Ca sĩ phòng trà: Lan Ngọc - Hát suốt 40 năm và hơn nữa...

25/09/2009 23:59 GMT+7

Đối với lớp ca sĩ hiện tại trong nước thì Lan Ngọc xứng đáng là một người chị gương mẫu “sống chết với nghề”. Giọng hát vượt thời gian của người đàn bà tuổi Mậu Tý này luôn cháy lửa đam mê.

Chị sinh ra trong một gia đình công chức có ông bố thích sưu tầm, chép lại những bài hát bất hủ như Biệt ly (Dzoãn Mẫn), Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong), Buồn tàn thu (Văn Cao), Ngày về (Hoàng Giác)... Người mẹ dù không hề biết một nốt nhạc nào, chỉ nghe qua radio và hát theo nhưng chừng ấy cũng đủ thẩm thấu vào tâm hồn cô con gái rượu. Ngay từ thuở nhỏ, Lan Ngọc đã rất thích ca hát và là cây văn nghệ nòng cốt của nhà trường, rồi là ca sĩ chính của Hội Khiếm thị chuyên đi hát gây quỹ từ thiện. Ông bố thấy con gái mê hát quá bèn “ký gửi” cho cặp nghệ sĩ Mạnh Phát - Minh Diệu kèm cặp. Chính nhạc sĩ Mạnh Phát đã đưa Lan Ngọc vào Đài phát thanh Pháp Á ghi âm bài hát đầu tiên vào năm 1967, bước khởi nghiệp chính thức để trở thành ca sĩ, đó là ca khúc Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong)...

Kể từ đó, Lan Ngọc là ca sĩ “nhí” nhất so với lứa đàn chị Mai Hương, Mai Hân, Quỳnh Giao, Hà Thanh, Kim Tước, Châu Hà... Cô luôn có mặt trong các chương trình ca nhạc Tiếng Thời Gian (của Mạnh Phát), Tiếng Tơ Đồng (của Văn Phụng - Hoàng Trọng), Tiếng Thùy Dương (của Châu Kỳ)... Lan Ngọc còn được nhạc sĩ Huỳnh Anh (tác giả Mưa rừng, Lạnh trọn đêm mưa, Kiếp cầm ca, Thuở đó có em... - NV) hướng dẫn nên ngày càng thăng tiến trong lĩnh vực ca nhạc. Trong rất nhiều dòng nhạc ở miền Nam dạo đó, Lan Ngọc chọn thể hiện những ca khúc tiền chiến của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao, Hoàng Giác, Phạm Duy..., đôi khi chị cũng hát những ca khúc điệu Boston của Y Vân. Dạo ấy, Lan Ngọc thường hát ở các phòng trà Vân Cảnh, Queen Bee, Maxim, Đêm Màu Hồng... Nổi tiếng rồi nhưng mỗi đêm không bố thì mẹ vẫn thay nhau đưa đón, cho đến một ngày họ “nhượng quyền” đưa đón con gái mình cho một thanh niên có được sự tín nhiệm, đó là chàng bác sĩ - bạn của anh trai Lan Ngọc.

Kỷ niệm không bao giờ quên trong đời ca hát của Lan Ngọc là dạo cô mới ở tuổi đôi mươi, hát ở phòng trà La Sirène. Trong số khán giả có một cặp vợ chồng lớn hơn cô khoảng chục tuổi, dắt theo đứa con gái chừng lên 5. Họ hầu như song hành với cô mỗi đêm, thường ngồi ở hàng ghế đầu và luôn yêu cầu Lan Ngọc hát Biệt ly của Dzoãn Mẫn. Trong thâm tâm, Lan Ngọc rất biết ơn và coi họ như những người bạn tri âm. Bẵng đi một thời gian không thấy họ lui tới. Sau đó, chỉ còn người đàn ông đeo chiếc băng tang dắt con gái tới. Vẫn ngồi vào chiếc bàn đó, vẫn gọi một ly nước cho chiếc ghế trống bên cạnh và vẫn yêu cầu Lan Ngọc hát Biệt ly... Đến giờ, sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, mỗi lần cất tiếng hát “Biệt ly nhớ nhung từ đây, chiếc lá rơi theo heo may, người về có hay. Biệt ly sóng trên dòng sông, ôi còi tàu như xé đôi lòng...”, Lan Ngọc lại nghẹn ngào nhớ đến người xưa, cảnh cũ...

Có một điều là với Lan Ngọc, ca hát là cái nghiệp, là máu thịt nên không thể dứt ra được. Hiện nay, chị vẫn hát thường xuyên ở nhà hàng ca nhạc n Nam, Q.3, TP.HCM, cuối tuần thì chị hát ở Quán Trịnh trên đường u Cơ, Q.11.  Chị còn là hội viên của Hội quán Hội Ngộ (khu du lịch Bình Quới I) nên mỗi dịp có chương trình tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chị luôn là ca sĩ đứng đầu danh sách biểu diễn. Đặc biệt, Lan Ngọc không hề từ khước một lời mời hát từ thiện nào. Ngoài danh mục nhạc tiền chiến, Lan Ngọc còn thể hiện rất thành công những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Và hẳn nhiều người còn nhớ chị từng gây ấn tượng với 2 bản nhạc của nhạc sĩ quá cố Giáp Văn Thạch: Quê hương (thơ Đỗ Trung Quân), Cánh hoa dầu...

Mặc dù cuộc sống hiện tại của chị rất sung túc, là chủ nhà hàng ca nhạc n Nam (góc Trương Định - Võ Thị Sáu, TP.HCM), có một căn nhà mặt tiền ở Q.5, và đã hơn 40 năm theo nghề, nhưng chị vẫn đi hát, bởi vì “trời còn cho mình hát được thì cứ hát”. Chị tâm sự: “Điều hạnh phúc nhất của đời tôi là tuy đã đứng tuổi nhưng vẫn còn nhiều khán giả ủng hộ. Trong tôi vẫn cháy bỏng niềm đam mê ca hát và vẫn hát được những ca khúc mà mình từng thể hiện thành công thuở thanh xuân. Tôi nghĩ đó cũng là điều mơ ước của hầu hết những ai theo nghề ca sĩ, và tôi mãn nguyện về điều này”.

Điều chị muốn gửi gắm đến thế hệ ca sĩ đàn em là phải có niềm đam mê, yêu nghề và nhất là phải tôn trọng khán giả. “Bây giờ tôi thấy nhiều em khi biểu diễn có thái độ rất hời hợt, có người còn hát nhép. Thời chúng tôi, ngoài giọng hát thiên phú còn phải luôn trau dồi, học hỏi, hát làm sao để truyền tải được ý đồ của tác giả đến người nghe... Ca sĩ bây giờ được sự hỗ trợ của máy móc hiện đại nhiều quá nên phần nào có sự ỷ lại, không nỗ lực như lớp chúng tôi ngày xưa...”.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.