Cảm nhận "Hồ Quí Ly - nhìn về một vương triều"

21/09/2010 00:23 GMT+7

Đoàn dân ca kịch bài chòi Bình Định, qua bản chuyển thể dân ca kịch của Sĩ Chức, với tài đạo diễn và thủ vai chính Hồ Quí Ly của NSƯT Hoài Huệ, đã thực sự chinh phục người xem khi thể hiện vở Hồ Quí Ly - Nhìn về một vương triều.

Kịch tác gia - nhà thơ Văn Trọng Hùng khi viết kịch bản này, thoạt đầu anh dùng hình thức kịch thơ, vì theo anh, kịch thơ dễ bộc lộ được những mặt mạnh của xúc cảm, những cao trào mang tính bi hùng, những độc thoại đi sâu vào nội tâm nhân vật. Từ kịch thơ, lại dễ chuyển thể thành tuồng hay dân ca kịch.

Không hiểu sao, tôi có cảm giác kịch bản thơ này rất hợp khi chuyển nó thành dân ca kịch, chứ không phải tuồng, và những nghệ sĩ, trong đó có những nghệ sĩ dân ca kịch trẻ của Bình Định đã diễn rất “ngọt” kịch bản không hề dễ này. Có thể vì dân ca kịch đã tỏ ra thích hợp khi tư tưởng của vở diễn, cũng là tư tưởng của nhân vật chính Hồ Quí Ly, là tư tưởng nhân dân.

Hồ Quí Ly là một nhân vật đặc biệt không dễ hiểu trong lịch sử Việt Nam. Những nhìn nhận, đánh giá trái chiều về ông đã có từ hơn 500 năm nay, và tới nay vẫn chưa kết thúc. Nhưng bây giờ thì ai cũng công nhận, Hồ Quí Ly là một vị vua yêu nước và kiên quyết chống xâm lược, dù công cuộc kháng chiến của ông tạm thời thất bại. Chuyện Hồ Quí Ly “soán ngôi nhà Trần” đã được đặt ra một cách trực diện trong vở diễn này, và người xem hiểu vì sao Hồ Quí Ly phải làm một việc “chẳng đặng đừng” như thế, nhằm cứu vãn quốc gia khỏi tình trạng suy sụp loạn lạc, và để có thể dồn tất cả nhân tài vật lực cho công cuộc chuẩn bị chống giặc ngoại xâm đang lăm le ngay ngoài biên ải.

Hồ Quí Ly là một nhân cách phức hợp, đa chiều, một nhà canh tân kiêm một võ tướng cai trị, một nhà triết học muốn từ bỏ lối từ chương khô cứng của Nho học và khai mở một mạch nguồn triết học - nhân học mới cho triết học và giáo dục Việt Nam, nhưng đồng thời là một con người hành động, một con người thực tế. Vở diễn Hồ Quí Ly - Nhìn lại một vương triều đã khắc họa một Hồ Quí Ly gồm cả ánh sáng và bóng tối, một Hồ Quí Ly quyết liệt nhưng cũng đầy day dứt, một Hồ Quí Ly táo bạo và không biết sợ nhưng lại ẩn bên trong một tấm lòng thương dân cùng những tình cảm rất bình thường của con người. Hồ Quí Ly là con người của những cơ hội lịch sử, nhưng cũng là nạn nhân của chính những khúc quanh lịch sử.

Những đối thoại, độc thoại, những câu hát thấm thía của các nhân vật trong vở diễn, từ nhân vật chính tới những nhân vật phụ, đã khiến Hồ Quí Ly - Nhìn lại một vương triều từ sàn diễn đi thẳng tới người xem, đối thoại với người xem, và buộc người xem phải bộc lộ, không chỉ là cảm xúc, mà còn là chính kiến của mình, kéo người xem vào cuộc tranh luận với nhân vật chính. Đó cũng chính là nét đặc sắc của nghệ thuật dân ca kịch bài chòi Bình Định. Tác giả Văn Trọng Hùng cùng với đạo diễn Hoài Huệ đã biết khai thác mặt mạnh này của “sân khấu nhân dân” cho một vở diễn thấm đẫm tư tưởng nhân dân.

Không đơn giản hóa một nhân vật phức tạp, nhưng biết tìm tới cốt lõi của tư tưởng yêu nước vị dân mà Hồ Quí Ly ấp ủ và thể hiện suốt đời mình, vở diễn đã thực sự thu hút người xem.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.