Biến tướng lễ hội để trục lợi

11/01/2017 07:26 GMT+7

Báo cáo của Bộ VH-TT-DL về tình hình lễ hội 2016 cho thấy đây là một năm nhà quản lý vất vả, trong đó có việc nhiều địa phương cố tình lách luật tổ chức chọi trâu.

Theo báo cáo ở Hội nghị tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2016 chiều 10.1 tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL cho biết có tới 6/7 huyện của tỉnh Yên Bái tổ chức lễ hội chọi trâu trong năm 2016. Đó là các huyện Yên Bình, Văn Yên, Lục Yên, Nghĩa Lộ, Trấn Yên và Văn Chấn. Điều đáng nói, đây không phải lễ hội truyền thống của địa phương này. Chính vì thế, Bộ đã xếp Yên Bái vào danh sách các địa phương chưa thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng và Bộ VH-TT-DL. Trước đó, Bộ từng ban hành quy định các lễ hội có yếu tố hiến sinh, bạo lực sẽ không được tổ chức trừ khi nó đã là di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
“Ăn vạ” vì không được… chọi trâu
Ngoài Yên Bái, nhiều địa phương khác cũng bị “bêu tên” trong danh sách cố tình tổ chức chọi trâu như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Giang, Tuyên Quang, Bình Phước, Lào Cai và Sơn La. Thậm chí, theo nhà quản lý, một số nơi còn cố tình “lách luật” để tổ chức chọi trâu dưới tên gọi thi trâu đẹp trâu khỏe, hay hội chọi trâu chứ không gọi là lễ hội. “Điển hình nhất là Phúc Thọ, Hà Nội, hồ sơ xin tổ chức hoạt động là thi trâu đẹp trâu khỏe song thực tế lại là chọi trâu. Trong hồ sơ họ cố tình không nêu rõ nội dung thi trâu đẹp trâu khỏe là thế nào. Họ lờ đi và nói là thi trâu khỏe, chứ không nói là cho hai con trâu đấu nhau”, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL nói.
Bà Thủy khẳng định đó chính là biến tướng lễ hội để trục lợi. Các lễ hội chọi trâu này chủ yếu do các doanh nghiệp đứng ra tổ chức cùng với địa phương. “Việc trục lợi có nhiều biểu hiện. Thứ nhất, họ bán vé thu tiền với giá rất cao. Thứ hai là trâu chọi hay trâu không chọi cũng thịt hết và bán thịt với giá thật cao. Nghiêm trọng là có tổ chức cá cược giữa các cặp đấu và việc thu tiền cá cược diễn ra rất tinh vi. Nó nảy sinh bất ổn từ đó”, bà Thủy nói.


Việc trục lợi có nhiều biểu hiện. Thứ nhất, họ bán vé thu tiền với giá rất cao. Thứ hai là trâu chọi hay trâu không chọi cũng thịt hết và bán thịt với giá thật cao. Nghiêm trọng là có tổ chức cá cược giữa các cặp đấu và việc thu tiền cá cược diễn ra rất tinh vi. Nó nảy sinh bất ổn từ đó


Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL


Có những doanh nghiệp còn “ăn vạ” nhà quản lý khi không được tổ chức chọi trâu gây thiệt hại về kinh tế. “Họ đã đầu tư rất nhiều nhưng chúng tôi kiên quyết không cho tổ chức. Chúng tôi cũng yêu cầu chính quyền địa phương vào kiểm tra và dừng tổ chức. Bắc Ninh đã dừng tổ chức ngay. Còn Phúc Thọ (Hà Nội) năm nay chắc chắn không tổ chức nữa. Doanh nghiệp ở Yên Bái thậm chí còn gửi đơn thư gây sức ép nhưng Bộ kiên quyết không cho tổ chức”, bà Thủy cho biết.
Cần thay đổi nhận thức cộng đồng
Một số địa phương vẫn muốn tiếp tục được tổ chức chọi trâu. Đại diện tỉnh Bình Phước cho rằng việc tổ chức chọi trâu ở tỉnh này là có liên quan đến truyền thống địa phương. Đó là một hoạt động gắn với cầu mùa ở Đông Nam bộ. Trường hợp nếu Bộ không cho phép, Bình Phước cũng chấp nhận, nhưng người dân ở đây vẫn muốn được tổ chức lễ hội như vậy. “Chúng tôi dùng đúng từ là đụng trâu. Người dân mong được tháo gỡ khúc mắc này, đề nghị được tổ chức”, vị đại diện này cho biết.
Về điều này, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Cần xem kỹ nguồn gốc và ý nghĩa lễ hội trước khi cấp phép. Chẳng hạn, ở Đồ Sơn thì hồ sơ lễ hội đã có từ rất lâu, nó cũng được tổ chức lâu đời. Nhưng có những tỉnh bao lâu chẳng tổ chức mà giờ lại xin tổ chức thì phải xem rõ nguồn gốc khoa học, ý nghĩa lễ hội mà họ trình lên”.
Tuy nhiên, hiện rất khó xử phạt chọi trâu biến tướng do lỗ hổng của pháp luật. “Chưa có những quy định hành vi vi phạm cụ thể như vậy nên rất khó xử lý. Chính vì thế, việc hạn chế chọi trâu phụ thuộc lớn vào nâng cao ý thức từ các địa phương nữa. Chúng tôi nhất định không đồng ý cho tổ chức các lễ hội có yếu tố hiến sinh, bạo lực như vậy”, bà Thủy nói.


Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, có những lễ hội khi tổ chức dự khai mạc hầu hết là cán bộ đảng viên, nhưng khi khai mạc xong thì cả ban thờ, lộc đều bị lột xuống lấy. “Đã có chỉ thị của Ban Bí thư nhưng tinh thần nêu gương, vai trò làm gương của lực lượng này vẫn còn có hạn chế”, ông nói.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL, lên án tình trạng bạo lực của lễ hội đá cầu cướp phết, hiện tượng cướp lộc hoa tre ở đền Sóc (Hà Nội). Theo ông Hùng, để hạn chế tình trạng bạo lực này rất cần xử lý nghiêm. “Cướp lộc mà dùng cả thắt lưng quật vào nhau, rồi chỉ nhắc nhở là không được”, ông Hùng nói.
Để nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội, TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng chỉ có cách thuyết phục mới có thể khiến cộng đồng thay đổi nhận thức. Việc đó cần được thực hiện trên cơ sở rất hiểu người dân, rất hiểu tập tục xưa qua nghiên cứu kỹ tư liệu. “Chẳng hạn, chúng tôi đi tìm hiểu về lễ hội chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh). Chúng tôi đưa ra được văn bản là ngày xưa không có lễ rồi xông vào chém máu me như thế mà chỉ có thịt lợn dâng lễ. Do đứt gãy thực hành văn hóa nhiều năm, sách vở lại bị mất nhiều nên khi thực hành lại sẽ có những sai lạc. Vì thế, cần phải nghiên cứu sâu để vận động họ thực hành đúng văn hóa”, bà Lý nói. Trên thực tế, sau khi vận động, người dân Ném Thượng đã đưa việc thịt lợn vào khu vực kín đáo hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.