Các nhà văn hóa ủng hộ tiếp tục lễ hội chọi trâu

07/09/2017 17:20 GMT+7

Theo GS Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa, bao nhiêu địa phương ao ước được tổ chức chọi trâu như ở Hải Phòng mà không được. “Nếu ông có, ông không làm dịch vụ có mà dở hơi”, ông Lý nói.

Trong suốt tọa đàm Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng sáng 7.9 do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Hà Nội, không có một tranh cãi nào về giá trị của di sản phi vật thể quốc gia này. “Tôi cho rằng lễ hội này là lễ hội đúp. Nó không chỉ là lễ hội nông nghiệp mà nó còn là lễ hội biển. Hiếm lễ hội nào được như thế”, GS Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa nói. Chưa kể, theo ông Lý, giờ đây cả nước chỉ còn duy nhất lễ hội chọi trâu này. Trước đó, do có lãi, nhiều tỉnh đã tổ chức và cũng muốn tổ chức chọi trâu, tuy nhiên, những hoạt động đó đều bị ngừng lại.
GS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng, nghĩ đến chuyện cấm chọi trâu là tư duy của những năm chiến tranh và bao cấp rất xa. “Tôi ủng hộ tiếp tục lễ hội chọi trâu, tuy nhiên duy trì như cũ thì không được. Những giải pháp như xây tường rào chắc chắn hơn cũng chỉ là giải pháp tình thế. Còn giải pháp chiến lược phải xây dựng mô hình đổi mới tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn”, ông Bền nói.

tin liên quan

Trâu chọi Đồ Sơn những ngày buồn - Kỳ 1: Những giai thoại kỳ bí
Sự cố trâu số 18 húc chết chủ tại vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017 đã một lần nữa dấy lên làn sóng tranh cãi. Sự cố đau lòng khiến nhiều người tiếc thương và nhớ về những giai thoại kỳ bí xưa nay của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Theo GS Lý, việc chọi trâu quan trọng nhất là ở khâu tổ chức. “Trong chuyện này vấn đề quan trọng nhất là tổ chức. Tất nhiên không ai lường trước hết mọi việc, nhưng việc này càng lường trước được nhiều bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Ngày xưa đời các cụ có những ông hiệu là những ông mặc rất hoành tráng, mà đeo mỗi cái búa thôi. Cái búa để làm gì, để lúc kéo xe nó bị tụt bánh thì ông ấy ra. Thế mà làm được ông hiệu. Tôi muốn nói là người ta tổ chức chi tiết đến tận như vậy. Thì ở đây mình cần như thế”, ông Lý nói.
Thậm chí theo ông Lý, nếu tổ chức chọi trâu rải khắp nước cũng được, miễn là tổ chức tốt. “Tôi thì tôi hoàn toàn ủng hộ nếu có thể rải ra cả nước này chọi trâu được, vì đó là một việc kích cầu cả về nông nghiệp lẫn sản xuất lẫn về làm du lịch. Muốn được như thế thì các Hải Phòng phải nghiên cứu, phải có người làm du lịch. Chứ người làm văn hóa không phải ai cũng làm được du lịch. Thấy mình làm văn hóa thì nghĩ là mình có thể làm du lịch giỏi. Quên chuyện đó đi nhé. Du lịch phải là người có nghề mới được”, ông Lý nói.
TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cũng cho rằng không có lý gì mà không cho phép chọi trâu cũng như yếu tố thương mại trong đó. Trong cơ chế thị trường càng phải để cho yếu tố thương mại đó tồn tại. Chỉ có điều cần quản lý thế nào để không có chuyện đẩy giá thịt trâu lên quá cao, chặt chém người mua. “Đã có lúc thịt trâu chọi lên đến 6 triệu đồng/kg”, ông Sơn nói.
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho rằng, dẫu biết lễ hội chịu tác động của cơ chế thị trường nhưng việc lấy thịt trâu thường bán như trâu chọi với giá ngất ngưởng là vô văn hóa, lừa đảo người dân. “Trâu không hề chọi mà mua sẵn hàng chục con bán ở chỗ khác. Đó là hoạt động vô văn hoá. Nên phải quản lý tốt thì sẽ có sản phẩm du lịch ổn”, ông Phúc nói.
Về việc có thể thiết kế để chọi trâu thành một sản phẩm du lịch văn hóa, theo GS Lý: “Tôi cũng đồng ý không thể không thương mại hóa trong thời buổi này được. Vấn đề là thương mại hóa đến đâu và thương mại như thế nào. Tuy nhiên đừng có kiểu không phải trâu chọi mà mang ra bảo là trâu chọi bán giá 5 - 7 triệu/kg. Chứ hàng vạn người đến mà không làm thương mại, không làm dịch vụ sao. Người ta mơ cái chỗ để làm thương mại dịch vụ, mà ông có ông không làm thì có mà dở hơi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.