Bolero bị hạn chế trong không gian Nhà hát Lớn

30/07/2016 07:43 GMT+7

Bắt đầu từ cuối tháng 8, đầu tháng 9, các chương trình đỉnh cao của các loại hình nghệ thuật như giao hưởng, kịch, tuồng, chèo, cải lương sẽ được đưa vào biểu diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).

Nhiều chương trình bị hạn chế
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL), 12 nhà hát nghệ thuật thuộc Bộ (Dàn nhạc giao hưởng VN, Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Tuồng VN...) sẽ luân phiên đưa các tác phẩm xuất sắc của nhà hát biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Chủ trương được đưa ra để nhằm mục đích bảo tồn nghệ thuật truyền thống và sau đó là xây dựng các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
“Đất nước nào cũng phải có nghệ thuật đỉnh cao, đại diện cho đất nước đó quảng bá giao lưu với thế giới. Xây dựng các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Bộ VH-TT-DL. Đương nhiên giữa xây dựng và bảo tồn sẽ lựa chọn cả 2, nhưng trước hết là bảo tồn nghệ thuật truyền thống”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho hay.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn (Hà Nội), cho biết: “Bộ có cơ chế ủng hộ để nhà hát thực hiện chủ trương này”. Theo bà Nguyệt, nhà hát sẽ hạn chế các đêm nhạc bolero, ca nhạc tạp kỹ, các lễ kỷ niệm.
Trước thông tin nhạc bolero sẽ bị hạn chế biểu diễn tại Nhà hát Lớn, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận: “Trước hết chúng ta phải khoanh vùng khái niệm đỉnh cao, đỉnh cao của thế giới hay của VN. Khi xác định được khái niệm đỉnh cao, sẽ xác định được những tác phẩm đỉnh cao. Nếu các tác phẩm đỉnh cao vừa theo tiêu chí thế giới và VN thì cũng cần nhìn nhận bolero không phải là không có giá trị với âm nhạc VN, mà là rất có giá trị. Dòng nhạc này vừa mang yếu tố âm nhạc phương Tây vừa mang nét âm nhạc dân gian Nam bộ bên trong đó, phù hợp với tình cảm của người VN”.
Mặc dù các đêm nhạc bolero sẽ bị hạn chế, nhưng lại là cánh cửa mở để các tác phẩm nghệ thuật truyền thống bước vào Nhà hát Lớn. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng: “Không gian Nhà hát Lớn không phù hợp với âm nhạc dân gian. Nhưng với các tác phẩm tuồng, chèo, cải lương có thể coi là kịch hát chuyên nghiệp của VN thì lại hoàn toàn phù hợp”. “Tuồng, chèo, cải lương có thể coi là những loại hình nghệ thuật hàn lâm của VN nên việc đưa vào Nhà hát Lớn là việc cần làm”, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Sân khấu VN, nhìn nhận.
Nỗi lo ế vé, vắng khách
Tuy nhiên, không phải không có những nỗi e ngại về tính khả thi của việc duy trì các chương trình biểu diễn theo chủ trương nói trên tại Nhà hát Lớn. Bởi thực tế, Nhà hát Chèo VN đã có nhà hát riêng là rạp Kim Mã (Hà Nội), tại đây nhà hát cũng đã có các chương trình biểu diễn định kỳ. Nhà hát Tuồng VN cũng biểu diễn định kỳ tại rạp Hồng Hà (Hà Nội). Tuy nhiên, chuyện rạp vắng khán giả không phải là hiếm. “Chúng tôi rất khó khăn để kéo khán giả đến với tuồng. Chúng tôi cũng đưa ra nhiều phương thức, thậm chí diễn miễn phí để nhằm mục đích bảo tồn nghệ thuật truyền thống, nhưng khán giả đến cũng rất ít”, ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng VN, chia sẻ. Ông Tuấn cũng lo lắng rằng việc đưa tuồng ra Nhà hát Lớn chi phí cao hơn, liệu vé bán có đủ bù chi phí? Cùng mối lo ấy, NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo VN, cho rằng chương trình diễn ra tại nhà hát sẽ có giá vé cao hơn, là một thách thức không nhỏ.
“Đó là tình trạng lâu nay của nghệ thuật truyền thống. Bởi vậy, mặc dù Nhà hát Lớn ở vị trí đẹp, thuận lợi và dễ thu hút du khách, nhưng đã đưa nghệ thuật truyền thống vào đây cũng phải biết quảng bá, sau đó là lựa chọn các tác phẩm xuất sắc, phù hợp thì mới mong có khán giả đến”, NSND Lê Tiến Thọ nhìn nhận.
Trước nỗi nghi ngại “giấc mơ nhà hát lớn” với nghệ thuật truyền thống liệu có khả thi hay không, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Các loại hình nghệ thuật truyền thống thời gian vừa qua gặp khó khăn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có kế hoạch, giải pháp cụ thể, như xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí, cách thức đặt hàng tác phẩm thế nào. Chúng tôi sẽ bố trí các chương trình nghệ thuật biểu diễn kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và du lịch, bố trí các tour du lịch đến địa điểm này. Hiện nay chúng tôi đã làm việc với Tổng cục Du lịch. Tuy nhiên quá trình này không thể ngắn hạn được, mà đòi hỏi phải có thời gian”.
Nói về giải pháp lâu dài trong việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cho biết: “Chúng tôi sẽ tìm cách đưa khán giả đến với nghệ thuật truyền thống. Bảo tồn nhưng cũng phải có thị trường để thu hút lực lượng trẻ, trước hết họ sẽ theo học ở các trường nghệ thuật và sau làm việc tại nhà hát”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.