Bộ sưu tập đèn cổ hàng đầu Việt Nam

08/07/2009 00:17 GMT+7

Một người đàn ông chẳng may qua đời vì tai nạn giao thông khi mới ngoài ba mươi tuổi. Điều bất ngờ là trong di sản của anh, có bộ sưu tập đèn cổ được cho là lớn nhất Việt Nam. Bộ sưu tập này đang được gia đình chào bán để làm từ thiện.

Những cây đèn độc đáo

Qua sự giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tìm đến căn hộ của ông bà Lê Công Chiêm ở số 400/1 Ung Văn Khiêm (P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Căn nhà nằm lọt thỏm giữa những công trình đang xây dựng cho nên lúc nào cũng phải đóng kín cửa. Thế nhưng, bụi vẫn len được vào nhà, bám lên những bàn ghế, phủ lên những chiếc tủ kính đựng đầy đèn cổ và cả trên những bao lam gỗ được chạm khắc hết sức tỉ mỉ.

 Những chiếc đèn cổ trong bộ sưu tập của anh Lê Anh Đức
Những chiếc đèn cổ trong bộ sưu tập của anh Lê Anh Đức - Ảnh: H.Đ.N

Đập vào mắt chúng tôi là 2 cây đèn cổ bằng thủy tinh màu được 2 tượng thần (một nam và một nữ, đúc bằng đồng với những đường nét uyển chuyển, tinh tế) cầm vươn lên cao. Trộm nghĩ, chỉ với cặp đèn này, ắt hẳn chủ nhân của nó xưa kia phải là hạng quý tộc. Chính giữa nhà là chiếc tủ kính lớn, được ngăn thành mấy tầng để chứa đèn. Đa số chưng ở tủ này là đèn thủy tinh màu mang dáng dấp nghệ thuật thời Phục hưng của châu u, với chân đèn là tượng các vị thần Hy Lạp bằng đồng... Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với các chao đèn bằng thủy tinh mà phần mép được thổi uốn lượn hình những bông hoa cách điệu, không cái nào giống cái nào.

Sau 10 năm chơi đèn, bộ sưu tập của Lê Anh Đức đã lên đến khoảng 500 hiện vật (bộ sưu tập đèn cổ của linh mục Nguyễn Hữu Triết được đánh giá là lớn nhất Việt Nam chỉ chưa tới 400 hiện vật - theo Báo Nhân Dân ngày 12.3.2005). Nhiều người trong giới sưu tầm đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết chủ nhân của bộ sưu tập đèn cổ này trước khi qua đời là một người còn rất trẻ. Sự ra đi đột ngột của Đức khiến cho nhiều dự tính của anh không thực hiện được (trong đó có việc thành lập bảo tàng đèn cổ tư nhân) mà còn mang theo cả "lý lịch" của rất nhiều cổ vật...

Chủ nhân ngôi nhà đưa chúng tôi lên lầu một. Ở đây còn nhiều đèn hơn ở tầng trệt. Đó là những chiếc đèn cổ được làm bằng đất nung (loại đèn này được người xưa đốt bằng mỡ động vật) nằm chen chúc bên nhau. Rồi những chiếc đèn cổ bằng gốm sứ mà mỗi chiếc bầu đèn là một tác phẩm nghệ thuật hội họa hoặc điêu khắc tuyệt đẹp (vẽ thủy mặc, đèn hình chim cú mèo, đèn hình voi...). Ở trên lầu, ngoài số đèn cổ chưng trong tủ kính còn có 2 chiếc tủ lớn chứa đèn cổ được khóa chặt vì sợ bụi. Trên nóc tủ chất lủ khủ những chiếc đèn lớn bằng đồng. Đó là những chiếc đèn bão dùng cho tàu thuyền đi biển, đèn hỏa xa, đèn chùm trang trí nội thất (treo trần nhà). Ngoài ra, còn rất nhiều những "linh kiện" đèn mà trước đó được tháo rời ra để dễ vận chuyển nhưng chưa kịp lắp ráp lại thì người sưu tầm đèn đã không còn nữa.

Nhà sưu tập yểu mệnh

Kể về đứa con út tài hoa yểu mệnh của mình, ông Lê Công Chiêm bảo: "Nhà tôi chẳng có ai chơi đồ cổ, vậy mà Lê Anh Đức mới 6 tuổi đã thích chơi tem, 10 tuổi đã gia nhập Hội tem TP Hà Nội. Rồi Đức đam mê tiền cổ và đồ cổ. Năm 1992, theo gia đình vào sinh sống tại TP.HCM, Đức có thêm một thú sưu tầm mới: đèn cổ!".

Nhìn di ảnh, Lê Anh Đức (sinh năm 1970, mất năm 2002) là một thanh niên đẹp trai, đầy sức sống. Ở tuổi 32, Đức đã có 2 bằng đại học (Luật và Bưu chính viễn thông). Trước khi mất, Đức từng là chuyên viên Cục Quản lý tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Bưu chính viễn thông. Chính nhờ công việc này mà Đức đã được cử đi công tác ở một số nước Tây u và anh đã không bỏ qua những cửa hàng đồ cổ, nhất là đèn cổ ở các nước này, cũng như đã từng đi khắp các phố bán đồ cổ ở Việt Nam.

 Ông Lê Công Chiêm và di ảnh anh Lê Anh Đức
Ông Lê Công Chiêm và di ảnh anh Lê Anh Đức

Đức đến với cuộc chơi đèn cổ khi hãy còn là một cậu học sinh. Khi ấy, kiến thức về đồ cổ chưa nhiều, hễ thấy thích là anh mua. Mua bằng tiền để dành, tích cóp được, cũng có khi phải vay mượn của bạn bè, người thân để sở hữu cho bằng được một món cổ vật mà mình yêu thích. Ngoài đam mê chơi đồ cổ (tem, tiền, gốm sứ, máy nghe nhạc, đàn piano, gươm, đồ sơn mài, bao lam...), Lê Anh Đức còn có năng khiếu về vẽ, dù chưa học qua trường lớp nào nhưng treo rải rác trên tường nhà là những bức tranh tự họa của anh. Đây là bức Đức vẽ mình đang mệt mỏi gục đầu trên bàn làm việc trong đêm vắng, trước mặt anh là một cây đèn dầu cổ. Bức khác là một thanh niên cởi trần đang ngoái nhìn một cánh chim trắng bay vút cuối trời. Phải chăng Đức đã dự cảm được "chuyến đi xa" của mình ?!

Ông Lê Công Chiêm tâm sự: "Vợ chồng tôi nay đã có tuổi, sống được bằng lương hưu. Người anh của Đức cũng đã có gia đình và ở riêng. Quả thật chúng tôi không biết làm gì với những di sản Đức để lại. Cuối cùng gia đình thống nhất bán bộ sưu tập này lấy kinh phí để xây một ngôi trường tiểu học ở vùng quê Quảng Nam. Ngôi trường có thể sẽ mang tên nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) là cha vợ tôi, ông ngoại của Đức".

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.