Cận cảnh bản kinh Phật 2.000 năm tuổi

26/04/2016 15:16 GMT+7

Sáng 26.4, bản kinh Phật cổ khắc trên lá bối 2.000 năm tuổi được trưng bày tại chùa Huyền Không, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, nơi duy nhất tại VN được chọn triển lãm cổ vật vô giá này.

Bản Tam tạng kinh Phật khắc trên lá bối này bao gồm các đoạn trong Tạng kinh, Tạng vi diệu pháp, Tạng luật và các bản kinh của Mahayana (kinh Đại thừa) từng được khai quật trong chuỗi hang động nằm giữa biên giới Pakistan và Afghanistan - nơi có hai tượng Phật cổ, lớn nhất thế giới đã bị chính quyền Taliban đánh sập ngay năm đầu tiên của thế kỷ 21.
Cổ vật đặc biệt này nằm trong bộ sưu tập của ông Schoeyen, một học giả và là nhà khảo cổ Na Uy, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Cổ vật vốn được lưu giữ và bảo vệ nghiêm ngặt tại Na Uy. Năm 2015, Giáo hội Phật giáo Thái Lan đã mượn cổ vật này để mang đến triển lãm tại Ấn Độ và các quốc gia trong khối ASEAN. Việt Nam là quốc gia thứ 8 vinh dự được triển lãm cổ vật này. Tiếp đó, triển lãm sẽ được diễn ra ở Malaysia và Thái Lan trước khi được đưa trở về Na Uy kết thúc đợt triển lãm quốc tế hiếm hoi này.
Phái đoàn Phật giáo Thái Lan trao bản Tam tạng kinh Phật cổ 2.000 năm tuổi cho đại diện Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế, Thượng tọa Pháp Tông (giữa) để tôn trí, triển lãm Ảnh: Đình Toàn
Từ tối 25.4, cổ vật này được tháp tùng và cung nghinh từ Thái Lan sang sân bay quốc tế Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên-Huế, sau đó với sự hỗ trợ của lực lượng an ninh và cảnh sát giao thông, cổ vật được cung nghinh về chùa Huyền Không, cách chùa Thiên Mụ khoảng 3 km về phía tây.
Tham dự lễ khai mạc triển lãm bản kinh Phật khắc trên lá bối 2.000 năm vào sáng 26.4 có đại diện lãnh đạo Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, hai hệ phái Phật giáo Nam tông và Bắc tông cùng đông đảo chư tôn đức tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước.
Trước đó, bản kinh cổ chỉ là những mảnh vỡ vụn được tìm thấy tại khu vực nằm giữa biên giới Pakistan và Afghanistan, nơi thường xảy ra cảnh bom rơi đạn lạc Ảnh: Đ.Toàn chụp lại ảnh tư liệu
Từ việc ngụy trang dưới những chuyến hàng mua bán để ra khỏi Afghanistan, được sự hỗ trợ bởi công nghệ hiện đại, tiền của và sự nhiệt thành của nhiều nhà khoa học, nhiều quốc gia, bản kinh cổ trên lá bối 2.000 năm dần được ghép lại hoàn chỉnh Ảnh: Đình Toàn
Bản kinh Phật cổ được lồng kính cẩn thận Ảnh: Đình Toàn
Phát biểu tại buổi triển lãm, ông Anudith Nakhonthap, nguyên Bộ trưởng Bộ công nghệ Thông tin Thái Lan, thành viên Ban tổ chức cuộc triển lãm bản Tam tạng kinh Phật khắc trên lá bối 2.000 năm tuổi nói rằng các thành viên trong ban tổ chức rất lấy làm vinh hạnh khi góp phần công sức để ngày hôm nay cổ vật quý này có mặt tại Huế. Cuộc triển lãm sẽ góp phần thúc đẩy, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các nước trong khối ASEAN, đặc biệt là hàng triệu Phật tử sẽ có cơ hội chiêm bái những lời dạy của đức Phật cách nay 2.000 năm, được ghi lại trên lá cọ với sự hiện hữu chân thực chứ không phải truyền khẩu.

Cung nghinh bản kinh Phật cổ 2.000 năm đến VN

Tối 25.4, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Thừa Thiên-Huế, hệ phái Phật giáo Nam Tông tại Huế cùng đông đảo chư tôn đức tăng ni, phật tử tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cung nghinh bản kinh cổ 2.000 năm tuổi khắc trên lá bối từ Na Uy về an vị - triển lãm tại chùa Huyền Không (P.Hương Hồ, TX.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Còn ông Cao Chí Hải, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế bộc bạch, cuộc triển lãm cổ vật vô giá này không chỉ có ý nghĩa lớn với Huế - vùng đất cố đô có nhiều di sản văn hóa của nhân loại, đạo Phật có ý nghĩa hết sức đặc biệt với người Huế, mà đây còn là sự kiện tiền Festival Huế 2016 diễn ra từ ngày 29.4 đến 4.5 tới.
Cuộc triển lãm bản kinh Phật trên lá bối 2.000 tuổi diễn ra đến chiều 27.4.
Đông đảo chư tôn đức tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước đến chiêm bái bản kinh cổ Ảnh: Đình Toàn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.