Bùi Giáng… bói toán

28/04/2010 09:13 GMT+7

(TNTT>) Nhà thơ Bùi Giáng nổi tiếng về thơ và về nhiều cái lạ khác, nhưng riêng tôi được một lần chứng kiến một khả năng lạ của ông: khả năng bói toán. Chính xác hơn là xem tướng mặt rồi… phán.

Số là hồi mới giải phóng, tháng 5 ở Sài Gòn đang lâng lâng lên nhiều nỗi, tôi thì đang trong tình trạng… thất nghiệp vì cơ quan cũ đang giải thể sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, nên suốt ngày tôi rong ruổi trong một Sài Gòn vừa thoát khỏi chiến tranh.

Cũng không có chuyện gì to tát, chỉ là vui chơi và ăn nhậu. Hồi ấy sao rượu Tây nhiều thế, tới đâu tôi cũng được mời uống rượu Tây, còn bia thì là "chuyện nhỏ"! Một hôm, nhà báo Hoàng Liên, bạn cùng cơ quan với tôi trên chiến khu, mời mấy anh em tới nhà anh uống rượu.

Nhà Hoàng Liên trong hẻm, ngôi nhà cũng khá khiêm tốn. Khi tôi tới thì thủ trưởng của tôi và Hoàng Liên đã có mặt trước rồi. Chúng tôi vào tiệc ngay. Ngồi một chút thì có khách mới, đó là nhà văn Vũ Hạnh, nhà ở sát bên nhà Hoàng Liên. Nhà văn Vũ Hạnh nổi tiếng trong đô thị trước giải phóng, tôi đã được đọc nhiều tác phẩm của ông, nên cuộc gặp gỡ vui và không có gì bỡ ngỡ.

 Chuyện đang hồi rôm rả thì chợt cửa nhà Hoàng Liên như rung reng lên vì có những tiếng động lạ. Bước vào nhà, tới ngay tiệc nhậu (tiệc bày dưới sàn nhà) là một người đặc biệt: Râu tóc xõa xượi, vừa rung lắc cái gì, lại vừa quảy gánh cái gì, vừa cười nói tưng bừng. Tôi hơi đoán ra, nhưng phải nghe chủ nhà Hoàng Liên giới thiệu mới chắc đó  là nhà thơ Bùi Giáng.

 Té ra Bùi tiên sinh là đây! Tôi vui vì được gặp ông. Hồi ở chiến khu, tôi đã có dịp đọc nhiều tác phẩm của Bùi Giáng, cả sáng tác và dịch thuật. Lại đọc nhiều bài viết về Bùi tiên sinh trên một số tạp chí và báo văn nghệ Sài Gòn. Tới bây giờ mới thấy…

Bùi Giáng gặp chúng tôi rất tự nhiên, ông nói luôn miệng và không có gì tỏ ra e dè. Nhưng khi nhìn thấy Vũ Hạnh trong bàn nhậu, tự nhiên Bùi Giáng nói to: “Ông Vũ Hạnh này có nhà bốn lầu!” Báo hại nhà văn Vũ Hạnh không biết trả lời ra sao, may có Hoàng Liên nói đỡ:  “Anh Vũ Hạnh nuôi chim cút trúng nên xây được nhà, chứ không phải “gì” đâu!”. Bấy giờ chúng tôi mới biết nhà Vũ Hạnh có… bốn lầu, so với Sài Gòn hồi đó, cũng thuộc hàng trung lưu rồi. Bùi Giáng còn nói huyên thuyên nhiều thứ nữa, khiến vị thủ trưởng của tôi, một người không biết Bùi Giáng là ai phải cảnh giác. Có vẻ trong bàn tiệc không có ai hăng hái bắt chuyện với Bùi tiên sinh, trừ tôi. Tôi thì khoái chí vì gặp một ông anh nhà thơ vui đến thế này, có việc gì mà không bắt chuyện.

Bùi Giáng quay ra đố thơ với tôi. Những câu thơ Bùi Giáng đố tôi đều là thơ Huy Cận. Có câu tôi biết, có những câu tôi chưa biết, nên bài “thi trắc nghiệm” của tôi xem ra điểm không cao. Bùi tiên sinh có vẻ hơi thất vọng vì nghe giới thiệu tôi cũng có làm thơ. Tôi thanh minh với Bùi tiên sinh là tôi cũng thích thơ Huy Cận, nhưng có nhiều bài thơ Huy Cận tôi chưa đọc tới, nhiều câu thơ Huy Cận tôi chưa thuộc. Chưa đọc rồi sẽ đọc, chưa thuộc rồi…có thể không thuộc. Vì tới thơ mình tôi cũng không thuộc, làm sao tôi thuộc thơ người khác, kể cả thơ Huy Cận?

 Bùi Giáng có vẻ hài lòng về cách nói năng trời ơi của tôi. Ông chăm chú nhìn mặt tôi, rồi bỗng… phán: “Anh là người bất định”. Chịu thầy! Đúng là tôi bất định, nhất là lúc bấy giờ đang thất nghiệp, tương lai chưa biết về đâu, thì định cái gì! Cứ thế, hai chúng tôi chuyện trò khá rôm rả, khiến vị thủ trưởng của tôi hơi bị khó chịu.

 Tan tiệc, khi ra về, ông nhắc nhỏ tôi: “Cần cảnh giác, thành phố mới giải phóng phức tạp lắm đó!”. Vâng, nhưng tôi nghĩ, mình chả có gì phải “cảnh giác” với một nhà thơ hồn nhiên tột đỉnh như Bùi Giáng cả. Vả lại, tôi cũng là người hồn nhiên, nếu cảnh giác với Bùi Giáng, tôi cũng phải cảnh giác cả với mình hay sao?

Đó là lần đầu tiên và cuối cùng tôi được gặp Bùi Giáng.

Nhật Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.