có người nào quen nghề làm thuốc, được mọi người đều khen là người xuất sắc ở trong hạt, thì mỗi tỉnh chọn kỹ, lấy 1 - 2 người, kê rõ họ tên, tuổi, quê quán, rồi tư giao cho bộ Lễ, hội lại làm danh sách tâu lên. Lại hậu cấp tiền lộ phí, cấp giấy cho tới kinh chờ đợi. Lại giao cho viện Cơ mật, Nội các, xứ Thị vệ hội đồng sát hạch, chia hạng tâu lên, đợi Chỉ bổ dụng cho rộng nghề làm phúc. Nếu quan tỉnh để cho họ giấu giếm, trốn tránh, đến nỗi bỏ sót người giỏi, khi phát giác ra thì có lỗi không nhỏ đâu”.
Ngay đến hội đồng sát hạch, bản dụ trên cũng lưu ý: “Các ngươi ở viện Cơ mật, Nội các, xứ Thị vệ lần này vâng chỉ sát hạch cốt chọn được người để làm đúng với chức vụ. Nếu cử bậy, chọn phải người kém, thì can lỗi không nhỏ đâu. Lòng yêu vua không gì hơn việc này, nên suy nghĩ kính cẩn”.
Trong tập châu bản thời Gia Long, tờ ghi ngày 15.6, Gia Long 4 (1805) ghi rằng: “Nay triệu danh y là thầy Kiên về kinh ứng hầu và ban cấp 100 quan tiền cho vợ con ở nhà tiêu dụng”.
Lá đơn xin việc “cá biệt”
Tuy quy trình tuyển dụng nghiêm ngặt là vậy, nhưng châu bản cũng cho thấy có những trường hợp cá biệt đã được phá lệ. Châu bản dưới thời Minh Mạng còn lưu lại một lá đơn xin việc có lẽ là có một không hai từ xưa tới nay. Đó là bản tấu của quan ngự y Võ Văn Hoãn xin việc cho 4 người con và một người cháu được vào Thái y viện làm việc.
Tờ tấu bằng chữ Hán được dịch nghĩa như sau: “Ngu dân là thái y Võ Văn Hoãn, người làng Mỹ Lộc, huyện Phong Lộc, phủ Quảng Bình, cư ngụ tại ấp Giang Tiên, xã Dương Xuân, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, cúi lạy dâng tấu xin được sáng suốt soi xét cho sự việc sau:
Ngu dân theo đòi nghiệp y, cũng biết ít nhiều về mạch lý mà con cháu của ngu dân cộng cả thảy 5 người đều theo nghiệp y, hiện nay đã trưởng thành, nhưng chưa được nhập vào ti vệ nào cả, liền bạo dạn làm tờ tấu văn này để trình bày, cúi xin Hoàng thượng mở lượng hải hà, xin được bổ nhiệm cho cha con ngu dân cùng đứa cháu cộng cả thảy là 6 người được vào làm y sinh ở Thái y viện. Kính nhờ hưởng được dư ba. Tên tuổi của ngu dân và con cháu được liệt kê sau dây, ngư dân vô cùng cảm tạ, lo sợ chẳng dám tấu bày thêm:
Ngu dân là Võ Văn Hoãn, 62 tuổi. Dưới đây là các con: Võ Văn Duy (32 tuổi), Võ Văn Căng (29 tuổi), Võ Văn Thi (23 tuổi), Võ Văn Duật (22 tuổi). Cháu: Võ Văn Hi (18 tuổi).
Bản tấu ghi ngày 24 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 7 (1826), có kèm theo ý kiến của quan ngự y Nguyễn Khoa Minh ở Thái y viện tuân chỉ sắp xếp cho 4 người con và một người cháu ông Hoãn được vào đăng bạ vào cư trú ở xã Dương Xuân (để vào làm y sinh trong Thái y viện - PV) theo tấu xin của phủ Thừa Thiên.
Tuy vậy, có lẽ do việc dâng tấu của ông Hoãn là không đúng nguyên tắc nên phần nhận xét có ghi: “Võ Văn Hoãn vì tuổi tác cao nên miễn đánh trượng, cho các con, cháu của ông được gồm 5 người xét theo điều đã xin của phủ Thừa Thiên cho vào nơi ở xã Dương Xuân để đăng bạ (tức nhập hộ khẩu - PV)”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.