Chăm sóc “đứa con ngoan”

19/09/2009 15:39 GMT+7

Vở Nỏ thần của sân khấu Kịch Phú Nhuận TP.HCM đang gây xúc cảm mạnh mẽ trong khán giả lẫn giới làm nghề.

Cộng với Bí mật vườn Lệ Chi (sân khấu IDECAF) trước kia, hoặc Cánh đồng bất tận (Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM)..., nhiều người có lẽ đã thoát khỏi “định kiến” đối với sân khấu tư nhân xã hội hóa. Thì ra, sân khấu tư nhân có thể đứng được trong nền kinh tế thị trường mà vẫn không quên chất lượng nghệ thuật. Nhưng cũng cần nhìn lại xem Nhà nước đã có động thái nào gọi là theo dõi, định hướng và chăm sóc để giúp sân khấu tư nhân tiếp tục làm tốt nhiệm vụ của mình.

Theo dõi và định hướng thì chắc là đã có, bởi vở nào ra đời cũng phải qua mấy lần duyệt, duyệt từ trên giấy khi chưa dàn dựng, rồi duyệt phúc khảo khi đã dựng xong. Nhưng chăm sóc thì có lẽ còn quá xa vời. Rạp thì các sân khấu tư nhân tự đi thuê, diễn viên họ tự trả lương, lại còn phải đóng thuế. So với một số sân khấu quốc doanh vừa tiêu tốn mặt bằng, ngân sách, vừa không đạt nhiều hiệu quả vì tác phẩm cứ làm xong đem cất kho, thì sân khấu xã hội hóa đúng là “đứa con ngoan”.

Thiết nghĩ, cách biểu hiện dễ nhất là hỗ trợ một chút về kinh phí đối với những vở diễn hay, nghiêm túc, đặc biệt là các vở kịch lịch sử đang rất cần thiết để giáo dục lớp trẻ. Khi xem vở, hội đồng nghệ thuật và cán bộ phụ trách sẽ đánh giá và đề xuất, từ đó tùy chất lượng từng vở mà Nhà nước có thể hỗ trợ khoảng 20%, 30% hoặc 50% kinh phí mà vở đã dàn dựng. Kiểu này có thể gọi là “hậu đầu tư”, xem ra chắc ăn hơn kiểu đầu tư trước khi dựng vở mà trước nay Nhà nước vẫn áp dụng với các đoàn quốc doanh. Bởi tác phẩm đã hình thành rõ rệt, đỡ lo hơn khi nó chỉ mới nằm trên giấy. Hoặc hỗ trợ bằng cách tặng vé cho các giáo viên, học sinh, sinh viên giỏi, công chức có thành tích..., tương đương với hình thức lưu diễn phục vụ mà Nhà nước vẫn hỗ trợ. Các thành phần khán giả này có trình độ, đặc biệt đối tượng giáo viên là người truyền lửa, người đào tạo thế hệ trẻ, rất cần được cập nhật và nâng cao kiến thức, nhưng đồng lương của họ lại khó mua nổi chiếc vé xem kịch gần cả trăm ngàn đồng.

Quả thật, những động thái hỗ trợ như thế hẳn sẽ giúp các sân khấu tư nhân phấn khởi để tiếp tục phấn đấu, khẳng định mình. 

H.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.