Bồng mùa xuân trên tay

08/02/2019 10:09 GMT+7

Một hài nhi vừa lọt lòng mẹ, chỉ mới dăm tháng được ngắm nhìn cuộc đời, chan hòa trong thế giới yêu thương, có phải là... một nghệ sĩ? Chà, thoạt đã nghe thấy tiếng cười rộ lên bởi câu hỏi này ngớ ngẩn quá đi mất.

Thì cứ cho là thế. Nào ai dám cãi. Nếu trước đây, chưa từng có con ắt tôi cũng cãi nhưng rồi, nay đã có suy nghĩ khác. Tôi nghĩ, mọi đứa bé ấy chính là những nghệ sĩ kỳ diệu nhất mà chỉ những ai làm ba làm mẹ mới có thể phát hiện và cảm nhận.
Tại sao thế?
Một khi chăm sóc, nuôi dạy con từng ngày, mỗi ngày chính là lúc các bậc phụ huynh tiếp cận với một thế giới khác. Thế giới của chồi non đang lớn dần. Ở đó và lúc đó, mọi phiền muộn, lo toan hằng ngày đã rũ bỏ phía ngoài cánh cửa. Họ bước vào thế giới của câu chuyện thần tiên. Rón rén nhìn vào nôi là lúc họ cảm nhận một mùa xanh đang cựa quậy, đầy sức sống. Tất cả tươi mới như đang ngắm nhìn lộc nõn mơn mởn đến độ họ phải thốt lên: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi” (Xuân Diệu). Cắn ư? Không đâu. Với thiên thần, hài nhi bé bỏng ấy, phải dùng từ “thơm”, “nựng nựng nà na” thì mới diễn tả được hành động nâng niu yêu dấu...
Và kỳ lạ thay, dù bé chỉ mới óe oe, oa oa, í i... lúc đòi măm sữa, chưa biết nói, biết lật nhưng rồi ta lại có cảm giác đó chính là... biểu diễn của người nghệ sĩ. Sự liên tưởng, ví von tưởng chừng kỳ quặc nhưng thật ra đó chính là biểu hiện của tình yêu thương vô bờ bến mà các phụ huynh đã dành cho con. Chỉ với lòng yêu thương con trẻ như yêu lấy chính mình, thậm chí còn hơn cả thế, con người ta mới có những giây phút tâm tình tuyệt vời nhất. Chẳng hạn, lúc con khóc, ai lại không nghĩ, con mình… đang hát? Trong tiếng khóc còn nghe cả tiếng lòng của mình đang dậy men hạnh phúc đó thôi, vì thế, họ đã nghe nhiều giai điệu tươi mới của âm nhạc.
Những ngày đầu xuân này, tôi đã nghe, đã cảm nhận: “Mở đầu là Đô, Rê, Mi/Fa, Son lại chuyển La, Si nhịp nhàng/Bé xíu mà giọng oang oang/Lý Con sáo, Lý Tình tang... Ối dào/Líu lo chim chóc ùa vào/Hòa nhịp ríu rít ngọt ngào du dương”. Nghe ra hay quá đi chứ? Nhưng rồi, bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng chẳng muốn cô nàng/cu cậu “hát” mãi, bèn dỗ dành. Bé nghe theo mà ngưng giọng “thỏ thẻ oang vàng” chăng? Không hề: “Từ nôi, mẹ bế qua giường/Em lại ngẫu hứng... cải lương nữa kìa/Đêm khuya mặc kệ đêm khuya/Em vẫn quyết chí nọ kia nhóe nhòe”. Cuối cùng, họ phải “đầu hàng” trước bài ca... mít ướt, bèn thốt lên... năn nỉ: “Lời ca - ba mẹ đã nghe/Bây giờ, em hãy cười toe đi nào”.
Thử hỏi, có ca sĩ chuyên nghiệp nào đã rơi vào tình huống oái oăm này chưa? Chỉ cần nghĩ đến đó, đã thấy vui. Vui từ tiếng khóc của con mà nghe như tiếng hát, để rồi họ quả quyết chắc nịch, đố ai dám cãi: “Giọng ca tuyệt nhất trên đời/Là bé diễn lúc… nằm nôi khóc nhè”. Được thưởng thức giọng ca vàng thuộc hạng... diva ấy, há chẳng phải là diễm phúc đó sao?
Không chỉ ca sĩ, các hài nhi ấy còn thừa bản lĩnh để trở thành nghệ sĩ biểu diễn nữa đấy. Này, các bé nhóc ấy đã tung chiêu, mảng miếng thế nào khiến khán giả mê mẩn tưởng chừng như “ngất trên cành quất”? Thì đây, “Chân tay vùng vẫy dọc ngang/Âm thanh nhõng nhẽo, nhịp nhàng, nhẻo nheo/Cao trào em hú hù hu/Mẹ ba xúc động liền ru nôi liền”. Chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra trong giây phút ấy? “Bất ngờ, em lại nằm yên/Mút tay chùn chụt nằm nghiêng nhẻo cười”. Nghệ thuật chuyển “tông” độc đáo quá đi chứ? Chà, chà, thế là cả nhà thở phào nhẹ nhõm chứ gì?
Nhầm to.
“Ngờ đâu em lại cất lời oang oang”. Có nghĩa là vở kịch vẫn còn, người nghệ sĩ vẫn đang thể hiện tài năng siêu đẳng, dai dẳng đến độ: “Ba mẹ liền vỗ tay vang/Ới cô nghệ sĩ... hạ màn được chưa?”. Khi viết những câu thơ này, tôi cứ tủm tỉm cười khi nghĩ, nếu danh hài Kép Tư Bền của nhà văn Nguyễn Công Hoan chứng kiến ắt cũng phải... hạ nón chào thua.
Phải nói thật rằng, từ lúc có con và chính từ con thì người lớn mới có cơ may để được trở thành trẻ con. Thích nhỉ? Vì chính trẻ con mới có thể bầu bạn và trò chuyện cùng muôn thú, muôn hoa. Không phải ngẫu nhiên, mà muông thú, muôn hoa trong các câu chuyện cổ tích năm châu bốn biển đều biết nói tiếng người. Sự hồn nhiên, thánh thiện, trong trẻo của các hài nhi bé bỏng mới có thể nhận biết đấy. Tôi tin là thế.
Vì lẽ đó, trong ngày đầu xuân này, không riêng gì tôi, các bậc làm cha làm mẹ nào cũng đều sung sướng lúc: “Bé diện bộ áo liền quần/Hoa thơm, chim chóc rần rần: “Quá xinh”/Bé xinh dứt khoát là xinh/Miệng cười tỏa nắng bình minh đầu mùa”. Ối chà chà, thế thì bé cũng ngang ngửa... người mẫu đấy chứ, dù chưa một lần xuất hiện trên sàn catwalk!
Trong cõi thiên nhiên, trời đất chỉ có mùa xuân mưa thuận gió hòa mới đem lại trong lòng ta một niềm hạnh phúc, diệu kỳ mới mẻ. Chỉ có thế thôi ư? Không. Cảm giác ấy cũng có được lúc ta chăm con trong tình yêu thương mỗi ngày “Miệng nhai cơm bún, lưỡi lừa cá xương” (ca dao) đến lúc bé chập chững bước đi, bi bô cất lên tiếng nói thưa ba gọi mẹ... Há chẳng phải báu vật đấy sao? Vâng, đó cũng chính là lúc ta được ẵm, bồng mùa xuân từng ngày, mỗi ngày đã tượng hình từ hài nhi bé bỏng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.