Cảnh báo biến tướng lễ hội - Kỳ 5: Trần tục hóa

20/02/2013 03:05 GMT+7

Do không nắm được ý nghĩa thiêng liêng, biểu tượng văn hóa gốc nên lễ hội đang bị tổ chức sai, trần tục hóa.

>> Cảnh báo biến tướng lễ hội - Kỳ 4: Rải tiền nơi cửa Phật

Gắn bó với Tây nguyên là thế, vậy mà khi lễ hội cồng chiêng được tổ chức, nhà văn hóa Nguyên Ngọc lại từ chối không đến. Nhiều người biết ông buồn. Buồn vì cồng chiêng - thứ âm nhạc dùng để giao tiếp với thần linh - lại được mang ra đánh giữa đường, tách rời khỏi không gian thiêng của nó. Không chỉ mình ông Ngọc, GS Tô Ngọc Thanh có lần dở khóc dở cười vì một điệu múa dân gian trong lễ hội có biểu tượng con rùa - với ý nghĩa vũ trụ - đã bị “cải” thành con ba ba để khuyến khích phong trào sản xuất nông nghiệp.  

Cảnh báo biến tướng lễ hội - Kỳ 5: Trần tục hóa
Lễ hội đền Trần hiện đang lập lờ về biểu tượng  chiếc ấn lộc - Ảnh: Hoàng Long

Mất thiêng

Theo một nghiên cứu của UNESCO, việc “thế tục hóa” lễ hội như vậy cũng đang diễn ra ở hội Gióng. Trước đây, những người dân đáp ứng đủ tiêu chuẩn để đóng các vai chính trong hội Gióng như ông hiệu, cô tướng có một vị thế xã hội nhất định trong cộng đồng. Được chọn làm ông hiệu, cô tướng là vinh dự của cá nhân, gia đình, thậm chí cả dòng họ. Sau lễ hội, họ vẫn phải cư xử đúng mực để bảo đảm sự linh thiêng của đức Thánh, đồng thời để lại tiếng cho đời, cho xóm làng. Tuy nhiên, do hiện nay việc vinh danh này đang dần mờ nhạt nên việc mời người vào vị trí ông hiệu, cô tướng trở nên khó khăn. Nó tiếp tục gây ảnh hưởng tới sự nghiêm túc trong thực hiện quy trình lễ hội. Một khảo sát của UNESCO cho biết: “Ngày xưa, hội diễn ra có nền nếp thứ tự. Mùng 8 âm lịch, các ông hiệu lên đền hết, ở lại đêm trên đấy. Bây giờ họ ở nhà. Đến trưa, trời nắng, các cô tướng nắng quá cũng bỏ vị trí, đi xuống bụi tre ngồi tránh nắng”.

 

GS Tô Ngọc Thanh có lần dở khóc dở cười vì một điệu múa dân gian trong lễ hội có biểu tượng con rùa - với ý nghĩa vũ trụ - đã bị “cải” thành con ba ba để khuyến khích phong trào sản xuất nông nghiệp

Một kiểu vi phạm tính biểu tượng của lễ hội khác xảy ra gần đây là đưa các yếu tố hiện đại body art, video art vào. “Họ đã bắt lễ hội này nói bằng ngôn ngữ cụ thể, trần tục thậm chí còn là ngây ngô và vô nghĩa nữa. Việc vẽ lên người trong lễ hội Lảnh Giang, vẽ lên mình trâu những nét nào đó trong lễ hội Tịch Điền của huyện Duy Tiên vừa qua cũng đã góp phần giải thiêng lễ hội”, GS Ngô Đức Thịnh nói. Theo ông, tại Lảnh Giang - một nơi thờ 3 vị thánh có công với nước - khó chấp nhận việc để các thanh niên vẽ lên người “tiếp nối truyền thống xăm người” ra múa.

Vào năm 2012, người ta đã cho lập kỷ lục hàng ngàn người cùng hát quan họ, biến lối hát quan họ giao duyên thành một kiểu biểu diễn số đông rất “nhà binh”. Chưa hết, khi các nhà nghiên cứu lên tiếng, đại diện nhóm tổ chức đã “kiện” lại các nhà khoa học. Điều này cho thấy, bản thân những người lập kỷ lục vẫn chưa hiểu gì về quan họ - biểu tượng của hội Lim. Cũng vì thế, họ đã xuyên tạc nó. 

Văn hóa bị tổn thương

Mới nhất, nóng nhất chuyện “xuyên tạc” biểu tượng lễ hội chính là đền Trần. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản, bài học lớn nhất ở đây là người ta đã làm sai lệch ý nghĩa của ấn đền Trần dẫn đến một cuộc chạy xô của xã hội. “Chắc chắn đây không phải là ấn tín của triều đình, của các vua Trần. Đây chỉ là chiếc ấn của nhà đền để thực hiện nghi lễ của mình. Có thời gian việc đóng ấn đền Trần trong ngày khai ấn lại do các quan chức nhà nước từ cấp cao cho đến cấp tỉnh, huyện, xã, thực hiện với ý nghĩa khai ấn mở đầu cho công việc của nhà nước. Việc làm sai lệch này trong nhiều năm dẫn đến nhiều hệ lụy tâm linh mà bây giờ đang phải giải quyết”, ông Huy nói. Thậm chí, theo PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo, sự cố tình làm sai lạc biểu tượng của lễ hội đền Trần còn gây tổn thương văn hóa. Sự tổn thương này rất rõ khi người dân không còn đến hội để cộng cảm, truyền thống bị nghi ngại không biết đúng hay sai.

Thế nhưng, mùa lễ hội 2013 năm nay việc “lập lờ” để gây hiểu sai lạc ý nghĩa ấn đền Trần vẫn tiếp diễn. Tại cuộc họp báo, bà Cao Thị Tính, Phó chủ tịch thường trực, cho biết quả ấn cổ sẽ được sử dụng để đóng lên các lá ấn tại hội đền Trần. Chính vì thế mới có nghi lễ rước ấn, hồi ấn. Tuy nhiên, con số 50 vạn lá ấn dự kiến phát ra khiến người ta phải nghi ngại về tính xác thực của việc này. Liệu có một cuộc tàn phá di sản là chiếc ấn ở đây khi sử dụng để đóng tới từng ấy lá ấn? Trong khi đó, tại họp trực tuyến về lễ hội năm nay, PGS-TS Nguyễn Chí Bền cho biết phải sử dụng vài quả ấn để đóng số ấn này. Ông Bền cũng là người chỉ đạo nghiên cứu về lễ hội đền Trần. Sự bất nhất này trong tuyên bố của hai người cho thấy lá ấn đền Trần - biểu tượng của lễ hội đền Trần đang “có vết”.

“Đã tới lúc cơ quan chức năng cần rà soát lại các lễ hội để hiện tượng sai lệch gốc văn hóa, sai lệch biểu tượng văn hóa này không tiếp diễn nữa”, GS Ngô Đức Thịnh kiến nghị. 

Lắp thêm camera an ninh cho lễ hội Xuân Yên Tử

Tối 19.2, cùng với Lễ đón nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội xuân Yên Tử đã chính thức được khai mạc. Trước đó, từ 10.2 (mùng 1 tết), Yên Tử bắt đầu đón du khách thập phương kéo về du xuân trên đỉnh non thiêng.

Theo Ban Quản lý khu di tích danh thắng Yên Tử, riêng trong 3 ngày (từ mùng 1 đến mùng 3 tết), đã có trên dưới 2 vạn lượt khách hành hương về Yên Tử, tăng 20% so với cùng kỳ. Các ngày sau đó trung bình Yên Tử đón khoảng 5.500 lượt du khách mỗi ngày.

Thượng tá Đỗ Văn Luyến, Phó trưởng công an TP.Uông Bí, Quảng Ninh, cho biết năm nay lượng khách kéo về Yên Tử sẽ đông hơn nhiều so với mọi năm nên công tác đảm bảo an toàn, trật tự an ninh đã được đầu tư kỹ lưỡng. Theo đó, một số camera có khả năng chống ẩm ướt và sương mù đã được lắp đặt thêm và kín đáo tại một số chùa chính của khu vực Yên Tử và tự động ghi lại những hình ảnh tại các khu vực này. Thông qua các camera, lực lượng an ninh sẽ thuận lợi hơn trong việc phát hiện những kẻ xấu trà trộn trong đám đông du khách để thực hiện hành vi móc túi, cướp giật... Bên cạnh đó, thêm nhiều lực lượng khác như cảnh sát hình sự, cảnh sát kinh tế được hóa trang và mật phục tại những khu vực lễ chính của Yên Tử như chùa Trình, suối Giải Oan, ga cáp treo, chùa Hoa Yên, chùa Đồng... để phát hiện và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực lợi dụng lễ hội để trục lợi (đánh bạc, cò mồi, chèo kéo du khách, bán thuốc Đông y giả...).

Bích Ngọc

Trinh Nguyễn

>> Biến tướng lễ hội
>> Biến tướng lễ hội - Kỳ 2: “Quan hóa”
>> Cảnh báo biến tướng lễ hội - Kỳ 3: Đi lễ phải biết... bật tường!
>> Cảnh báo biến tướng lễ hội - Kỳ 4: Rải tiền nơi cửa Phật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.